Ban Đào tạo Hội Cấp thoát Việt Nam họp tổng kết 7 tháng đầu năm 2016

Ngày 29/7/2016, tại Công ty Thoát nước Hải Phòng, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức Họp Ban Đào tạo mở rộng để tổng kết công tác đào tạo 7 tháng đầu năm và bàn về nội dung hoạt động 5 tháng cuối năm 2016.


Tham dự buổi họp có ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Phạm Xuân Điều, Trưởng Ban đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đại diện các dự án Deviwas, Tvet, Dự án Quản lý nước thải của GIZ, đại diện Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hải Phòng cùng nhiều vị khách quý đến từ các đơn vị đối tác, đơn vị hội viên của Hội.

Tại buổi họp, ông Phạm Xuân Điều, Trưởng Ban đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng kết  công tác đào tạo 7 tháng đầu năm và nội dung hoạt động 5 tháng cuối năm 2016.


Trong 7 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức 20 khóa học với sự tham gia của 1087 học viên đến từ các đơn vị hội viên của Hội. Trong đó có 10 lớp tổ chức ở miền Bắc với 523 học viên, 2 lớp ở miền Trung với 57 học viên; 8 lớp ở miền Nam với 506 học viên. Trong 20 lớp, 16 lớp có sự tài trợ của các dự án, 4 lớp do Hội tự tổ chức. Về nội dung của 20 lớp học có 8 lớp về đối thoại thoại chính sách, 7 lớp về kỹ năng quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nguồn.

Đặc biệt, Hội bắt đầu thử nghiệm giảng 3 lớp chuyên đề về quản lý nước thải tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cho các đơn vị thoát nước có nhu cầu, với đội ngũ giảng viên là các giảng viên nguồn được lựa chọn từ chương trình đào tạo giảng viên nguồn do Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Chương trình GIZ - WMP phối hợp tổ chức.

Các chương trình đào tạo của Hội đang từng bước thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị, tùy từng nội dung đào tạo, sự tham gia của lãnh đạo đơn vị (giám đốc, phó giám đốc) trong các lớp tập huấn khoảng 17% –  trên 60% tổng số lượng học viên tham dự. 

Nội dung đào tạo bồi dưỡng đa dạng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp (kiểm soát viên, nghiệp vụ đấu thầu, an toàn lao động…). Tăng cường các lớp đối thoại chính sách, cập nhật thường xuyên vào các văn bản, chính sách nhà nước mới ban hành; đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong vận dụng chính sách, quy định của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả tổng hợp từ các phiếu đánh giá chất lượng lớp học cho thấy, phần lớn các học viên nhận xét các khóa học bổ ích, truyền tải được các nội dung thay đổi theo các thông tư, nghị định mới ban hành. Những thắc mắc, phản hồi của các học viên tại các lớp đối thoại chính sách cũng được các giảng viên tiếp thu để hoàn thiện các văn bản chính sách sắp ban hành. Đội ngũ giảng viên cho các khóa học chính là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy hoặc trực tiếp soạn thảo/góp ý cho các văn bản pháp luật, quy chuẩn…

Hoạt động đào tạo của Hội đang từng bước được chuyên nghiệp hóa, liên kết với các đơn vị đào tạo được Nhà nước công nhận để cấp các chứng chỉ/chứng nhận hành nghề có giá trị toàn quốc (chứng chỉ về đấu thầu, chứng nhận về huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động…).

Bên cạnh đó, Hội Cấp thoát nước Việt Nam còn phối hợp với “Hợp phần 3 - Đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” (TVET – CHLB Đức) tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo cho nhân viên đang làm việc tại hệ thống thoát và xử lý nước thải ở Việt Nam; tổ chức Hội thảo tư vấn xây dựng chương trình đào tạo nâng cao ngắn hạn cho ngành xử lý nước thải tại Việt Nam với sự tham gia của khoảng 50 đại diện lãnh đạo cấp cao từ các công ty xử lý nước thải, từ các cơ sở đào tạo, ra ấn phẩm “Báo cáo khảo sát nhu cầu đào tạo nâng cao cho nhân viên vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Việt Nam”.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Hội tiếp tục phối hợp với trường Đại học Xây dựng Hà Nội và trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây và Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, Trường Trung cấp Nghiệp vụ Hải Phòng tổ chức các lớp đại học tại chức chuyên ngành cấp thoát nước cho các hội viên có nhu cầu.

Từ những thành công đạt được, 5 tháng cuối năm 2016, hoạt động đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung sau:

- Phối hợp với Dự án DEVIWAS lên kế hoạch về chương trình hoạt động đào tạo giai đoạn 2 của dự án. Tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tập trung, liên kết với các đơn vị cấp chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc và các khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí và các lớp đối thoại chính sách theo Dự án DEVIWAS.

- Lựa chọn nhóm giảng viên nguồn  để tổ chức các khóa học theo các chuyên đề về quản lý nước thải.

- Phối hợp với “Hợp phần 3 - Đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” (TVET - CHLB Đức) xây dựng đội ngũ giảng viên cho nghề kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải.

- Đào tạo bồi dưỡng liên kết: tập trung vào đối thoại chính sách và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý để nắm vững và thực hiện theo đúng các quy định pháp luật.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI HỌP TỔNG KẾT:








Bài & ảnh: Hà Thắm

Khóa học khác

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam