Toạ đàm về Đổi mới Chương trình đào tạo ngành Cấp thoát nước

Ngày 20/6/2019, Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật Môi trường - Đại học Xây dựng đã tổ chức Tọa đàm với các doanh nghiệp, các bên liên quan về Đổi mới Chương trình đào tạo ngành Cấp thoát nước theo hướng tiếp cận CDIO. Chương trình được sự hỗ trợ của Dự án "Phát triển ngành Nước và  Vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ đối tác mới" giữa Diễn đàn Nước Phần Lan (FWF) và Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA).

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Đình Thi - Trưởng phòng Đào tạo, Thành viên thường trực Ban chỉ đạo CDIO Trường Đại học Xây dựng; TS. Phạm Tuấn Hùng - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng; PGS.TS. Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam và các ban chuyên môn của Hội, các chuyên gia Cấp thoát nước; GS.TS. Nguyễn Việt Anh - Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước; các Công ty Cấp nước, Thoát nước Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện các nhà đầu tư Aquaone, Phú Điền, Ecopark, các công ty tư vấn thiết kế VIWASE, CONINCO, WATERCO, đại diện các cơ quản lý Nhà nước như Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng... Nhiều đại biểu là cựu sinh viên Cấp thoát nước Trường Đại học Xây dựng (từ K28 đến K50). Đến dự Tọa đàm còn có đại diện Ban chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật môi trường, đại diện các Bộ môn trong Khoa KTMT, các thầy cô Bộ môn Cấp thoát nước...
 
 
PGS.TS. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới CTĐT theo CDIO
 
Mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Đào tạo phát biểu và nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết đổi mới chương trình. CDIO là phương thức tiếp cận tiên tiến, được hơn 200 trường ĐH trên toàn Thế giới áp dụng, hướng tới tích hợp kiến thức - kỹ năng - thái độ vào chương trình đào tạo, được thiết kế dựa trên yêu cầu của đầu ra (nhu cầu thị trường). Chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy và đánh giá, trình độ năng lực giảng viên sẽ phải thay đổi để phù hợp, đáp ứng với mục tiêu trên.
 

 
PGS.TS. Trần Thị Hiền Hoa, Phó trưởng Bộ môn Cấp thoát nước báo cáo tổng quan về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Nước và Môi trường trên Thế giới, để có sự so sánh và đánh giá các môn học được lựa chọn, phương thức kiểm định cho ngành kỹ thuật và số lượng tín chỉ cần thiết.
 

 
Dựa trên sự đánh giá các chương trình về Nước và Môi trường được áp dụng ở các trường đại học danh tiếng, ThS. Đỗ Hồng Anh trình bày đề xuất Chuẩn đầu ra và Khung CTĐT mới dự kiến áp dụng cho ngành Cấp thoát nước. 
 

 
Tiếp theo, GS.TS. Nguyễn Việt Anh đã làm rõ quan điểm và cách tiếp cận trong xây dựng CTĐT ngành Cấp thoát nước theo hướng tiếp cận CDIO và định hướng nội dung thảo luận, mong muốn các nhà quản lý, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến.

Phần đóng góp ý kiến đã diễn ra rất sôi nổi, với nhiều ý kiến rất có giá trị, cho thấy rõ hơn những yêu cầu của doanh nghiệp ngành Nước đối với kỹ sư CTN tốt nghiệp ra trường và những gợi ý điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy. Chẳng hạn, cần tăng cường tham quan thực tế, thực hành, thực tập cho mỗi môn chuyên ngành (Công ty CN Bà Rịa – Vũng Tàu), tăng cường các kỹ năng đọc tài liệu, cách tư duy để giải quyết các vấn đề thực tế, các sự cố (Công ty CN Hải Phòng), sinh viên nên có thêm Đồ án tổng hợp trước khi làm Đồ án tốt nghiệp (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), chọn tên chương trình hấp dẫn hơn, ví dụ như “Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường” (GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ), giảm số học phần để giảm thiểu áp lực thi cử (Tổng cục Môi trường), ghép một số môn học để giảm số học phần (PGS.TS. Trần Đức Hạ), đồ án thiết kế nên thực tế hơn (Ecopark), sắp xếp các môn lựa chọn theo module để SV định hướng luôn nghề nghiệp (Công ty SFC Phú Điền), ký kết Thoả thuận hợp tác toàn diện với doanh nghiệp, hướng dẫn thực hành cho SV ngay từ năm thứ 3, thứ 4 (Công ty VCC, Bộ Xây dựng), đưa vào các môn học nội dung về kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh, khu công nghiệp sinh thái (Công ty VINSE), sắp xếp lại thứ tự các môn học để các năm đầu SV hào hứng học tập hơn (Công ty CN Hải Dương), đồ án môn học yêu cầu phải vẽ tay để sinh viên nắm được kiến thức vững và rèn kỹ năng tốt hơn (Công ty Thoát nước Bắc Ninh), nên tạo điều kiện cho SV tiếp xúc với các dự án thực tế nhiều hơn để sinh viên thể hiện ý tưởng và làm đồ án chuẩn hơn, đồng thời yêu cầu SV có báo cáo sau khi đi thực tế, trước khi làm Đồ án tốt nghiệp (Công ty CN sông Đuống), đồ án các môn chuyên ngành có thể được hướng dẫn hoặc đánh giá bởi thày cô và doanh nghiệp (Tổ thư ký CDIO)... Các đại biểu cũng góp ý chi tiết về mức độ quan trọng và yêu cầu đầu ra cần thiết đối với từng môn học trong chương trình khung.
 

PGS.TS. Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu 

Buổi Tọa đàm đã kết thúc thành công ngoài mong đợi. Sự quan tâm, tham gia tích cực từ các doanh nghiệp và mạng lưới cựu sinh viên là động lực để Bộ môn Cấp thoát nước tiếp tục cùng với Nhà trường triển khai các hoạt động tiếp theo, đổi mới Chương trình đào tạo một cách thiết thực, hiệu quả, cũng như duy trì các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong thơi gian tới.
 


 
Phương pháp tiếp cận CDIO là cách thức tiếp cận một mô hình lí thuyết về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học kĩ thuật. Mô hình CDIO dựa trên triết lí phát triển năng lực trụ cột của người kĩ sư đáp ứng được nguyên lí triển khai chu trình vòng đời của sản phẩm, quy trình và hệ thống - Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate) trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội.

Bài viết cùng chuyên mục