Quản lý rủi ro về nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

"Xâm nhập mặn, hạn hán, ngập lụt hay ô nhiễm nguồn nước,... là những nguy cơ tiềm ẩn, tác động trực tiếp đến an ninh, an toàn và phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam", đó là chia sẻ của bà Hạ Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam về những thách thức hiện thời của ngành Cấp Thoát nước.

Hội thảo

Hội thảo "Từ Thách Thức Đến Thích Ứng: Quản Lý Rủi Ro Về Nước Trong Bối Cảnh Biến Đổi Khí Hậu" tại TP HCM. Ảnh: H.T.H
 

Sáng 22/4/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Quản lý Nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương (WSAP) cùng Cơ quan Hợp tác ngành nước Australia (AWP) đã tổ chức hội thảo "Từ thách thức đến thích ứng: Quản lý rủi ro về Nước trong bối cảnh Biến đổi khí hậu".

Tham dự hội thảo có bà Hạ Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA); Ông Michael Wilson, Giám đốc điều hành Tập đoàn eWater Limited; TS. Sandra Hall, Giám đốc điều hành WSAP; Bà Megan McLeod, Giám đốc dự án "Nâng cao năng lực và sự tham gia trong quản lý Nước ở Việt Nam" cùng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Unicef, FAO và các doanh nghiệp cấp thoát nước tại Việt Nam.

Mục đích của hội thảo là cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách khám phá các khung chính sách, tài chính và hợp tác cũng như các ý tưởng đổi mới sáng tạo, các kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường an ninh nước ở Việt Nam.

Quản lý rủi ro về nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng trình bày tham luận. Ảnh: H.T.H

Thay mặt Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng đã trình bày tổng quan về ngành Nước của Việt Nam hiện nay với nhiều cơ hội song hành cùng thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Theo bà Hạ Thanh Hằng, BĐKH, xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt đô thị,... là những nguy cơ tiềm ẩn tác động trực tiếp đến an ninh, an toàn và phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam.

"Những diễn biến bất thường như khô hạn vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhiễm mặn, nhiễm phèn các tỉnh duyên hải và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; ngập úng tại TP. HCM, Hà Nội,...; Lũ quét, lũ ống ở các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai,... Mưa bất thường, độ đục tăng đột biến vượt khả năng xử lý của các hệ thống dẫn đến chất lượng nước không ổn định, sự cố đường ống xảy ra, cung cấp nước gián đoạn,.." là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp cấp thoát nước tại các địa phương đang phải đối diện. 

Trước những thách thức này, ngành Nước của Việt Nam đang tập trung xây dựng Luật Cấp Thoát nước, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2025. Trong đó sẽ có những chính sách tài chính phù hợp khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, Nhà nước hỗ trợ cho các vùng miền núi khó khăn, các vùng bị tác động của BĐKH. 

"Với vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của các đơn vị hội viên là các Doanh nghiệp ngành Nước - một trong những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Luật Cấp Thoát nước, VWSA đã tích cực, chủ động tham gia và tư vấn kỹ thuật trong quá trình xây dựng Luật", bà Hạ Thanh Hằng chia sẻ. 

Bà Hạ Thanh Hằng bày tỏ kỳ vọng Luật Cấp Thoát nước sau khi đi vào thực tiễn sẽ tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng giải quyết những bất cập hiện thời của ngành cấp nước, thoát nước tại nước ta.

Chia sẻ thêm về những chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Hạ Thanh Hằng cho biết ngành Nước Việt Nam hiện nay còn thực hiện Kế hoạch Cấp nước An toàn; Chương trình Quốc gia chống thất thoát thất thu do Chính phủ ban hành; Ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và thích ứng BĐKH, Nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; sử dụng nước tiết kiệm. 

Khiêm Anh

Khóa học khác

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam