Lắp đặt và sử dụng đồng hồ nước ở Việt Nam

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở huyện Đông Anh đã lắp đồng hồ nước gần 20 năm, tuy nhiên đến nay chưa ai trong gia đình biết cách đọc chỉ số trên thiết bị đo lường này.
 
Lắp đặt và sử dụng đồng hồ nước ở Việt Nam - Ảnh 1.

Gia đình bà Nga là một trong nhiều trường hợp các hộ còn đang thiếu kiến thức đọc chỉ số, cũng như kiểm tra đồng hồ nước, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Tại Việt Nam, đồng hồ nước là thiết bị đo lượng nước tiêu thụ trong sinh hoạt gia đình, công ty, doanh nghiệp… được lắp đặt theo quy định của nhà nước.

Lưu lượng nước chảy qua sẽ được ghi lại trên bộ đếm số hiển thị, là cơ sở tính phí người dùng theo khối lượng sử dụng và giúp phát hiện rò rỉ, chống thất thoát nước.

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy hiện toàn quốc có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung với tổng công suất cấp nước thiết kế đạt khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm. 

Sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu sử dụng nước sẽ thúc đẩy thị trường đồng hồ nước trong những giai đoạn tiếp theo. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cấp nước đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân trong việc sử dụng, bảo vệ đồng hồ đo nước.

Quy định lắp đặt đồng hồ nước

Việc cung cấp nước sạch và lắp đặt đồng hồ nước tại Việt Nam được quy định cụ thể trong Nghị định 117/2007/NĐ-CP ban hành ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. 

Nghị định nêu rõ khách hàng sử dụng nước là các hộ gia đình đã thỏa thuận đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước mà không sử dụng hoặc sử dụng ít hơn 4 m3/hộ gia đình/tháng.

Ngoài ra, đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng nước phải có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt trong khu vực quản lý của mình và thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước khi phát hiện đồng hồ nước bị mất hoặc bị hỏng.

Quy trình lắp đặt đồng hồ nước

Về quy trình lắp đặt đồng hồ nước, dưới đây là một số thông tin từ các đơn vị cấp nước trên toàn quốc.

Đối tượng khách hàng đạt điều kiện lắp đặt đồng hồ nước phải thỏa mãn:

● Hộ gia đình có nhà ở hợp pháp nhưng chưa lắp đặt đồng hồ nước.

● Địa điểm đăng ký lắp đặt nằm trong vùng cấp nước của đơn vị cấp nước

● Địa điểm đăng ký lắp đặt không thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi giải tỏa của chính quyền địa phương.

Quy trình lắp đặt đồng hồ nước gồm có 4 bước:

● Bước 1: Khách hàng nộp hồ sơ đề nghị lắp đặt đồng hồ.

● Bước 2: Nhân viên kỹ thuật của đơn vị cấp nước triển khai khảo sát thiết kế, địa điểm lắp đặt

● Bước 3: Khách hàng tiến hành ký hợp đồng với đơn vị cấp nước.

● Bước 4: Thi công lắp đặt đồng hồ và bàn giao công trình.

Việc lắp đặt đồng hồ nước phải tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8779-2:2011: Yêu cầu lắp đặt đồng hồ đo nước lạnh và nóng. Khi tiến hành thi công lắp đặt cần đặc biệt chú trọng tới 4 yếu tố sau:

● Vệ sinh, làm sạch các ngoại vật trong đường ống trước khi lắp

● Đồng hồ đặt nằm theo chiều ngang, mặt đồng hồ hướng lên trên.

● Đoạn ống nối trước, sau đồng hồ phải thẳng với chiều dài tối thiểu lần lượt gấp 10 lần và 2 lần đường kính đồng hồ. Các van, khớp nối có tác động đến lưu lượng dòng chảy phải được đặt bên ngoài khoảng cách ống quy định.

● Chiều dòng chảy phải đúng với hướng mũi tên có trên thân đồng hồ.

Lắp đặt và sử dụng đồng hồ nước ở Việt Nam - Ảnh 2.

Cách đọc chỉ số trên đồng hồ nước

Dựa trên cấu tạo của bộ đếm số hiển thị, đồng hồ nước được chia làm 2 loại:

● Đồng hồ có dãy số hiển thị trực tiếp: 

Các số trên dãy từ 4-6 số của loại đồng hồ này có cùng một màu duy nhất. Phần khung bao quanh dãy số không bị ngăn cách bởi các ký hiệu dấu phẩy hoặc dấu chấm. Cuối dãy số hoặc phía bên trên khung có ký hiệu mét khối (m3). Con số hiển thị trên dãy này tương đương với số mét khối nước hộ gia đình sử dụng.

Bên cạnh dãy số là 4 đồng hồ nhỏ với các chỉ số lần lượt là x 0,0001; x 0,001; x 0,01; x 0,1 thể hiện số lượng nước hộ gia đình đã tiêu thụ theo đơn vị 0,1 lít; 1 lít; 10 lít và 100 lít.

● Đồng hồ hiển thị số cộng dồn: 

Loại đồng hồ này được hiển thị với nhiều dạng số từ 4 đến 8 số và có 2 màu khác nhau gồm đen và đỏ, ngăn cách bởi dấu chấm hoặc dấu phẩy.

Phần màu đen thể hiện tổng số mét khối (m3) nước đã sử dụng và đọc từ trái sang phải. Phần màu đỏ thể hiện số lít nước, đọc từ trái qua phải theo thứ tự hàng trăm, hàng chục và hàng đơn vị

Ngoài ra, trên mặt hiển thị còn một đồng hồ kim nhỏ có chỉ số x 0,0001 tính toán lượng nước tiêu thụ theo đơn vị 0,1 lít nước. Khi kim quay hết 1 vòng tương đương với 1 lít nước đã được sử dụng.

Việc đọc chỉ số trên đồng hồ nước sẽ giúp người dùng cân đối lượng nước gia đình sử dụng hàng tháng, cũng như phát hiện kịp thời rò rỉ, tránh thất thoát nước.

Điều 50 Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cũng nêu rõ:

“Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm nước không chính xác, khách hàng sử dụng có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, đơn vị cấp nước phải kiểm tra và hoàn thành việc sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm nước. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định”.

Cuối buổi phỏng vấn, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ thêm thông tin với gia đình bà Nga cùng các hộ gia đình khác về cách đọc chỉ số cũng như kiểm tra đồng hồ nước.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1