Công việc thầm lặng của những “kẻ” yêu nghề thoát nước

Những ngày cuối tháng 9, Bão số 4 (hay Bão Noru) - cơn bão mạnh nhất trong hai thập kỷ, đã quét qua và gây hậu quả trên nhiều tỉnh thành.

Công việc thầm lặng của những “kẻ” yêu nghề thoát nước - Ảnh 1.

Hình ảnh những người công nhân thoát nước bất chấp nguy hiểm, ứng trực, tua vớt rác, hống úng ngập sau bão, thậm chí chui xuống cống ngầm khai thông hệ thống tiêu thoát, đã không còn xa lạ.

Tình trạng úng ngập do mưa lớn xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều người nhìn nhận đúng về ngành thoát nước và những cống hiến thầm lặng của lực lượng tuyến đầu này mỗi mùa mưa lớn.

“Công nhân thoát nước là công việc mà phải yêu mới có thể làm được. Bởi, đây là một trong những công việc vất vả với vô vàn nguy hiểm thường trực, đòi hỏi sự kiên trì cũng như nhiệt huyết trong công việc hơn bất cứ ngành nghề nào khác”, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Từng đảm nhận nhiều vị trí ở Công ty, ông Sơn phần nào hiểu rõ những khó khăn, vất vả của những người trong nghề. 

Vì tính chất đặc thù của công việc, công nhân thoát nước phải trực tiếp tiếp xúc với các chất thải, nước thải. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, ung thư luôn tiềm ẩn trong khi làm việc. 

Không ít lần, ông Sơn đã phải đưa tiễn nhiều bậc tiền bối trong ngành ra đi do mắc bệnh nan y trong quá trình công tác. “Nhiều người trong số đó còn chưa lấy kịp lương hưu”, ông Sơn chia sẻ.

Những khó khăn, vất vả như nhiều hơn gấp bội, đặc biệt mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao khiến nhiều công nhân phải “ngâm” mình ngoài trời 3-4 tiếng đồng hồ. Việc di chuyển, mở nắp hố ga, khơi thông dòng chảy cũng trở nên vô cùng nguy hiểm do nguy cơ trơn trượt, cành cây gãy đổ, dây điện đứt rất cao. 

Tuy nhiên, người công nhân thoát nước vẫn luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm tiêu thoát nước cho các tuyến đường, cũng như hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông an toàn.

“Bởi vậy, mỗi khi nghe tin bão tới, anh chị em trong ngành thường lo lắng, nhiều người đến mất ăn, mất ngủ khi chuẩn bị tinh thần ứng phó thiên tai. Không chỉ họ lo, người nhà cũng khó yên tâm cho được. Phải đến khi mưa đã ngớt, công tác giải quyết ngập úng hoàn thành thì mọi người mới thở phào, yên tâm được phần nào”, ông Sơn hồi tưởng lại những kỉ niệm mỗi mùa bão tới.

Chính bởi những vất vả như vậy mà việc tuyển dụng trong ngành này gặp nhiều khó khăn. Trước đây, do số lượng ngành nghề còn ít, công tác nhân sự có phần dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, cơ hội việc làm ngày càng nhiều, trong khi nhận thức của người dân về ngành nghề này không tương xứng, dẫn tới số tân binh trong ngành này ngày càng giảm, đặc biệt với nữ giới.

Trong hơn 2.000 nhân viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cũng có người vì cuộc sống mưu sinh, nhưng phần lớn làm vì yêu và có trách nhiệm với nghề. Ông Sơn nói, có không ít các gia đình 3 đến 4 thế hệ theo hình thức “cha truyền, con nối” làm công nhân thoát nước. Nhiều người cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố cũng cần được chăm lo như căn nhà của họ.

Công việc thầm lặng của những “kẻ” yêu nghề thoát nước - Ảnh 2.

NHỮNG HỖ TRỢ TẠM THỜI

Nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn trong ngành, đồng thời thúc đẩy tuyển dụng nhân sự, Công ty đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ công nhân trong ngành.

Từ đầu tư trang thiết bị, bảo hộ giúp hạn chế nguy hiểm từ môi trường làm việc tới chuyển đổi nhiều công đoạn sang cơ giới hóa, tự động hóa thay vì phải làm thủ công như trước.

Tại trạm giám sát của Công ty, hệ thống tự động hóa được áp dụng trong các thiết bị bơm, cửa phai sẵn sàng xả, tiêu thoát nước vào hồ mỗi khi mưa lớn. Hệ thống cũng đưa ra cảnh báo về những điểm úng ngập, dự đoán diễn biến trước và sau mưa, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn cho công nhân cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.

Nhận thức được những khó khăn trong nghề, ban lãnh đạo Công ty đẩy mạnh chính sách, quyền lợi cho người lao động bên cạnh những chính sách của nhà nước.

Đầu tiên, về chế độ y tế, công ty có trạm y tế tuyến đầu cấp 1, luôn đầy đủ trang thiết bị, vật tư thăm khám mỗi khi cần thiết. Theo ông Sơn, đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp anh chị em trong ngành có thể yên tâm công tác. Khi phải làm việc trong môi trường độc hại, nhiều rác thải dưới cống ngầm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhẹ thì xước tay chân, nặng thì uốn ván, nhiễm trùng nên việc sơ cứu, xử lý vết thương kịp thời trở nên thiết yếu.

Bên cạnh chính sách đảm bảo về sức khỏe, Công ty luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân viên. Hàng năm, công ty tổ chức nhiều sự kiện nhằm tri ân, thăm hỏi công nhân trong các dịp lễ, Tết… đặc biệt vào những thời điểm khó khăn khi đau, ốm hay giãn cách xã hội hai năm vừa qua do đại dịch COVID-19.

Công ty cũng thành lập câu lạc bộ hưu trí cho nhân viên về hưu, hay tổ chức những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ thế hệ đi trước nhằm xây dựng văn hóa làm việc trên cơ sở đoàn kết và hỗ trợ giữa Ban lãnh đạo và công nhân viên. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động, khi nhiều công nhân đã có thâm niên làm việc gần 40 năm.

Công việc thầm lặng của những “kẻ” yêu nghề thoát nước - Ảnh 3.

GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Ông Sơn nhận định, hệ thống thoát nước là công trình đầu tư công, bao gồm những hệ thống cũ và cả hệ thống mới của các khu đô thị. Các doanh nghiệp thoát nước đấu thầu để khai thác và vận hành dựa trên những hệ thống có sẵn này. 

Tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa ngày càng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch đồng bộ, chính sách của ngành Cấp - Thoát nước còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn tới việc vận hành hệ thống thoát nước vẫn gặp khó khăn.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước, bao gồm những quy định cụ thể về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước… 

Bộ luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước ban hành từ năm 2012, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, báo Điện tử Chính phủ viết ngày 20/9/2022.

Bên cạnh những phải pháp về chính sách, đầu tư nâng cấp hạ tầng ngành thoát nước, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tránh xả rác bừa bãi, gây tắc nghẽn cống thoát nước cũng đặc biệt quan trọng.

Theo ông Sơn, những giải pháp này sẽ giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong ngành thoát nước nói chung cũng như san sẻ phần nào khó khăn, vất vả của người công nhân trong ngành nói riêng.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1