Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ tài nguyên nước

Nền kinh tế tuần hoàn, với các chính sách, mở rộng đầu tư tài chính có thể từng bước thay thế kinh tế truyền thống để phục hồi tài nguyên nước trước biến đổi khí hậu.
 

Ông Nguyễn Thanh Hà trước đây thường mất đến 5-6 ngày để tưới hết 3 hec-ta bơ và sầu riêng của gia đình ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đầu tư 300 triệu đồng cho hệ thống tưới phun mưa tại gốc tự động, ông chỉ cần hơn 1 giờ đồng hồ để hoàn tất việc tưới cả vườn.

Bên cạnh đó, hệ thống tưới còn cho phép đưa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến tận các gốc cây, giúp tiết kiệm từ 20-30% lượng phân bón so với kiểu truyền thống, ông Hà nói trong một bản tin đăng trên trang nhà của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tháng 6/2021.

Việc sử dụng thiết bị tưới tiết kiệm nước của gia đình ông Hà đáp ứng một phần trong các mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ vượt Philippines và Singapore để đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan, với quy mô 571 tỷ USD vào năm 2025.

Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ tài nguyên nước - Ảnh 1.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nêu rõ: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Việt Nam đã hình thành một số mô hình tiếp cận với kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, hay vườn-ao-chuồng trong chăn nuôi nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.

Triển khai những mô hình này nằm trong xu thế chung khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày một khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế thế giới và Việt Nam.

Các quốc gia đã và đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách, mở rộng đầu tư tài chính từng bước thay thế cho nền kinh tế truyền thống nhằm phục hồi, tái tạo nguồn tài nguyên nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định trong Hội nghị “Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” ngày 28/6/2022.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định nền kinh tế tuyến tính hiện tại dựa trên các nguyên tắc “khai thác, sử dụng và thải bỏ” đang ngày càng thể hiện rõ mối đe dọa tới môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.

Việc triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm duy trì vật liệu, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, hướng đến việc quản lý và khôi phục tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đồng thời giải quyết một số thách thức ô nhiễm và tổn thất đa dạng sinh học, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững, đáp ứng các cam kết về bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhận định, việc xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc lần đầu tiên áp dụng các nguyên tắc của mô hình kinh tế này vào khung chính sách.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ThS. Bùi Quang Trung và ThS. Phạm Hữu Năm nêu trong nghiên cứu “Một số giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. 

Ngoài ra, Việt Nam có thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia phát triển, tận dụng cơ hội hợp tác về tiếp nhận chuyển giao công nghệ hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, theo nghiên cứu nói trên đăng tại Tạp chí Tài chính kỳ 2, tháng 6/2020.

Xã hội dựa trên tái chế

Tại châu Á, ngay từ năm 1999, Nhật Bản, nước có diện tích hạn chế, mật độ dân số cao và là quốc gia sản xuất công nghiệp lớn nhưng khan hiếm nguồn tài nguyên khoáng sản, đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn. Chính phủ Nhật Bản xây dựng một khung pháp lý toàn diện hướng tới một xã hội dựa trên việc tái chế.  

Đạo luật về việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing a Recycling-Based Society) có hiệu lực vào năm 2002 cung cấp các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản.

Nhờ vậy, tỷ lệ tái chế đã đạt mức đáng kinh ngạc. Nhật Bản tái chế tới 98% kim loại và trong năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải chôn lấp, so với 48% ở Vương quốc Anh vào năm 2008. Theo Luật tái chế thiết bị Nhật Bản của Nhật Bản, phần lớn các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, so với con số 30-40% ở châu Âu. 

Trong số các thiết bị này, 74–89% vật liệu trong đó được thu hồi. Quan trọng hơn, nhiều trong số các vật liệu này được dùng sản xuất các sản phẩm cùng loại. Tất cả những điều này tạo tiền đề cho Nhật Bản triển khai một nền kinh tế thực sự tuần hoàn từ rất sớm.

Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ tài nguyên nước - Ảnh 2.

Một ví dụ khác trong việc thành công áp dụng nền kinh tế tuần hoàn là thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tại đây, việc phân loại rác cùng các quy trình tái chế rác được nâng cao đã và đang mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, theo bản tin của VTV ngày 4/9/2022.

Bằng việc sử dụng một hệ thống lọc vòng xoắn có chứa lợi khuẩn với khả năng tiêu diệt độc tố, Công ty tái chế AquaBioStep ở Dubai đã thử nghiệm thành công và áp dụng trong việc xử lý nước thải. Kết quả thu được là nước thải được lọc đến 96%, sạch trong, không mùi, giống bất kỳ một nguồn nước sinh hoạt nào.

Tại công ty Neutral Fields, dầu ăn đã qua sử dụng ở các nhà hàng được công ty thu gom và xử lý thành dầu tái chế cho động cơ. Không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, loại dầu này còn có tính cạnh tranh cao khi giá xăng dầu đang ngày càng tăng cao.

Trong khoảng một thập kỷ qua, lượng rác và các chất thải tại Dubai đã tăng gấp 10 lần, nhưng cùng lúc đó nền kinh tế tuần hoàn tại thành phố này ngày càng được thúc đẩy.

Dubai cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành mảnh đất không rác thải. Mọi rác thải từ chất thải rắn hay chất thải lỏng đều sẽ được tái chế, xử lý, qua đó mang đến cho rác thải vòng đời thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư.

Các giải pháp phát triển

Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng sẵn có, nghiên cứu của ThS. Bùi Quang Trung và ThS. Phạm Hữu Năm cũng chỉ ra rằng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Hiện tại, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện. 

Nhận thức về kinh tế tuần hoàn cũng như thói quen sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm có thể tái sử dụng thay cho sản phẩm sử dụng một lần của xã hội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước còn thiếu nguồn lực và năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng.

Nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đồng bộ sáu giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của các bên trong thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.

Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Do vậy, Việt Nam nên cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần.

Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ tài nguyên nước - Ảnh 3.

Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Thứ tư, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời, tạo cơ hội việc làm mới.

Thứ năm, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ ưu tiên hàng đầu. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế để dễ dàng tái chế.

Thứ sáu, xây dựng Chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Cần nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, giúp công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1