Hà Nội sẽ phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông

Hà Nội đang lên kế hoạch phục hồi chất lượng môi trường nước các sông nội đô và ngoại thành vốn đã bị ô nhiễm trầm trọng nhiều năm.
 

Hiện nay, dù có các dự án nạo vét, phục hồi hàng năm, nước tại các sông nội thành Hà Nội như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy vẫn bốc mùi, có màu đen, khẩu độ dòng chảy bị thu hẹp, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam ghi nhận.

Nguyên nhân chủ yếu do việc xả thải không được kiểm soát, hàng trăm cống xả thải trực tiếp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp, cụm công nghệ cùng với các cơ sở y tế xuống lòng sông. Bên cạnh đó, người dân xả rác trực tiếp bên bờ sông cũng gây ô nhiễm môi trường nước và cảnh quan đô thị.

Chất thải gây ô nhiễm tạo thành những mảng bọt trắng to nhỏ nổi trên mặt nước, tích tụ lâu tạo thành các bãi bồi ngăn cản dòng chảy thoát nước. Các con sông đã biến thành kênh thoát nước thải.
 

Hà Nội sẽ phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông - Ảnh 1.

Bước sang năm 2023, UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống bốn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét, báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin.

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm nay của ngành TN&MT, bài đăng báo Quân Đội Nhân Dân ngày 17/2 cho hay.

Xử lý rác thải rắn

Làm việc với Sở TN&MT ngày 9/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông giao Sở TN&MT phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra, đánh giá công tác vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã (từ đấu thầu các gói thầu vệ sinh môi trường tới thu gom vận chuyển; thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm…)

Tình trạng đổ trộm rác, tập kết rác, đốt rác thải bên các bờ sông cần khắc phục bằng việc đầu tư xe thu gom tay ngang và các thùng rác tiên tiến đảm bảo việc thu gom rác thuận tiện. 

Phân loại rác thải cần nghiên cứu xây dựng các quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Hà Nội sẽ phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông - Ảnh 2.
 

Ông Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án mới, trình thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy xử lý rác.

Đối với dự án Khu xử lý chất thải huyện Đông Anh và dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình của Công ty CP Đầu tư Thành Quang, Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát dựa theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phục hồi môi trường nước

Với sự phối hợp của Sở Xây dựng, Sở TN&MT sẽ tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống bốn sông trong nội đô; bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2021-2025; sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải và bảo vệ môi trường làng nghề. 

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, hoàn thiện Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) và Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, Ba Vì), vốn đang chậm tiến độ.

Đây là 2 trong nhiều dự án quan trọng được UBND TP. Hà Nội triển khai nhằm giảm lượng nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông, hồ.

Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia

Ngày 27/12/2022, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đây được xem là văn bản rất quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên có quy hoạch tài nguyên nước quốc gia”, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đánh giá.

Một nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch là cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn, VOV đưa tin.

Đến năm 2025 Việt Nam sẽ kiểm soát cơ bản 90% hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống công trình thủy lợi; sẽ lập quy hoạch tất cả lưu vực sông, bản Quy hoạch Tài nguyên nước nêu rõ.

Hà Nội sẽ phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông - Ảnh 3.
 

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh nói từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, Cục Quản lý tài nguyên nước đưa tin ngày 12/1/2023. 

Với các sông nội đô đang bị ô nhiễm, việc cải tạo là cấp bách. 

Tuy nhiên, việc hồi sinh các sông, hồ ở Hà Nội phải theo hướng toàn diện, theo phương châm tự nhiên hóa, hồi sinh hóa để phục hồi giá trị ban đầu chứ không thể cống hóa, hay lấp đi dòng sông, báo Lao Động dẫn lời các chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc khi góp ý về việc cải tạo sông Kim Ngưu năm 2018.

Tác giả: Nguyễn Tiến Thành

 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1