Tiến trình xây dựng Luật Cấp thoát nước tại Việt Nam

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp tới sức khỏe người dân. Lĩnh vực ngành Nước đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nhờ tỷ suất lợi nhuận khá cao, tiềm năng tăng trưởng tốt. Vì vậy, sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về Luật Cấp thoát nước là điều thực sự cần thiết.
 

Luật Cấp thoát nước dự kiến được thông qua năm 2025 sẽ giúp bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ cấp, thoát nước an toàn, bền vững cũng như thuận lợi cho các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý, giám sát hiệu quả quá trình thực hiện đầu tư.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) Nguyễn Ngọc Điệp nhận xét nhiều quốc gia, kể cả Lào và Campuchia cũng đã có luật về nước. Mới đây, Quốc hội Campuchia đã thông qua một bộ luật về quản lý nước sạch, Thời Báo Khmer đưa tin ngày 9/2.

Luật quản lý nước sạch của Campuchia sẽ nâng cao hiệu quả lĩnh vực cung cấp nước sạch để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà cung cấp và cộng đồng. Cung cấp nước sạch là một trong bốn ưu tiên gồm con người, đường xá, điện và nước trong Giai đoạn 4 của Chiến lược Hình chữ nhật của Campuchia.

Tiến trình xây dựng Luật Cấp thoát nước tại Việt Nam - Ảnh 1.

Luật quản lý nước sạch của Campuchia sẽ tăng niềm tin của các nhà đầu tư có ý định điều hành doanh nghiệp cung cấp nước sạch bán buôn bằng cách bảo vệ lợi ích của họ và ngăn ngừa rủi ro đầu tư cao, Cham Prasidh, Bộ trưởng cấp cao và là người đứng đầu Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo chia sẻ với Thời Báo Khmer.

Ông cho biết luật này cũng sẽ ngăn ngừa những rủi ro thất thoát trong quá trình xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước bằng cách quy trách nhiệm cho người nào làm hư hỏng, đứt, cắt đường ống, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn thành lập nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn hoặc bán sỉ để cung cấp cho người dân.

Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp nói dự thảo luật về nước của Campuchia đã được VWSA dịch sang tiếng Việt cùng các luật về nước của nhiều quốc gia khác để làm nguồn tham khảo cho việc xây dựng Luật Cấp, Thoát nước tại Việt Nam.

VWSA luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cùng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) để sớm hoàn thiện Luật cấp thoát nước, giúp các doanh nghiệp ngành nước phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế và cho người dân, Chủ tịch VWSA chia sẻ.

Các mốc thời gian 

Dự án Luật cấp, thoát nước dự kiến sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ thông qua Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật vào tháng 10/2023, trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo lần 1 vào tháng 10/2024, và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thông tin cho VWSA trong một cuộc gặp đầu tháng 2/2023.

Đề xuất xây dựng Dự án Luật điều chỉnh cấp, thoát nước theo hướng đầu tư phát triển cấp nước theo quy hoạch, định hướng, chương trình, quy hoạch lưu vực tổng thể hệ thống thoát nước một cách đồng bộ, Trưởng phòng Quản lý Thoát nước và Xử lý nước thải Lương Ngọc Khánh thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật nói tại một hội thảo tháng 11/2022.

Định hướng chính sách trong Dự thảo Luật Cấp, thoát nước nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, kiểm soát quá trình đầu tư phát triển cấp thoát nước theo quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Tiến trình xây dựng Luật Cấp thoát nước tại Việt Nam - Ảnh 2.

Các nội dung của luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật liên quan, thúc đẩy đầu tư, phát triển, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát của Nhà nước.

Luật sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; thu gom, xử lý nước thải theo lưu vực thoát nước, lưu vực sông; bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội. 

Luật cũng sẽ tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển công trình cấp thoát nước theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng Luật Cấp thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Đồng thời, bộ luật sẽ giúp tăng cường quản lý, đáp ứng khả năng tiếp cận hiệu quả quản lý nhà nước về cấp thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát.

Tác giả: Nam Phương

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1