Chiêu tài vượng bảo

Chúng ta hiểu rằng các dòng chảy không chỉ là dòng nước ở dạng vật chất mà còn là dòng chảy trường khí. Một con đường từ xa chảy về phía nhà mình hay dòng sông dòng suối đều được chú ý quan sát và giải quyết giống nhau.
 

Nếu dòng chảy thốc thẳng vào thì nhà đấy “chết đuối”. Sự mất cân bằng giữa nước và đất sẽ dẫn đến nhiều tổn hại và cái giá phải trả sẽ rất đắt. Do vậy, người ta đã phát hiện ra những quy tắc để xử lý và cân bằng nó.

Hồ bán nguyệt

Từ xa xưa, cũng giống như một số dân tộc trên thế giới, người Việt có những nguyên tắc dựa trên nền tảng, triết lý, văn hóa và văn minh của mình. Dù khởi điểm của các nền văn minh khác nhau nhưng các nguyên tắc ‘Sơn tĩnh, Thủy động&; đều là bất biến trong bất kỳ cách giải quyết nào, từ kiến trúc, canh tác nông nghiệp đến chế biến nông, lâm sản hay sản xuất sắt thép.

Khi có con đường chạy thẳng vào nhà một gia đình, họ sẽ đặt một bể non nước để chặn. Nước chảy vào buộc sẽ phải theo ra hai bên cánh cung. Một cách bảo vệ những nơi tâm linh như chùa chiền hay nhà thờ, chống các đường trường khí thúc thẳng gây nguy nan cho các công trình kiến trúc đó là thiết lập một nửa hình tròn, gọi là bán nguyệt. Đường cánh cung được phản cung hất ra phía ngoài, chống lại “dòng nước” của trường khí trong việc xộc thẳng vào cửa chính của đền, chùa, nhà thờ, tạo cân bằng giữa đất (Thổ) và nước (Thủy). 

Theo nguyên tắc Thổ quản Nhân, Thủy quản Tài, Nhân và Tài luôn phải cân bằng. Đấy là một trong những lý do những ngôi chùa, nhà thờ thường có hồ bán nguyệt, phía cánh cung hướng ra ngoài. Đây chính là một khái niệm trong phong thủy học, từ đó tạo nên những mô hình. 

Chiêu tài vượng bảo - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phương Đông Nguyễn Quang Minh

Cũng từ xa xưa, do điều kiện Động - Tĩnh, những vùng ít âm thanh, tiếng động, không có các lễ hội, không thể kéo nước lên được. Vì vậy, các vùng núi thường có những tập tục như hát, múa để gây động, tạo ra những yếu tố dẫn nước đến vô cùng quan trọng. 

Các cột nước do tính Động - Tĩnh thường được các nhà phong thủy học lưu tâm, như khi đặt quả cầu thông gió trên đỉnh mái nhà. Việc lắp đặt, bổ sung những yếu tố này cần phải theo những nguyên tắc riêng. Ngoài ra, việc đặt bể nước, bể bơi trên nóc nhà cũng phải đặc biệt lưu ý.

Hòn non bộ và đài phun nước

Đài phun nước cũng là một phương tiện Chiêu Tài Vượng Bảo. Đài phun nước thường là một công trình công cộng, các gia đình thường ít sử dụng do quá nhiều nước. Nếu dùng sẽ dẫn đến nhiều bất cập đối với từng cá nhân thành viên trong gia đình. 

Người xưa đúc kết rằng ở đâu có nước thì cũng cần có núi. Từ đó, hòn non bộ được sinh ra. Đối với các khu vực phát triển trù phú, hay nói rộng ra là một đất nước, muốn phát triển phải chiêu mộ người tài, tức là phải gọi nước đến cho từng vùng. Những nơi nào có nhiều nước, được bao bọc xung quanh là núi thì khu vực đó nhân tài sẽ phát triển. Điều này cũng được áp dụng vào việc xây dựng đài phun nước. 

Mỗi một dân tộc có một cách trang trí đài phun nước riêng. Thông thường, có nhiều vị trí như 4 ông cóc, 4 ông nghê hoặc 4 cậu bé cộng với nước ở giữa thành 5 yếu tố tạo nên nhân sự. Hiếm khi bốn góc vuông bố trí bốn đài phun nước, mà người ta thường làm một đài phun nước lớn tạo thành hình tròn, trong đấy tính nhân đinh đã có sẵn. 

Không chỉ mang tính thẩm mỹ thuần túy về kiến trúc, đài phun nước còn mang tính biểu trưng cho nhân tài nằm tại những vùng công cộng quan trọng. Đó chính là vẻ đẹp tri thức vĩ đại được đúc kết qua nhiều năm khi thưởng thức một công trình kiến trúc. 

Chiêu tài vượng bảo - Ảnh 3.

Tùy quan niệm và theo thói quen mà đặt đài phun nước hay các vòng xoay khác nhau, chiều chuyển động khác nhau. Nó giống như cách gọt hoa quả của người phương Tây, họ gọt vào trong, người phương Đông thì gọt từ trong ra. Điều này tương tự như ta xem xét tiếng chuông. Trong động tĩnh của tiếng chuông đã biểu thị tài khí khác nhau. Người phương Tây gõ chuông từ trong quả chuông để tạo âm thanh ra, đường phản cung sẽ được thu vào trong. Người Á Đông khi đánh chuông thường đánh từ ngoài vào, nghĩa là tất cả các cụm tài khí đi ngược chiều nhau. 

Hay như trong tiếng nói, có hiện tượng phát âm lẫn lộn N và L, chúng ta cần xem xét thấu đáo chứ không đổ lỗi cho văn hóa hay giáo dục. Tại sao suốt hàng nghìn năm nay, một bộ phận người dân vẫn ‘nói ngọng&;? 

Phải khẳng định rằng Đất và Nước có những tác động vô cùng lớn tới con người. Nếu muốn thay đổi cần phải rất nỗ lực mới có thể làm được. Điều này cũng tương tự như các đường nước, có những dòng bất biến mà nếu tích cực thì chúng ta có phúc, nếu không tích cực thì phải rất nỗ lực bằng văn hóa và vốn hiểu biết mới có thể cân bằng được nó. Đấy cũng là lý do mà chúng ta tạo nên sự phải, trái, chính từ thực tiễn cuộc sống. Một cái vùng cao, dòng chảy sẽ khác; vùng thấp sẽ có dòng chảy khác. Cái sự ngược xuôi có sự liên quan đến kinh độ, vĩ độ và các yếu tố thổ nhưỡng. Dựa trên đó ta có thể quan sát thấu đáo.

Chiêu tài vượng bảo - Ảnh 4.

Trở lại việc giải quyết vấn đề như việc đặt hòn non bộ hay các vòng xoay. Trong kiến trúc gia đình, người ta thường mong muốn mời Mẫu Mẹ về nhà. Ngoài sự tôn kính trước sau, còn thêm yếu tố mong chờ Phúc đến. Rất ít khi người ta mang những yếu tố này để trang trí ở đáy nhà mà thường đặt trước nhà. Điều này áp dụng theo nguyên tắc đáy nhà quản nhân sự, trước nhà quản tài khí. Do vậy, các công trình hiện đại thời nay vẫn áp dụng những nguyên tắc này. Một điều bất biến là nước hay hòn non bộ thường được đặt phía trước. Những hòn non bộ này thường gồm núi, có dòng chảy hay thả thêm cá để tạo sự động cho Thủy và tĩnh cho Sơn. Từ nguyên tắc bài trí như vậy, người ta cũng sử dụng quả cầu nước mưu cầu cho sự luân hồi tài khí để đặt phía trước phòng. Vị trí đặt những vật dụng này cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới tài khí của một gia đình nên không được tùy tiện.

Ông bình vôi và lọ muối

Bình vôi ngân khố quan trọng của từng gia đình. Đây là vật dụng trải qua nhiều thế hệ chứ không phải một giai đoạn nào. Khi xảy ra cháy nhà thì vật đầu tiên cần mang ra khỏi nhà là bình vôi. Vôi bản chất trong nhân sự là các cô gái nhỏ cung đoài, phải tinh khiết, đoan trang, thủy chung thì gia tộc đó mới phát triển nhiều đời. Gia tộc càng phát triển, càng lâu đời thì bình vôi càng phát huy tác dụng. Điều này được áp dụng chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Nhưng sau này, do nhiều nền văn hóa khác nhau du nhập nên điều này đã bị coi nhẹ nhiều phần. Bình vôi trong văn hóa của người Việt đã góp phần giữ gìn gia phong của các gia đình trong hàng nghìn năm nay. Vị trí đặt bình vôi còn phụ thuộc vào tiểu vận, niên vận của từng thời kỳ. Đây là đúc kết sâu sắc của người Việt qua rất nhiều năm. Ngay bản thân khi chúng ta mua bình vôi về, thời điểm và thời gian đặt cũng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của cả gia đình.

Chiêu tài vượng bảo - Ảnh 5.

Các cụ có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Dân gian hiểu nôm na, đầu năm có cái ăn, cuối năm tích cóp xây nhà. Mùa Xuân là mùa mở màn cho một năm mới. Ngũ hành thuộc Mộc, muối thuộc Thuỷ, Thuỷ dưỡng Mộc, để mong muốn những điều tốt đẹp đến từ năm mới. Đó là thủ pháp chiêu tài ngày từ những ngày đầu năm mới. Xét về tính Ngũ hành thì mùa Xuân thuộc Mộc (phương Đông), mùa Hạ thuộc Hoả (phương Nam), Thu thuộc Kim (phương Tây), mùa Đông thuộc Thuỷ (phương Bắc). Cuối năm mùa vôi mà vôi thuộc Kim, Kim sinh Thuỷ để tương sinh ngay trong mùa Đông mà Thuỷ quản Tài và con người mong muốn tài khí sẽ trở thành cội nguồn của năm mới, chuẩn bị cho một năm sau. 

Như vậy việc mua trên là thuận theo mùa. Việc thuận theo mùa được đúc kết ngàn đời nay, cũng như sự duy trì nề nếp gia phong, hay lớn hơn là phong tục tập quán, từ đó mới tạo nên sức mạnh ổn định cho cộng đồng hay dân tộc. 

Sự khác biệt và sức mạnh của một dân tộc còn ở chỗ, nền tảng văn hóa của dân tộc đó được duy trì và phát triển như thế nào, từ giữ ổn định gia phong, duy trì và phát triển từng gia đình, tới lớn hơn là cộng đồng.

Các cụ nói, kiếm tiền khó nhưng giữ tiền còn khó hơn. Việc thiết kế hòn non bộ trong gia đình hay các đài phun nước, các vòng xoay nơi công cộng là một thủ pháp của chiêu tài thì những vật như “ông bình vôi” là thủ pháp của giữ “tài khí” của gia đình, còn hồ bán nguyệt nhằm giữ ổn định cho một làng hay một cộng đồng.

Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Phương Đông Nguyễn Quang Minh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1