Đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong ngành Cấp nước

Hiện nay chỉ có khoảng 60% dân số Việt Nam được tiếp cận nguồn nước sạch, trong đó, tại khu vực đô thị con số này mới chỉ dừng lại ở mức 86%. Điều này tạo ra cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp cấp nước, Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định.
 

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Nhà nước đã tiến hành chủ trương xã hội hóa ngành Nước, cùng với việc giá nước có dư địa tăng do mức giá hiện nay còn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Những yếu tố này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến ngành Nước tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Là một nhà đầu tư tư nhân, AquaOne nhận định ngành cấp thoát nước là một trong những ngành mang tính kỹ thuật và công nghệ chuyên biệt, phải được đầu tư và có kế hoạch kinh doanh theo hướng dài hạn.

Bởi, đây là ngành ít bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ kinh tế; nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và công nghiệp ngày càng tăng; có cơ hội tăng trưởng doanh thu và dòng tiền tốt; giá nước hiện đang thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển nhà máy và hệ thống cấp thoát nước hiện cũng nhận được nhiều ưu đãi về thuế, hỗ trợ về chi phí bồi thường và lãi suất đầu tư.

Kết quả thực tế đã ghi nhận nhiều kết quả đáng mong đợi khi ngành Nước đã thu hút được vốn đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hệ thống cung cấp nước sạch ngày càng được đầu tư xây mới, mở rộng tới các khu vực chưa có nhà máy nước hoặc sử dụng nguồn nước thô bị ô nhiễm. 

Khoa học, công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi, giúp việc sản xuất và quản lý cấp nước trở nên dễ dàng, ít tốn kém hơn. Từ đó, ý thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe của người dân và công tác bảo vệ môi trường được nâng cao.

Những kết quả này đã phần nào thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật; đóng góp vào mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước và huy động vốn tư nhân đầu tư vào ngành nước; góp phần đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành cấp - thoát nước Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, chồng chéo trong chính sách triển khai đầu tư như: chưa có quy định cụ thể trong việc xác định giá bán và nghĩa vụ thuế đối với các đơn vị cấp nước liên vùng; một số nội dung quy định chưa đồng nhất gây khó khăn trong quá trình xây dựng, thẩm định giá nước; việc xác định giá bán nước cho các nhà máy mới đi vào hoạt động chưa được tính toán chính xác…

Một ví dụ điển hình, trong khoảng thời gian đầu hoạt động, khi chưa có giá nước chính thức, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do khách hàng chỉ thanh toán với mức giá thấp hơn giá thành. Tình trạng này đã đẩy doanh nghiệp sắp buộc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nếu như không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cổ đông.

Đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong ngành Cấp nước - Ảnh 1.

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong ngành Nước tại Việt Nam, AquaOne hiểu rõ được những khó khăn còn tồn tại của các đơn vị trong ngành. Từ đó, Aquaone đề xuất 8 kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy phát triển ngành Nước, đảm bảo an sinh xã hội của người dân.

Thứ nhất, nước sạch là sản phẩm hàng hóa đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do vậy quá trình lựa chọn nhà đầu tư cần đáp ứng các tiêu chí điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống vận hành quản lý an toàn; bền vững và hiệu quả.

Thứ hai, thống nhất; bổ sung và hoàn thiện các quy định về thu hút đầu tư theo hình thức PPP đảm bảo minh bạch rõ ràng đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút đầu tư.

Thứ ba, Nhà nước sớm ban hành Luật quản lý cấp nước để tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ cấp nước an toàn, bền vững cũng như thuận lợi cho các cơ quan thẩm quyền thực hiện quản lý, giám sát hiệu quả quá trình thực hiện đầu tư.

Thứ tư, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 117/2007/ NĐ-CP về sản xuất và cung cấp nước sạch để đồng bộ với chính sách hiện hành và phù hợp với tình hình phát triển cấp nước hiện nay và chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước.

Thứ năm, cập nhật sửa đổi một số nội dung định mức kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 30/5/2014 chưa quy định cụ thể để đảm bảo tính đúng tình đủ và phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch hiện nay.

Thứ sáu, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế đặt hàng và bao tiêu sản phẩm nước sạch đầu ra cho các nhà đầu tư cấp nước trong trường hợp thu hút đầu tư.

Thứ bảy, UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư cấp nước để đảm bảo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định của Nhà nước. 

Thứ tám, UBND các tỉnh, thành phố cần đầu tư đồng bộ hệ thống mạng lưới đấu nối cấp nước tới hộ gia đình, tạo sự đồng bộ và khớp với tiến trình đầu tư cấp nước từ các Nhà Máy nước tập trung và bán nước qua đồng hồ tổng.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1