Họp trực tuyến mạng lưới đào tạo ngành Nước Việt Nam

Sáng ngày 16/10/2021, Mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực ngành Nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm chia sẻ kết quả quá trình tuyển sinh, đào tạo thời gian qua và thảo luận những khó khăn, vướng mắc cũng như những giải pháp và kế hoạch phát triển công tác đào tạo nói riêng cũng như ngành Nước Việt Nam nói chung trong tương lai.

Được thành lập từ ngày 5/7/2021, Mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực ngành Nước Việt Nam gồm các đại diện đến từ các khoa, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo ngành Nước như trường Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa , Đại học Kiến trúc, Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng Miền Trung, Đại học Tài nguyên Môi trường, Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị,… đã trở thành một nền tảng kết nối các thầy cô giáo, các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp vào công tác đào tạo để qua đó cùng thúc đẩy sự phát triển của ngành Nước Việt Nam.

Sau quãng thời gian bị gián đoạn do tác động của đại dịch COVID-19, các thành viên mạng lưới đã góp mặt đông đủ để thảo luận nhiều vấn đề như thông tin, nhận xét, đánh giá sơ bộ về kết quả tuyển sinh đại học ngành Nước năm 2021; các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyển sinh trong những năm tiếp theo; tình hình cải tiến, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo ngành Nước tại các đơn vị;… cùng nhiều vấn đề khác xoay quanh ngành Nước năm qua.


Buổi họp diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều đại diện tới từ các trường Đại học, các cơ sở đào tạo cả nước

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới, GS. TS. Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước Đại học Xây dựng Hà Nội thừa nhận dù các đơn vị đã có nhiều cố gắng đổi mới cũng như thúc đẩy công tác truyền thông, quảng bá, việc tuyển sinh cho các chuyên ngành Nước vẫn gặp nhiều khó khăn và không đem lại kết quả như kỳ vọng. Về vấn đề này, nhiều thầy cô trong Mạng lưới như PGS. TS. Trần Thanh Sơn và TS. Nguyễn Văn Nam, lãnh đạo Khoa Kỹ thuật Đô thị Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng nêu một vài nguyên nhân như điểm chuẩn cao cũng như thiếu sự phối hợp của các doanh nghiệp ngành Nước.

Về phần mình, TS. Võ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hạ tầng Đô thị Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và PGS. TS. Nguyễn Thị Vân Hà, Trưởng Khoa Môi trường Đại học Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh cùng chia sẻ ý kiến rằng xã hội hiện nay đang có cách nhìn nhận, quan điểm chưa đúng về ngành Cấp thoát nước, dẫn tới số lượng học sinh sinh viên đăng ký học ngành này chưa đạt đúng tiềm năng dù thị trường việc làm vẫn hết sức sôi động. Các thầy cô trong Mạng lưới cũng nhất trí một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này là do cái tên “Cấp thoát nước” chưa thật sự hấp dẫn cũng như do khối lượng công việc còn nặng nề, vất vả.


Sinh viên ngành Kỹ thuật Nước - Môi trường Nước trong một chuyến thăm quan thực tế (Ảnh: Đại học Xây dựng)

Sau khi đã xác định những vấn đề, các đại biểu tham dự buổi họp đã thảo luận sôi nổi về các giải pháp, kế hoạch trong tương lai cho ngành Nước. Một vài phương án được đề xuất bao gồm việc đổi tên bộ môn, chuyên ngành để tạo sự hấp dẫn; sửa đổi, cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với xu thế; mở rộng các phương án tuyển sinh ngoài hình thức đào tạo chính quy như đào tạo liên thông, tại chức,…; phối hợp với mạng lưới các doanh nghiệp mà Hội Cấp thoát nước Việt Nam đóng vai trò nòng cốt để tạo điều kiện cho lực lượng nhân lực trẻ ngành Nước trong việc thực tập, tìm kiếm việc làm cũng như đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để nâng tầm, vị thế ngành Nước trong góc nhìn của xã hội; tăng cường phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo, diễn đàn khoa học chuyên môn để góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành…

Kết thúc buổi họp, các thành viên Mạng lưới cùng thống nhất phối hợp chặt chẽ với nhau và với Hội Cấp thoát nước trong việc tăng cường quảng bá, thúc đấy công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sự phát triển của ngành Nước Việt Nam theo hướng bền vững.

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1