Cây khô, người khát

Ruộng đồng khô khốc, hàng ngàn diện tích trồng lúa bỏ hoang, người dân khốn khổ tìm nguồn nước sinh hoạt là những gì đang diễn ra tại một huyện phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

Những cánh đồng hàng trăm ha ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: L.K.
Những cánh đồng hàng trăm ha ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: L.K.

Những cánh đồng khô cháy

Đã nhiều tháng qua, cuộc sống của người dân TX. Đức Phổ (Quảng Ngãi) vô cùng khó khăn khi nguồn nước trên địa bàn đang ngày càng cạn kiệt. Nước tưới cho sản xuất nông nghiệp không đủ nên họ đành phải chấp nhận bỏ hoang hàng nghìn ha diện tích.

Đi dọc các cánh đồng lúa ở các xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh… của huyện Đức Phổ bây giờ chỉ còn thấy một màu xám xịt của đất khi cây cỏ trên đồng đã khô cháy hết. Các ao hồ, kênh, rạch trên địa bàn giờ đây cũng cạn trơ đáy vì đã lâu rồi vùng này chưa có một giọt mưa nào.

Cách đây 2 tháng, gia đình bà Bùi Thị Xuân (trú xã Phổ Cường, Đức Phổ) làm đất và gieo sạ trên 3 sào lúa của gia đình mình. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay không có mưa, các nguồn cung cấp nước tưới cho ruộng lúa cũng cạn kiệt nên đồng ruộng lúc nào cũng trong tình trạng khô khốc.

Người dân gieo sạ vào đầu vụ nhưng không đủ nước nên ruộng lúa đã chết hết. Ảnh: L.K.
Người dân gieo sạ vào đầu vụ nhưng không đủ nước nên ruộng lúa đã chết hết. Ảnh: L.K.

Không đành lòng nhìn công sức của mình bỏ ra mà chẳng được gì, gia đình bà Xuân đã quyết định đóng 2 giếng khoan để cứu lúa. “Giếng đóng xong mà cũng không đủ nước tưới nên toàn bộ diện tích lúa của tôi cứ chết dần. Đám ruộng khô hạn, chậm phát triển nên cũng không thể cắt cho bò ăn, đành bỏ đi”, bà Xuân thở dài.

Cũng như gia đình bà Xuân, nhiều hộ dân khác ở Phổ Cường cũng bỏ hàng triệu đồng để đóng giếng mong tìm được nước tưới cho đồng ruộng nhưng đều không hiệu quả. Từng ruộng lúa cứ chết dần chết mòn vì nắng hạn. Người dân vừa mất công sức, tiền đầu tư sản xuất, tiền khoan giếng nhưng tất cả đều công cốc.

Theo thống kê của TX. Đức Phổ, trên địa bàn có khoảng 4.800 ha đất nông nghiệp thì vụ hè thu năm nay có đến 1.800 ha bị khô hạn, 1.300 ha đất lúa không thể gieo sạ. Trong đó 1.000 ha đã phải bỏ vụ, 300ha chuyển đổi cây trồng nhưng vẫn thiếu nước.

Qua kiểm tra, địa bàn xã Phổ Khánh, Phổ Cường và phường Phổ Thạnh là những địa phương đang phải đối mặt với tình trạng nắng hạn nặng nhất, hàng nghìn ha đất lúa phải bỏ hoang, hàng trăm ha cây trồng chuyển đổi có nguy cơ mất trắng.

Trong khi đó, nguồn nước tại các hồ chứa ở Đức Phổ đã xuống quá thấp trong vòng nhiều năm nay. Thị xã này có đến 11 hồ chứa thì nhiều hồ đã gần như không còn nước, hồ chứa cung cấp nước cho nhiều diện tích nhất thị xã là hồ Liệt Sơn đã xuống dưới mực nước chết 1m. Chỉ còn 2 hồ vẫn còn nước là hồ Diên Trường và hồ Lồ Lá nhưng không đáng kể.

Canh cánh nỗi lo nước sinh hoạt

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp mà TX. Đức Phổ còn đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Đại diện UBND TX. Đức Phổ cho biết, hiện nay, địa phương có hơn 2.600 hộ dân ở 9 xã, phường lâm vào cảnh khát nước sinh hoạt trầm trọng.

Giếng nước sinh hoạt của người dân cũng cạn trơ đáy, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Ảnh: L.K.
Giếng nước sinh hoạt của người dân cũng cạn trơ đáy, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Ảnh: L.K.

Tại xã Phổ Khánh (TX. Đức Phổ), thời gian qua, ngày nào người dân cũng quay quắt với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Các giếng nước của người dân trong xã bây giờ hầu như đã trơ đáy. Một số hộ gia đình bỏ tiền ra khoan giếng tìm mạch nước ngầm nhưng có khi giếng khoan cả tuần vẫn chưa tìm thấy được nước.

Để có nước, hàng ngày, mỗi thành viên trong gia đình nơi đây phải thay phiên nhau, dùng xe máy chạy 5 - 6km xin nước về sử dụng, còn nhà nào có điều kiện hơn thì mua nước từ nơi khác chở về với giá 150.000 đồng/m3, cái giá này cao hơn gấp 30 lần so với giá nước sinh hoạt đang được người dân chi trả ở TP. Quảng Ngãi.

Người dân phải chắt chiu sử dụng từng giọt nước. Ảnh: L.K.
Người dân phải chắt chiu sử dụng từng giọt nước. Ảnh: L.K.

Bà Lê Thị Dưỡng (trú xóm 1, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh) cho biết, những năm trước phải đến tháng 4, tháng 5 mới bắt đầu mùa hạn. Thế nhưng năm nay, hạn đến sớm từ cuối tháng 2, nên qua tháng 6, tháng 7 thì các giếng nước đã cạn khô đáy.

“Bây giờ, cứ khoảng 3 ngày gia đình tôi lại phải bỏ ra 150 nghìn đồng để mua lấy 1m3 nước về sử dụng. Không phải người bán lợi dụng để chặt chém thu lợi, mà vì đường từ chỗ chở nước về quá xa, đồng thời thùng chứa nhỏ nên lượng nước vận chuyển chỉ khoảng 1m3/lần, thành ra giá mới đắt như vậy”, Bà Dưỡng nói.

Cũng theo bà Dưỡng, mỗi m3 thì cả gia đình phải tiết kiệm lắm mới đủ dùng trong 3 ngày. Nước mua về chỉ để nấu ăn, uống, còn tắm giặt thì lấy nước ở hồ Diên Trường. Trước đây, hồ nước này chủ yếu phục vụ cho gia súc, gia cầm, ruộng đồng thì nay cũng phải dùng cho sinh hoạt.

Dù nỗ lực khoan giếng tìm nước nhưng tình hình nguồn nước sinh hoạt ở huyện Đức Phổ vẫn đang rất khan hiếm. Ảnh: L.K.
Dù nỗ lực khoan giếng tìm nước nhưng tình hình nguồn nước sinh hoạt ở huyện Đức Phổ vẫn đang rất khan hiếm. Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, trên địa bàn xã hiện nay có gần 300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, vùng bị hạn nặng nhất là xóm 1, thôn Diên Trương, với 60 hộ dân thiếu nước, hầu hết người dân địa phương ở xóm này đều phải đi mua nước để sinh hoạt, và sử dụng.

“Những ngày qua, từ nguồn kinh phí mà chính quyền TX.  Đức Phổ vừa cấp, địa phương đang tổ chức triển khai khoan 5 giếng, mỗi giếng khoảng 50 triệu đồng để lấy nước sinh hoạt cho người dân xóm này. Hi vọng việc khoan giếng được thuận lợi, để có nước cho người dân sử dụng”, ông Hoàng cho biết.

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết, trong số các xã, phường của TX. Đức Phổ thì phường Phổ Thạnh, xã Phổ Cường, Phổ Khánh là những địa phương thiếu nước trầm trọng nhất.

Trước tình hình này UBND TX. Đức Phổ cũng đã kiến nghị lên các cấp thẩm quyền tỉnh nguồn kinh phí để khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho người dân. Sau khi được cấp thẩm quyền tỉnh phê duyệt với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, UBND TX. Đức Phổ đã khẩn cấp chỉ đạo và các xã, phường đang tiến hành khoan giếng tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

“Tại nhiều vị trí phải khoan sâu 50-80m mới có nước nhưng cũng có vị trí, chỉ cần khoan 20m là đã gặp được mạch nước ngầm. UBND thị xã dự kiến sẽ đóng 45 giếng cho 9 xã, phường chi phí bình quân cho một giếng khoan nằm ở mức trên dưới 50 triệu đồng/giếng”, ông Vương nói.
 
Theo Lê Khánh/Báo Nông nghiệp

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1