Chi hội đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hội Cấp thoát nước Việt Nam

CHI HỘI CẤP NƯỚC MIỀN BẮC
 

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT
Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh
Chủ tịch Chi hội Cấp nước miền Bắc

Đồng hành cùng 30 năm phát triển của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Chi hội cấp nước Miền Bắc là một trong những lòng cốt trong các hoạt động.

Vào đầu thập niên 90, kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường đa thành phần với tốc độ phát triển và tăng trưởng khá cao. Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất  không ngừng tăng lên. Tuy ở mỗi địa phương khác nhau, các đơn vị cấp nước có đặc điểm, cơ chế chính sách, điều kiện sản xuất kinh doanh khác nhau, song trên lĩnh vực hoạt động của ngành nước có nhiều điểm tương đồng; nhằm tập hợp các đơn vị trong ngành nước khu vực để có thể giúp đỡ nhau trong sản xuất, cùng nhau phát triển; và để góp tiếng nói chung nhằm đưa việc sản xuất và cung cấp nước sạch phục vụ các nhu cầu đời sống nhân dân ở từng địa phương đi vào ổn định và phát triển.

Cuối tháng 7/1991, tại thành phố Cảng Hải Phòng đã diễn ra hội nghị gồm 15 Công ty cấp nước khu vực phía Bắc, tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo đại diện 15 đơn vị cùng đi đến thống nhất thành lập Câu lạc bộ Giám đốc Công ty, Nhà máy nước các tỉnh phía Bắc, sau đó đối tên thành Câu lạc bộ doanh nghiệp cấp thoát nước các tỉnh Miền Bắc. Ngày 02/7/2006 Câu lạc bộ họp tại Hạ Long - Quảng Ninh và chính thức đổi tên thành Chi hội cấp nước Miền Bắc theo định hướng và chỉ đạo chung của Trung ương Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Ngày đầu thành lập, Chi hội chỉ có 15 hội viên, đến nay tổng số hội viên tham gia sinh hoạt tại Chi hội là 94 hội viên, hoạt động đa lĩnh vực ngành nghề (cấp nước, dịch vụ hàng hóa chuyên ngành cấp nước, tư vấn thiết kế) trên 29 tỉnh thành phía Bắc và một số đơn vị có trụ sở tại Tp Hồ Chí Minh.

Trong hoạt động, Chi hội cấp nước Miền Bắc đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành cấp nước tại Việt Nam. Vận động các đơn vị Hội viên thực hiện tốt chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp của nhà nước (đến nay 41/44 hội viên chi hôi là doanh nghiệp cấp nước đã chuyển sang công ty cổ phần và hoạt động có hiệu quả). Với chức năng của mình, Chi hội đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức mới, chuyển tải tới các đơn vị hội viên những tài liệu chuyên ngành, trong nước và quốc tế về các chủ đề về khoa học kỹ thuật, ứng dụng KHKT, trong SXKD quản lý, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh ngành nước; Tham gia tư vấn phản biện và đề xuất về chế độ chính sách với các cấp bộ ngành Trung ương... góp phần nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành nước, nâng cao độ phủ cấp nước. Hiện tại tổng công suất cấp nước của các hội viên đạt trên 3,5 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước đạt 85,5%, tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình của các Công ty cấp đã giảm xuống còn khoảng 17%, nhiều đơn vị tỷ lệ thất thoát đã giảm xuống dưới 15%.

Từ việc tham gia sinh hoạt trong Chi hội, các đơn vị hội viên đã có nhiều bước phát triển nổi bật:

Trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhiều đơn vị hội viên đã quan tâm đầu tư thêm các hệ thống cấp nước mới để đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của các đô thị. Một số đơn vị hội viên đã quan tâm đầu tư chiều sâu để nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống cấp nước của mình với trọng tâm là: Phát huy công suất thiết kế, giảm tỷ lệ thất thoát và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Phương thức “Tự ghép đôi” để học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác quản lý chuyên môn, kỹ thuật công nghệ mới đã và đang được nhiều đơn vị áp dụng một cách hiệu quả. 

Các hội viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng vật tư chuyên ngành cũng có nhiều bước tiến nổi bật, các loại sản phẩm đa dạng, với chất lượng ngày càng cao đáp ứng tốt nhu cầu trong ngành nước. Một số đơn vị đã đưa sản phẩm trở thành những thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế.

Các hội viên trong lĩnh vực tư vấn thiết kế đã tạo ra những công trình trong đó có hàm lượng chất sám cao, đưa những ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn mới vào để thay thế những bản thiết kế có công nghệ cũ. 

Các buổi sinh hoạt chuyên đề phục vụ sản xuất kinh doanh cũng luôn được thường trực chi hội quan tâm, chủ động chuẩn bị nội dung và tìm nguồn kinh phí để tổ chức, qua những buổi hội thảo chuyên để các hội viên đã được chia sẻ nhiều biện pháp hay nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải tiến tổ chức tác nghiệp tạo năng suất lao động. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới chi hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ; hướng các đơn vị hội viên tiếp tục đổi mới quản lý sản xuất, tiết kiệm chi phí, chủ động thích ứng với cơ chế thị trường,… tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động. Đảm bảo mục tiêu hoàn thành các Chương trình quốc gia về chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025 và Chương trình Quốc gia về đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 -2025 và những năm tiếp theo.

CHI HỘI THOÁT NƯỚC MIỀN BẮC
 

Ông Nguyễn Minh Tuấn
Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng
Chủ tịch Chi hội Thoát nước miền Bắc

Chi hội Thoát nước Miền Bắc hiện gồm 39 đơn vị hội viên là các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực thoát nước khu vực phía Bắc. Mục đích của Chi hội là để động viên khuyến khích các hội viên nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ; trao đổi thông tin chế độ chính sách trong ngành và các thành tựu khoa học kỹ thuật, kinh tế; hợp tác kinh doanh… đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh theo phương thức mới đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Trong nhưng năm qua, kết quả hoạt động của Chi hội có nhiều đổi mới và thành công, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách mới, các chính sách liên quan đến cổ phần hóa và việc kí kết hợp đồng giữa Nhà nước với các đơn vị công ích, các chính sách liên quan đến người lao động. 

Các doanh nghiệp đơn vị hội viên trong Chi hội đã cùng giúp đỡ lẫn nhau trong hợp tác, đã có những liên doanh giữa các doanh nghiệp của Chi hội để tham gia đấu thầu vào các công việc đòi hỏi năng lực cao.

Thông qua hoạt động của Chi hội các doanh nghiệp đã trú trọng hơn công tác đào tạo, thường xuyên tổ chức thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tập huấn về kỹ thuật chuyên ngành, về sản xuất kinh doanh. 

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Hội là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Hội đã kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nguyện vọng chính đáng của hội viên, về cơ chế chính sách để tổ chức và quản lý ngành cấp thoát nước. Hội đại diện tiếng nói cho hội viên tham gia đóng góp ý kiến rong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường.

Đặc biệt là vấn đề đào tạo, Hội đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thoát nước và vệ sinh môi trường. Hội trú trọng việc giao lưu và học hỏi giữa các doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp cũng đã được tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế thông qua các chương trình dự án, từ đó nâng cao năng lực chuyên ngành cho các hội viên. Nhất là công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng trong lĩnh vực cấp thoát nước được Hội triển khai gần đây thực sự phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh.

Trong suốt quá trình công tác tới nay, đã tham gia nhiều tổ chức hội, nhưng tôi nhận thấy: Hội Cấp thoát nước Việt Nam là tổ chức hoạt động có tính xã hội cao, thiết thực, mang nhiều lợi ích cho cho các hội viên, doaonh nghiệp chuyên ngành. Các thành viên trong Chi hội chí tình, chân thành, đoàn kết, tâm huyết với nghề. Tôi tin tưởng với đà phát triển của Hội cùng với năng lực, nhiệt tình của các hội viên Chi hội, chắc chắn Hội CTNVN sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, mang nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, hội viên. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Cấp thoát nước Việt Nam, thay mặt các hội viên Chi hội Thoát nước miền Bắc, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới Hội CTN VN và chúc các đồng chí lãnh đạo sức khỏe, chúc Hội TN VN ngày càng phát triển.

CHI HỘI CẤP NƯỚC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN


Ông Trương Công Nam
Chủ tịch Chi hội Cấp nước miền Trung - Tây Nguyên
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế

 
Cùng với tiến trình đổi mới - hội nhập và phát triển của đất nước, trong 30 năm qua, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (CTN VN) nói chung và Chi hội Cấp nước Miền Trung - Tây Nguyên (Chi hội) nói riêng đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng; hoạt động của Hội, Chi hội và các hội viên đều hướng đến mục tiêu cấp nước an toàn và an ninh nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương.

Hiện tại Chi hội có 72 hội viên (22 đơn vị cấp nước và 50 đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị và dịch vụ ngành nước); trong những năm qua, Chi hội luôn không ngừng nỗ lực, bám sát nhu cầu hội viên, định hướng hoạt động của Hội CTN VN, xu hướng phát triển của ngành nước Việt Nam và thế giới để xây dựng chương trình hoạt động mang tính thiết thực, hiệu quả, tạo sự gắn kết, giúp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hội viên, trong đó nổi bật là các hoạt động:

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Xác định “Nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công”, Chi hội đã thường xuyên quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo. Từ năm 2014 đến nay, Chi hội đã tổ chức 16 lớp, nội dung các khóa học đều mang tính thực tiễn cao, phương pháp đào tạo hiệu quả như: Quản lý nước không doanh thu, Cấp nước an toàn, Quản lý tài chính - chi phí, Kế toán quản trị, Quản trị chiến lược, Quản lý tài sản, Dịch vụ khách hàng, Văn hóa doanh nghiệp, … đã thu hút hơn 800 học viên của các đơn vị trong và ngoài Chi hội tham dự, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng KHCN, CNTT: KHCN được xác định là giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, cùng với xu thế của Cách mạng công nghệ 4.0, nhiều thành viên của Chi hội đã thực hiện hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN, CNTT và thu được nhiều kết quả quan trọng; nhiều đề tài mới, sáng kiến hay, giải pháp tốt ra đời và được ứng dụng, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng, giúp giải quyết những bài toán khó, đảm bảo an toàn - an ninh cho ngành nước Việt Nam và khu vực; Nhiều đề tài, sáng kiến của các đơn vị đạt giải thưởng cao của địa phương và Quốc gia, điển hình là: Cấp nước Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Các sáng kiến, giải pháp không chỉ được áp dụng và phát huy hiệu quả tại mỗi công ty mà còn được chia sẻ, chuyển giao giữa các thành viên trong và ngoài Chi hội như: Công nghệ lắng - lọc thông minh chất lượng cao, thân thiện môi trường; Khoan kích ống ngầm qua đường sắt, đường bộ; Ứng dụng năng lượng xanh, hệ thống trung hòa Clo cho nhà máy xử lý nước; Phần mềm quản lý khách hàng E-Billing, Hóa đơn điện tử, Call-Center; Sổ tay CNAT; Sổ tay Vận hành xử lý nước… 

Giao lưu và hợp tác quốc tế: Các hội viên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; qua đó tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong và ngoài Chi hội.

Một số hội viên thực hiện hiệu quả công tác hợp tác quốc tế như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng,… Thông qua quan hệ đối tác của mình đã giúp Chi hội phối hợp, thực hiện thành công “Dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực Miền Trung và Tây Nguyên do JICA - Nhật Bản tài trợ”, “Dự án hợp tác ngành nước Đức - Việt - DEVIWAS”, “Dự án Cấp nước An toàn Việt Nam - Nhật Bản”; Tổ chức thành công nhiều hội thảo chuyên đề, triển lãm với các tổ chức quốc tế như: Hội thảo Cấp nước an toàn của WHO, CNAT khu vực Đông Nam Á - SWAC 2016, Hội thảo - Triển lãm ngành nước Việt Nam - Nhật Bản 2017; Duy trì hiệu quả quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài: Cục nước Yokohama - Nhật Bản (YWWB), Cục nước Seoul - Hàn Quốc (SWA), Hội nước và Tập đoàn WILO - Đức, Viten Evides - Hà Lan, Cấp nước Tây Úc, Singapore, Malaysia, Cục nước Bangkok - Thái Lan (MWA), Cục nước Phnompenh - Cambodia, Đài Bắc - Đài Loan, Tập đòan Azbil, Công ty Suido - STS Nhật Bản, giúp đỡ Cục nước Viêng Chăn của nước bạn Lào.

Bên cạnh đó, Chi hội luôn duy trì thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng như: khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quỹ tấm lòng vàng, quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam các địa phương,… kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hội viên và CBCNV trong Chi hội gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt…

Những định hướng lớn của Chi hội trong thời gian tới

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, trong thời gian tới, BCH Chi hội sẽ chú trọng và triển khai tốt các nội dung, định hướng lớn sau:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu ban: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Khoa học công nghệ, Quản lý tài chính, Công nghệ thông tin và thành lập thêm các tiểu ban mới: Cấp nước an toàn, Quản lý tài sản, Dịch vụ khách hàng, … Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, CNTT giữa các thành viên trong và ngoài Chi hội theo định hướng CMCN 4.0.

Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ cho các Dự án phát triển, nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên nhất là các lĩnh vực: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Quản lý NRW, Quản lý thông minh HTCN, ứng dụng CNTT định hướng 4.0, DVKH, xây dựng chiến lược nhân sự, Quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế, …

Lựa chọn nhân sự giỏi của Chi hội để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những giảng viên chuyên nghiệp, kết hợp mời các giảng viên, chuyên gia hàng đầu của Nhật, Đức, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… để tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo cho Chi hội. Triển khai các hội thảo, đào tạo chuyên sâu kết hợp tư vấn ứng dụng KHCN, khoa học quản lý, giúp các hội viên nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người lao động - cổ đông và khách hàng; định hướng xây dựng mỗi hội viên là một doanh nghiệp “Đổi mới - Sáng tạo và Phát triển bền vững”.

Xây dựng các phần mềm dùng chung cho các hội viên như: Gis, WebGis, Quản lý tài sản, Quản lý thông minh HTCN, Nhân sự - Tiền lương, Kế toán, …; xây dựng Hệ thống bản mô tả công việc, tiêu chuẩn bậc thợ và chức danh công việc, hệ thống đánh giá nhân sự và Bộ chỉ số đánh giá năng lực (KPI) ngành nước, sổ tay mẫu để các hội viên tham khảo, áp dụng tại mỗi đơn vị.
Kết nạp, phát triển hội viên mới.

CHI HỘI THOÁT NƯỚC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN


Ông Nguyễn Hồng Sơn
Chủ tịch Chi hội Thoát nước miền Trung - Tây nguyên
Chủ tịch Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế
Là một thành viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam (CTN VN), , từ khi thành lập cho đến nay đồng hành với các đơn vị thoát nước trên toàn quốc, Chi hội Thoát nước miền Trung - Tây Nguyên (Chi hội) đã đã có những bước trưởng thành và phát triển vượt bậc. Cách đây 30 năm, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là những Tỉnh thành nghèo và khó khăn của cả nước. Hệ thống thoát nước chỉ tập trung tại các đô thị với quy mô nhỏ, manh mún, đáp ứng nhu cầu cho 1 cụm dân cư; công tác quy hoạch hệ thống thoát nước không có; Công tác quản lý do các đơn vị công ích như: Quản lý đô thị, Công trình công cộng, Công ty môi trường... mà không có đơn vị quản lý hệ thống thoát nước riêng; trình độ quản lý còn thiếu và yếu, phương tiện thiết bị và lực lượng lao động còn thô sơ (chủ yếu sử dụng lao động thủ công).

Sau 30 năm, cùng với sự phát triển chung của đất nước và  Hội CTN VN, Chi hội đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Được sự quan tâm của Trung ương Hội, đến nay Chi hội đã phát triển về lượng và chất với 9 hội viên, tổng số cán bộ công nhân viên lao động gần 3.500 người. Ngoài Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng là Công ty chuyên về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; các đơn vị còn lại là các Công ty Môi trường Đô thị quản lý trên nhiều lĩnh vực như: vệ sinh môi trường, thoát nước, xử lý nước thải, điện chiếu sáng, giao thông, xây dựng, quản lý nghĩa trang và mai táng, xử lý chất thải rắn… 

Các đơn vị hội viên của Chi hội hiện đang quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với tổng chiều dài hơn 1.000km mương cống các loại và gần 100.000 hố ga, hố thăm; 14 nhà máy, trạm xử lý nước thải với tổng công suất gần 230.000 m3/ngày đêm… Nhiều dự án trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị của Khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được chính quyền ưu tiên đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Nhiều đô thị đã xây dựng được hệ thống thoát nước riêng như: Thành phố Buôn Mê Thuột; Thị trấn Lăng Cô - tỉnh Thừa Thiên Huế…, còn lại chủ yếu là hệ thống thoát nước hỗn hợp như: Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Huế, Thành phố Đồng Hới... Nhiều nhà máy, trạm xử lý nước thải đã và đang chuẩn bị đưa vào vận hành trong thời gian tới: Thành phố Quy Nhơn, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Huế... Nhờ vậy tình hình chống ngập úng trong các đô thị của Khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có hiệu quả hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được xử lý đã được cải thiện. 

 Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ một cách toàn diện và có chiều sâu của Trung ương Hội CTNVN, hoạt động của Chi hội đã có nhiều khởi sắc như: tham gia xây dựng cơ chế chính sách cùng với Hội CTN VN; tham gia các hội nghị, hội thảo, triễn lãm chuyên đề; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ các kinh nghiệm, sáng kiến trong quản lý vận hành, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp; xây dựng giá dịch vụ thoát nước; tập trung công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hoạt động giao lưu, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước Đức, Pháp, Nhật, các tổ chức quốc tế JICA, WB, ADB, AFD, GIZ, AIMF, SIAAP...... qua đó đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho các hội viên, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương. 

Chi hội mong muốn trong thời gian tới, Trung ương Hội CTN VN sẽ tiếp tục tăng cường gắn kết giữa các hội viên trong Hội, giữa các Chi hội với nhau; Có nhiều hoạt động thiết thực, có chiều sâu hơn nữa trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến các vấn đề như: 

- Nghiên cứu, đánh giá tình hình áp dụng công nghệ xử lý nước thải ở các đô thị Việt Nam, định hướng áp dụng các công nghệ xử lý phù hợp cho các đô thị trong tương lai; 
- Định hướng, lựa chọn phương án, tổ chức thoát nước và xử lý nước thải, mô hình quản lý dịch vụ thoát nước phù hợp với điều kiện của địa phương. Giải pháp tái sử dụng nước thải, xử lý và tái sử dụng bùn cặn; 
- Tối ưu hóa vận hành bảo dưỡng các công trình thoát nước. Ứng dụng giải pháp công nghệ, thiết bị mới áp dụng trong vận hành và bảo dưỡng mạng lưới, quản lý tài sản, quản lý khách hàng;
- Xây dựng và tham mưu cho các bộ nghành trung ương ban hành giá dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước; 
  - Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, công nhân trong công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước phù hợp với thực tế…

Trải qua 30 năm hoạt động, Hội CTN VN, trong đó có Chi hội Thoát nước miền Trung - Tây Nguyên và các hội viên đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, góp phần cho sự phát triển của ngành Cấp thoát nước Việt Nam nói chung và lĩnh vực Thoát nước của Khu vực Miền trung - Tây Nguyên nói riêng, từng bước đáp ứng yêu cầu của chính quyền địa phương, nhu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội CTN VN, thay mặt cho Chi hội Thoát nước miền Trung - Tây Nguyên xin gửi đến các đồng chí lão thành, các đồng chí Lãnh đạo Hội và tất cả đơn vị thành viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

CHI HỘI CẤP NƯỚC MIỀN NAM
 

Ông Đặng Văn Ngọ
Chủ tịch Chi hội Cấp nước miền Nam
Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng
 
Chi hội Cấp nước miền Nam được thành lập ngày 30 tháng 12 năm 1997, là thành viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đến nay Chi hội đã kết nạp được 126 đơn vị hội viên gồm: 33 Công ty Cấp thoát nước; 88 thành viên là các Công ty Tư vấn, thi công, cung ứng vật tư, thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước và 05 hội viên cá nhân. 

Trọng tâm hoạt động của Chi hội dựa vào tôn chỉ, mục đích chính của Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Chi hội là nơi tập hợp, đoàn kết các tổ chức, các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, các nhà quản lý, các nhà khoa học, hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước hoặc có liên quan đến chuyên ngành cấp thoát nước.

 Trong những năm vừa qua, Chi hội Cấp nước miền Nam đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và các lĩnh vực liên quan đến ngành nước, với số lượng hội viên đông đảo và nhiệt tình, các hoạt động của Chi hội được thực hiện sôi nổi, thu hút được sự tham dự của rất nhiều CB.CNV từ các đơn vị hội viên, từ đó thắt chặt sự gắn bó tình cảm, trao đổi kinh nghiệm chia sẻ ý tưởng trong công tác quản lý kinh doanh và khoa học công nghệ. Chi hội tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận thông tin và học tập lẫn nhau thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo, triển lãm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần phát triển bền vững ngành cấp thoát nước ở Việt nam. Thường xuyên triển khai các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, vì người dân, phối hợp cùng nhau trong công tác xây dựng nhà đại đoàn kết cho CB.CNV của các đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, công tác an sinh xã hội, tài trợ quỹ khuyến học…

Chi hội Cấp nước miền Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, xây dựng kế hoạch hoạt động thiết thực tiếp tục đóng góp tích cực trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ cho lợi ích xã hội, lợi ích của người dân. Tiếp tục duy trì, đổi mới công nghệ ngày càng hoàn thiện, phát triển bền vững hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng ngành nước, chất lượng nguồn nhân lực góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, giảm tỷ lệ thất thoát nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cấp nước, đảm bảo chất lượng cấp nước an toàn và tiếp tục khảo sát mở rộng mạng lưới cấp nước ở các khu vực mới phát triển, các khu công nghiệp, đồng thời đảm bảo áp lực nguồn nước, chất lượng nước để cung cấp cho người dân. 

Trong không khí chào mừng Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội (7/6/1988 - 7/6/2018), tập thể các đồng chí Ban chấp hành Chi hội xin được cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Chi hội qua các thời kỳ đã luôn giành tình cảm và sự ủng hộ cho sự nghiệp phát triển bền vững của Chi hội Cấp nước miền Nam. Xin được cảm ơn các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đối tác và bạn bè quốc tế đã và đang hợp tác để cùng phát triển.

CHI HỘI THOÁT NƯỚC NAM BỘ
 

Ông Hoàng Đức Thảo 
Chủ tịch Chi hội Thoát nước Nam Bộ
Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu
 
Có thể nói, các hoạt động của Hội cấp thoát nước Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động Hội sôi động hơn, phong phú hơn, thiết thực hơn, đặc biệt là đã bám sát thực tiễn, nhu cầu của Hội viên, gắn việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi với việc thực hiện trách nhiệm của các Hội viên trong việc xây dựng, phát triển ngành Cấp thoát nước Việt Nam. Có thể điểm qua một số kết quả nổi bật như: Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn của nền kinh tế và của những bất lợi do thiên tai gây ra như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… nhưng các đơn vị hội viên đều nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu lớn của ngành nước cả về phát triển quy mô, công suất, phạm vi phục vụ, chất lượng dịch vụ.
 
Năng lực, vị thế, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động của Hội, các chi hội được nâng cao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các quy chế, quy định, đặc biệt Điều lệ Hội đã được khẩn trương hoàn thiện và ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và động lực thúc đẩy các hoạt động của Hội. Hoạt động của các Chi hội vẫn được duy trì tốt, đặc biệt là các Chi hội Cấp nước, các Chi hội Thoát nước đã hoạt động rất hiệu quả. Hội đã có nhiều hoạt động tập trung hơn cho các Chi hội Thoát nước, đặc biệt trong công tác đào tạo. Năng lực tài chính, cơ sở vật chất của Hội cũng được cải thiện một cách rõ rệt.
 
Các hoạt động trọng tâm, ưu tiên của Hội được triển khai bài bản hơn, thiết thực, hiệu quả hơn, đặc biệt có nhiều đột phát trong lĩnh vực đào tạo. Hội vẫn chủ động, tích cực trong việc tư vấn, phản biện các chính sách, các định mức kinh tế, kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành nước. Tham gia tích cực trong việc đóng góp ý kiến cho các quy hoạch, các dự án lớn, đặc biệt là Dự án Cung cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về chính sách phát triển ngành nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, chính sách huy động nguồn lực PPP, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước,…
 
Trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hội và các Chi hội đã tổ chức nhiều lớp có chất lượng bám sát nhu cầu hội viên.Nội dung, chất lượng đào tạo cũng được các đơn vị hội viên đánh giá cao hơn, nhất là trong việc triển khai các dự án của Đức trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT, các công nghệ mới vẫn được Hội và các đơn vị quan tâm, mang lại nhiều hiệu quả. Hội đã tổ chức nhiều chương trình tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm. Hội đã phối hợp UBM tổ chức thành công một số triển lãm về ngành nước để tiếp cận các kinh nghiệm, các công nghệ mới từ các nước phát triển.
 
  Hội Cấp thoát nước của chúng ta đang có những bước chuyển mình  mạnh mẽ, có cả những cơ hội và những thách thức cần phải vượt qua. Một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động tham gia đề xuất cải cách khung chính sách, tiếp tục khảo sát, đánh giá, thu thập ý kiến góp ý của Hội viên, kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền đã được chúng ta triển khai có hiệu quả. Hội cũng đã tham gia tích cực chương trình quốc gia cấp nước an toàn. Tiếp tục nghiên cứu, góp ý chính sách giá nước, giá dịch vụ thoát nước, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước…Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN mới. Tiếp tục tổ chức một số Hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong chống thất thoát, thất thu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành nhà máy. 
 
Riêng với Chi hội Thoát nước Nam bộ thời gian qua Chi hội đã không ngừng nâng cao đổi mới nội dung hoạt động. Các hoạt động chính như: Xây dựng thể chế, chính sách mới cùng Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tổ chức và tham gia các hội thảo, triển lãm chuyên đề góp phần tăng cường năng lực hoạt động cho các đơn vị thành viên luôn được chú trọng. Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động văn hóa thể thao, hoạt động từ thiện của các hội viên liên tục được đầu tư cải thiện…Những hoạt động chính đã được các hội viên Chi hội Thoát nước Nam Bộ áp dụng gồm: Đổi mới công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ KHKTvà nghiên cứu phát minh, đổi mới công nghệ .
 
Được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như: ADB, WB... và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan, nhiều tỉnh thành khu vực Nam Bộ đã và đang triển khai tích cực nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường nói chung, thoát nước nói riêng tại các đô thị. Dự án Hợp tác Đức - Việt nâng cao năng lực cho ngành nước Việt Nam (DEVIWAS) thời gian qua cũng đã có nhiều hoạt động đào tạo và kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Đức và Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ vì một ngành nước Việt Nam phát triển bền vững, điển hình là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, TP. HCM và Long An.
 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1