Cần thiết làm rõ khái niệm Hạ tầng xanh – Cấp nước xanh

Sáng 15/12/2023, Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Hạ tầng xanh - Cấp nước xanh hướng đến phát triển đô thị bền vững.

 
Tọa đàm Hạ tầng xanh - Cấp nước xanh hướng đến phát triển đô thị bền vững

Tọa đàm Hạ tầng xanh - Cấp nước xanh hướng đến phát triển đô thị bền vững

Với sự bảo trợ của Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, tọa đàm có sự tham gia của ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng; ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE); bà Lê Thu Thủy, Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam; ông Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam và hơn 60 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp cấp nước,…

Tại Việt Nam, thuật ngữ "xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vững đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. 

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về hạ tầng xanh cấp nước. Vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ, do đó cần được các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị ngành Nước phân tích, đánh giá lựa chọn các thuộc tính "xanh" để áp dụng phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Nhằm làm rõ khái niệm này, Cấp nước xanh chính là chuyên đề thứ 4 trong chuỗi hội thảo chuyên đề về 8 thành phần chính của Hạ tầng Xanh đô thị. 

Cần thiết làm rõ khái niệm Hạ tầng xanh – Cấp nước xanh- Ảnh 1.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho biết, cấp nước xanh là chủ đề đặc biệt nhận nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. 

"Tọa đàm là cơ hội để các nhà quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp, mô hình tiên tiến về cấp nước xanh, hạ tầng xanh nhằm đóng góp sự nghiệp xây dựng đô thị bền vững và thân thiện với môi trường".

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, bà Lê Thu Thủy cho biết Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật Cấp Thoát Nước. Trong quá trình biên soạn nội dung dự thảo cũng có đề cập tới nội dung về cấp nước xanh bền vững như Quy định tỷ lệ thất thoát nước trên hệ thống; Đầu tư thiết bị thu hồi nước, Cơ chế ưu đãi sản xuất năng lượng mặt trời tái sử dụng bùn thải từ các công trình cấp nước,… 

Những giải pháp cấp nước xanh như giảm thất thoát nước, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước, quản lý rủi ro, thực hiện cấp nước an toàn,… sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu cấp nước bền vững, thích ứng trước những diễn biến bất thường của thời tiết. 

Cần thiết làm rõ khái niệm Hạ tầng xanh – Cấp nước xanh- Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội phát biểu

Đóng góp tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã có những phân tích chuyên sâu về khái niệm nước trong nền kinh tế tuần hòa (WICER) và nguyên tắc 5R trong chu trình sử dụng nước thông minh. 

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, cấp nước xanh là dịch vụ cấp nước sạch, đủ, an toàn, thân thiện và bền vững. Để thực hiện điều này, cần triển khai đồng bộ, xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để quản lý, kiểm soát được và phát huy lợi ích kinh tế - xã hội – môi trường của việc tiết kiệm nước, năng lượng, tái sử dụng nước thải và bùn cặn; cùng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng nước.

Về phía các doanh nghiệp cấp nước, ông Trần Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết: "Với mục tiêu mang lại dịch vụ cấp nước sạch bền vững, các công ty cấp thoát nước đang tiến hành nhiều hoạt động cấp nước xanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa có một kế hoạch tổng thể".

Ông Trần Văn Dương bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo các viện nghiên cứu sẽ đưa ra tầm nhìn, định hướng cụ thể. Để làm được hạ tầng cấp nước xanh, cần phải đồng bộ từ công tác quy hoạch cấp tỉnh, tổng thể về nguồn nước. Từ các quy hoạch chi tiết chuyên ngành của các đơn vị hành chính cấp tỉnh cho đến các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, chống thất thu thất thoát,...

Cần thiết làm rõ khái niệm Hạ tầng xanh – Cấp nước xanh- Ảnh 3.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về các nội dung cấp nước an toàn, bền vững trong dự thảo Luật Cấp Thoát nước. 

Mong muốn cấp nước xanh, cấp nước an toàn bền vững có thể hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp như ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm năng lượng trong xử lý cấp thoát nước, giảm tác động vào môi trường tự nhiên,... Qua đó, đảm bảo vòng tuần hoàn xử lý cấp nước đạt được mục tiêu xanh, tạo ra giá trị lớn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Chung Anh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1