Cấp nước Hòa Bình đặt nhiều hy vọng vào hợp tác với Australia

Công ty CP Nước sạch Hòa Bình thông báo lịch làm việc đầu tháng 5 với các doanh nghiệp Australia để trao đổi kinh nghiệm, giúp nâng cao năng lực quản lý nước.
 

Cuộc gặp tổ chức trong các ngày 3-5 tháng 5 tại thành phố Hòa Bình nằm trong khuôn khổ chương trình ghép đôi nâng cao năng lực do Hội nước Australia (AWA) và Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) thực hiện.

Năm nay, chương trình hợp tác ghép đôi bước sang năm thứ 7 cũng là khi hai nước Việt Nam và Australia tổ chức kỷ niệm 50 năm quan hệ Đối tác chiến lược.

Cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp ngành Nước hai quốc gia cũng là cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và từng bước tháo gỡ khó khăn hiện tại, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Ban Tài chính kinh doanh Công ty CP Nước sạch Hòa Bình nói.

Công ty kỳ vọng chương trình ghép đôi sẽ tạo điều kiện giúp hai bên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ phía bạn trong quản lý thất thu cũng như việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo vệ nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu.

Cấp nước Hòa Bình đặt nhiều hy vọng vào hợp tác với Australia - Ảnh 1.

Về phần mình, Công ty mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ để quản lý hệ thống cấp nước, như phân vùng DMA để giám sát thất thoát, hay quản lý khách hàng bằng phần mềm citywork, từ đó góp phần nâng cao năng lực quản lý, sản xuất hiệu quả theo xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Chương trình ghép đôi sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ngành cấp nước Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp, ông Dũng nói với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những năm qua ngành Nước Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, từ chính sách, quản lý tới ý thức chưa cao của người dân, Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp nói với Hội nghị Thường trực Chi hội cấp thoát nước miền Bắc hôm 25/2.

Là một trong các tỉnh thành phía Bắc được đánh giá có nền kinh tế chuyển biến tích cực sau đại dịch, Hòa Bình đã thu hút tốt nguồn vốn trong và ngoài nước, đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp một phần không nhỏ vào sản xuất nông, lâm, công nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng một phần từ đại dịch, lại hoạt động trên địa hình chủ yếu là đồi núi cao độ dốc lớn, chia cắt phức tạp, ngành Cấp nước tỉnh Hòa Bình gặp nhiều khó khăn.

Công ty CP Nước sạch Hòa Bình có trách nhiệm cấp nước cho gần 46.000 khách hàng tại thành phố Hòa Bình và các thị trấn, thị tứ thuộc các huyện trong tỉnh, với tổng lưu lượng cấp nước đạt 33.461 m3/ngày đêm. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trong tỉnh hiện mới đạt 5,4%.

Khó khăn ở tỉnh miền núi

Do địa hình đặc thù của tỉnh, công ty hiện đang đối mặt với bốn nhóm vấn đề chưa giải quyết triệt để, từ tỷ suất đầu tư lớn, áp lực nước phải duy trì lớn tới chính sách chồng chéo và tỷ lệ khách hàng thấp, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.

Do địa hình chủ yếu là đồi núi, ít khu vực đồng bằng, dân số không tập trung nên tỷ suất đầu tư lớn, và chính điều này là lý do khiến công ty gặp khó trong việc gọi vốn triển khai xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước sạch.

Hai là, địa hình đồi núi, những điểm cuối nguồn có cao độ lớn, đòi hỏi phải duy trì cấp nước với áp lực lớn. Điều này dẫn tới hệ thống cấp nước thường xuyên gặp sự cố rò rỉ, vỡ ống, và do đó tỷ lệ thất thu cao và không xác định được.

Ba là, chính sách trong lĩnh vực Cấp nước hiện còn chưa rõ ràng, các thủ tục hành chính như xin phép đào hè đường, hỗ trợ lãi suất trong đầu tư cấp… còn rườm rà.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cấp nước đang phải chịu nhiều loại phí chồng phí khi khai thác tài nguyên nước, khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Bốn là, do người dân vẫn quen dùng nước giếng khoan, nước mó và nước mưa nên tỷ lệ khách hàng đấu nối vào hệ thống cấp nước tập trung thấp. Các hệ thống cấp nước do đó không phát huy hết hiệu quả sản xuất, dẫn tới thời gian thu hồi vốn lâu, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Tuy nhiên, sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất là nhu cầu thiết yếu và phục vụ an sinh xã hội nên hàng năm Công ty vừa vận động, giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, vừa mở rộng hệ thống cấp nước.

Cấp nước Hòa Bình đặt nhiều hy vọng vào hợp tác với Australia - Ảnh 2.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo và tập thể người lao động trong công ty đã nỗ lực vượt khó, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động.

So với đăng ký thi đua kế hoạch 2022, tổng sản lượng của Công ty ước đạt gần 10 triệu  m3 (hoàn thành 95,6%), tổng doanh thu tăng nhẹ 0,4% so với năm trước lên 82,03 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng 8,7% lên 11,93 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân của người lao động ước tính tăng 2,9% so với năm 2021 lên 9,05 triệu đồng/tháng.

Phát huy các kết quả trên, Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế được giao trong năm 2023, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu nước sạch cho khách hàng về cả chất lượng và số lượng mà còn góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động.

Tác giả: Thanh Hà

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1