Nam Âu buộc phải hạn chế cấp nước do nạn khan hiếm nước

Hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ, khi hạn hán nghiêm trọng và ít mưa đã buộc các nước Nam Âu phải hạn chế nước uống, kênh truyền hình DW đưa tin.

Chịu sức ép từ biến đổi khí hậu do con người gây ra và tiêu thụ nước quá mức, người dân Nam Âu đang phải chịu hậu quả từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn và hạn hán kéo dài hơn, theo bản tin đăng hôm 7/7 trên trang web của DW, kênh truyền hình quốc tế của Đức.

DW cho biết, hiện các chính phủ từ Bồ Đào Nha đến Ý đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng nước tới mức tối thiểu. Nhưng ở một số nơi, việc này vẫn chưa đủ.  

Trong khi lượng nước do tư nhân tiêu thụ ở EU chỉ chiếm 9% tổng lượng nước sử dụng, khoảng 60% được sử dụng cho nông nghiệp. 

Các nhà khí hậu học xác nhận rằng sau một tháng Ba rất khô hạn với lượng mưa chỉ bằng một phần ba lượng mưa thông thường, hạn hán sau mùa xuân ở châu Âu đã làm giảm đáng kể lượng nước, theo một nghiên cứu mới của cơ quan thời tiết Đức.

Lượng mưa thiếu hụt được cho là đang xuất hiện trên hầu hết tất cả 11 khu vực châu Âu được nghiên cứu.

Khan hiếm nước: Các nước EU buộc phải hạn chế tiếp cận nước uống - Ảnh 1.
Một vùng khô hạn ở Tây Ban Nha.

Nước Ý

Tình hình kịch tính nhất có lẽ ở miền Bắc nước Ý, nơi đang trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt nhất từ những năm 1950. Hơn 100 thành phố đã được kêu gọi hạn chế tiêu thụ nước. Chính phủ Ý hôm 4/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho 5 khu vực tới cuối năm và lên kế hoạch cung cấp 36 triệu euro (37 triệu USD) trong ngắn hạn để chống khủng hoảng nước. 

Do nhiều tháng hạn hán và khan hiếm mưa mùa đông, mực nước của các sông Dora Baltea và Po, sông lớn nhất ở Ý, thấp hơn bình thường 8 lần.  

 

Bồ Đào Nha

Ngay từ mùa đông Bồ Đào Nha đã bắt đầu chuẩn bị cho một năm cực kỳ khô hạn. Đầu năm 2022, tình trạng thiếu mưa và mực nước thấp trong các đập đã khiến chính phủ phải hạn chế vận hành các nhà máy thủy điện chỉ hai giờ mỗi tuần để đảm bảo cung cấp đủ nước cho 10 triệu người dân trong ít nhất hai năm.

Tới cuối tháng 5, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới gần hết đất nước.

Do tiêu thụ than, dầu và khí đốt, khả năng xảy ra hạn hán vốn thường chỉ 10 năm một lần nay đã tăng gần gấp đôi ở khu vực Địa Trung Hải. Một số vùng đang trải qua mùa khô hạn nhất trong một thiên niên kỷ.

Hiệp hội thủy lợi nông nghiệp ở các thị trấn Silves, Lagoa và Portimao tại miền Nam Bồ Đào Nha đã kích hoạt một chế độ khẩn cấp, theo đó 1.800 trang trại phải cắt giảm một nửa lượng nước tưới cho một số loại cây trồng.

 

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha cũng cực kỳ khô hạn, với 2/3 tổng diện tích đất có nguy cơ bị sa mạc hóa. Theo Cục khí tượng Tây Ban Nha, đất màu đang dần bị hóa cát, đặc biệt sau mùa đông vừa qua, là mùa đông khô hạn lần thứ hai kể từ năm 1961.

Ở phía Bắc, 17 địa phương đã phải thực hiện các biện pháp quyết liệt ngay từ tháng Hai. Thị trấn Campelles ở vùng Catalonia đã chỉ cấp nước sinh hoạt trong vài giờ mỗi ngày. Trong những trường hợp khẩn cấp, chính quyền địa phương đã cấp nước bằng xô hàng ngày tại năm địa điểm trong làng. 

Tây Ban Nha là nước sản xuất nông sản lớn thứ ba trong liên minh Châu Âu (EU). Ít nhất 70% tổng lượng nước ngọt được dùng cho nông nghiệp. 

Mặc dù đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiệu quả trên một tỷ lệ lớn đất nông nghiệp, ít nhất 1/5 diện tích đất vẫn được tưới bằng các phương pháp không bền vững.

Để xử lý tốt hơn cuộc khủng hoảng nước, cần phải tính đến kế hoạch dài hạn, thay vì chỉ đối phó với khủng hoảng và hạn chế cấp nước, theo Tổ chức Môi trường châu Âu EEA.

Điều này nghĩa là phải đảm bảo hiệu quả cao hơn trong sử dụng nước, quản lý rủi ro sớm và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Nó cũng có nghĩa là phải thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ cá nhân và ở các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

 

Tác giả: Nam Phương (Dịch)
Nguồn: DW

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1