Nhiều hồ nước ở Chile hóa sa mạc trong đợt hạn hán kỷ lục

Hạn hán kéo dài suốt 13 năm ở Chile đã đạt đến mức đỉnh điểm, khiến cho nhiều hồ nước lớn chỉ còn là các vũng nước, nhiều tờ báo trên thế giới đưa tin

Hai mươi năm trước, hồ Penuelas ở miền trung Chile là nguồn cấp nước chính cho thành phố Valparaiso, với lượng nước đủ cho 38.000 bể bơi cỡ Olympic.

Giờ đây, lượng nước trong hồ đã giảm 19.000 lần, chỉ đủ cho hai bể bơi kích cỡ trên.

Khu vực từng là lòng hồ hiện nay chỉ còn là một nền đất khô và nứt nẻ trải dài, rải rác những bộ xương cá và những loài vật tìm kiếm nước trong tuyệt vọng.

Trong đợt hạn hán lịch sử kéo dài 13 năm, lượng mưa đã giảm kỉ lục ở quốc gia Nam Mỹ nằm bên bờ biển Thái Bình Dương này.

Nhiệt độ không khí tăng lên, đồng nghĩa tuyết trên dãy Andes, từng là một kho trữ nước quan trọng cho mùa xuân và mùa hè, tan chảy nhanh hơn hoặc bốc hơi ngay lập tức.

Hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác khoáng sản của Chile - nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, gây ra căng thẳng về nước cho ngành sản xuất lithium và nông nghiệp, đồng thời khiến thủ đô Santiago phải đưa ra những kế hoạch chưa từng có để chuẩn bị cho trường hợp cắt nước luân phiên.

Chile: Nhiều hồ nước hóa sa mạc trong trận hạn hán kỉ lục  - Ảnh 1.

Khung cảnh hồ Penuelas ở miền trung Chile, nơi 20 năm trước là nguồn cấp nước chính cho thành phố Valparaiso. Ảnh: REUTERS/Ivan Alvarado

Bà Amanda Carrasco, 54 tuổi, sống gần hồ nước Penuelas nói với Reuters: "Tôi chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ. Trước đây cũng có lúc hồ cạn nhưng không đến mức này. Chúng tôi chỉ còn biết cầu xin Chúa ban nước xuống."

Ông Jose Luis Murillo, Tổng Giám đốc của ESVAL, đơn vị cấp nước cho thành phố Valparaiso cho rằng, cần một trận mưa để cứu hồ Penuelas. Trước đây, lượng mưa ở thành phố vào mùa đông khá lớn nhưng hiện ở mức thấp nhất lịch sử.

"Có thể nói, tất cả những gì chúng tôi có hiện nay chỉ là một vũng nước", ông Murillo nói với Reuters.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là sự thay đổi các hình thái khí hậu trên toàn cầu, khiến cho các hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan hơn.

Thông thường, các cơn bão áp thấp từ Thái Bình Dương gây mưa ở Chile vào mùa đông, làm đầy các tầng chứa nước và phủ băng tuyết lên trên dãy núi Andes.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu toàn cầu về nhiệt độ nước biển và thiếu hụt lượng mưa của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội thuộc trường Đại học Columbia, Mỹ, do nhiệt độ nước biển toàn cầu tăng lên, vùng biển ngoài khơi Chile cũng ấm lên, ngăn cản các cơn bão đến.

Trong khi đó, khí nhà kính và sự suy giảm tầng ozon ở Nam Cực làm trầm trọng thêm các hình thái thời tiết, đưa các cơn bão ra xa khỏi Chile, theo một nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến thời tiết Nam Cực đăng trên trang chủ của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ.

Chile: Nhiều hồ nước hóa sa mạc trong trận hạn hán kỉ lục  - Ảnh 2.

Một dòng nước ở Farellones, gần với dãy núi Andes ở Santiago, Chile ngày 18/4/2022. Nhiệt độ không khí tăng lên, đồng nghĩa tuyết trên dãy Andes, từng là một kho trữ nước quan trọng cho mùa xuân và mùa hè, tan chảy nhanh hơn hoặc bốc hơi ngay lập tức. Ảnh: REUTERS/Ivan Alvarado

Ở Laguna de Aculeo, một đầm phá khô cạn khác ở phía nam Santiago, người quản lý khu cắm trại địa phương Francisco Martinez hồi tưởng lại khoảng thời gian hàng trăm người đến khu vực này để cheo thuyền kayak hoặc bơi lội trong hồ.

Đầm phá Aculeo, nơi từng là một điểm du lịch nổi tiếng, đã bị xóa sổ khỏi bản đồ trong vòng chưa đầy một thập kỷ và biến mất hoàn toàn vào năm 2018.

Vào thời hoàng kim những năm 1990, ở hồ Aculeo, có nghĩa là "nơi nước giao nhau" trong ngôn ngữ bản địa Mapudungun, có một quán bar nổi phục vụ du khách và tàu thuyền đi qua đầm trong suốt mùa hè.

Giờ đây, những cầu tàu rỉ sét và những con thuyền cũ kỹ nằm trơ chọi trong khung cảnh cằn cỗi. Các nhà hàng và khu cắm trại bị bỏ hoang. Một "hòn đảo" kỳ lạ nhô lên trên lớp bụi đất ở giữa nơi đã từng là mênh mông nước.

Chile: Nhiều hồ nước hóa sa mạc trong trận hạn hán kỉ lục  - Ảnh 3.

Đầm phá Aculeo, nơi từng là một điểm du lịch nổi tiếng, giờ đây chỉ còn những cầu tàu rỉ sét và những con thuyền cũ kỹ nằm trơ chọi trong khung cảnh cằn cỗi. Ảnh: REUTERS/Ivan Alvarado

Ông Martinez nói với Reuters: "Nơi đây hiện giờ đã cạn nước, chỉ còn lại sa mạc mà thôi. Các loài động vật đang chết dần chết mòn và chúng tôi không còn gì để khai thác nữa."

Nền kinh tế Chile, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ tính theo GDP bình quân đầu người, phát triển dựa trên các ngành công nghiệp ngoại vi, sử dụng nhiều nước, chủ yếu là khai thác khoáng sản, lâm nghiệp (chiếm 59% tổng lượng nước của Chile) và nông nghiệp (37%). Lượng nước dùng cho sinh hoạt chỉ chiếm 2%.

Cái giá cho sự phát triển này không hề nhỏ.

Vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric đã phê duyệt cải cách Bộ luật Nước năm 1981, vốn đã bị Quốc hội kéo dài 11 năm. Văn bản này thừa nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước của Chile, tờ The Guardian đưa tin.

Ngoài ra, một dự thảo hiến pháp mới đã được soạn thảo - kết quả của các cuộc biểu tình hàng loạt năm 2019 ở Chile.

Văn bản này không chỉ xem xét lại cách Chile sử dụng các nguồn tài nguyên, mà còn yêu cầu bảo vệ nước ở tất cả các trạng thái và giai đoạn, cũng như khẳng định sự cần thiết của nước đối với sự sống và tự nhiên.

Bà Carolina Vilches, người được bầu vào Hội nghị Lập hiến của Chile tháng 3/2021 nói với The Guardian: "Ở Chile, quyền sử dụng nước của con người bị vi phạm hàng ngày. Chúng ta cần phải thay đổi quan điểm về nước."

Dự thảo sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 4/9 năm nay.

Tác giả: Quỳnh Anh (dịch và tổng hợp)
Nguồn: Reuters, The Guardian

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1