Toilet không sử dụng nước

Virginia Gardiner từ một phóng viên đã chuyển thành nhà sáng chế với phát minh toilet không dùng nước Loowatt - một loại toilet có thể tạo ra năng lượng từ chất thải của con người. Phát minh này của cô đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ Gates.
 
Virginia Gardiner và phát minh Loowatt của mình

Sau bảy năm ấp ủ kế hoạch “cách mạng hóa phần ít được cải tiến nhất trong bất cứ hộ gia đình nào”, Gardiner đã cho ra được sản phẩm toilet sáng tạo Loowatt, chuẩn bị được giới thiệu tại Festival âm nhạc Latitude ở Suffolk tháng 7 này.  Dự án của cô cho đến nay đã kêu gọi được khoảng 2 triệu bảng, bao gồm cả tiền tài trợ từ Quỹ của vợ chồng Bill và Melinda Gates.

Mấu chốt trong hệ thống Loowatt là lớp lót có khả năng phân hủy sinh học bọc quanh lòng bồn cầu. Khi nút “dội” được ấn, chất thải sẽ được đẩy xuống một khoang phía dưới. Khoang hộp cung cấp nguyên liệu thô để đổ vào hộp phân hủy nơi các vi sinh vật sẽ phân rã chất thải thô thành khí sinh học và phân bón.  

Ý tưởng này nhen nhóm từ khi Gardiner đang học thạc sỹ tại Đại học Nghệ thuật Hoàng Gia ở London năm 2006. Cô cảm thấy bức xúc trước tình trạng đất nước mình, tức nước Anh, lãng phí từ 4-13 lít nước mỗi lần giật nước toilet, trong khi đó trên thế giới cứ năm người thì có hai người không có bất cứ loại nhà vệ sinh nào.  

“Tôi nhận ra rằng ý tưởng cải tiến toilet tốt nhất sẽ là tạo ra một hệ thống toilet không sử dụng nước, có thể biến chất thải thành vật dụng mà lại khả thi ở những vùng thành thị.” Gardiner chia sẻ. Cô nói thêm rằng các công nghệ biến chất thải con người thành phân bón đã phổ biến ở các vùng nông thôn, nhưng để áp dụng ở thành thị thì khó khăn hơn rất nhiều.  

Ý tưởng ban đầu là dùng các loại giun để phân hủy chất thải ngay trong nhà, nhưng chắc chắn mọi người sẽ không dễ dàng đón nhận một công nghệ như vậy. Thế là Gardiner nghĩ ra việc dùng một lớp phim có khả năng phân hủy sinh học để chuyển chất thải trong toilet. Những dải phim bên thành toilet này sẽ thu vào với nhau và kéo chất thải xuống theo chuỗi. Công nghệ Loowatt có thể đặt vừa trong một diện tích chỉ nhỏ bằng một hộp giày và có thể gắn vào bất cứ loại toilet nào. Khi trưng bày mẫu công nghệ lần đầu tiên, Gardiner đã lắp hệ thống vào một bồn vệ sinh đúc từ phân ngựa để nhấn mạnh ý tưởng biến chất thải thành vật dụng của công nghệ này.

Sau khi nhận được vốn khởi động năm 2009, Gardiner bắt đầu tập trung vào thiết kế một công nghệ giúp khóa không cho mùi bay ra (giống toilet truyền thống) và công nghệ phân hủy yếm khí để biến chất thải thành nhiên liệu và phân bón.

Hệ thống phân hủy được thiết kế thành nhiều cỡ, từ cỡ nhỏ dùng trong gia đình cho đến cỡ công-ten-nơ chở hàng và thậm chí to hơn. 

Tài trợ từ Quỹ Gates đã cho phép công ty thực hiện dự án thí điểm đầu tiên tại Antananarivo ở Madagascar để chứng minh là hệ thống có thể hoạt động trong thực tế. Người dân địa phương trả tiền để sử dụng toilet này và chất thải được biến thành năng lượng nhờ hệ thống phân hủy yếm khí đặt bên cạnh. Năng lượng thu được đã được bán để nạp pin điện thoại di động và đun nước.  Quỹ sẽ tài trợ thêm 1 triệu đô-la nữa để mở rộng dự án sản xuất 100 toilet đến cuối năm sau. 

Hiện tại công ty đặt trụ sở ở Brixton, với chín nhân viên ở Anh và sáu nhân viên ở Madagascar. Gardiner vẫn là chủ chính của công ty. Cô cho biết ngoài thị trường chính là các buổi hòa nhạc, festival và các công trường ở các nước phương Tây, công nghệ này còn có thể được dùng trong các tình huống cứu trợ thảm họa và cả ở những vùng như Antananarivo, nơi mà nhà vệ sinh vẫn đang là một vấn đề. Toilet này không sử dụng nước và cũng không tiêu tốn năng lượng bởi năng lượng rất ít cần đề dội chất thải có thể lấy được từ tấm năng lượng mặt trời. 

Tuy thị trường rất rộng lớn và nhiều cơ hội nhưng Gardiner nhận định sẽ có nhiều khó khăn, bởi đây là một công nghệ đi tắt đón đầu và hoàn toàn mới trong một khía cạnh rất riêng tư và khó thay đổi của đời sống. Bởi vậy, để giảm thiểu rủi ro, công ty của Gardiner đã nhắm tới cả hai loại thị trường là các nước phương Tây và các nước đang phát triển.

Khánh Minh (dịch)
Theguardian.com

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1