Tài nguyên vô hình - tác động hữu hình

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới đang phải sống thiếu nước sạch. Đó là một con số không hề nhỏ cho thấy khủng hoảng nước sạch toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết bằng những hành động cụ thể.
 

Ý tưởng về một dịp kỷ niệm nhằm ghi nhận tầm quan trọng của nước và nâng cao nhận thức của thế giới về tính cấp thiết của sự khan hiếm nước sạch đã được nhen nhóm từ năm 1992 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil. Đến tháng 12 cùng năm, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết chính thức công nhận ngày 22 tháng 3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới, hay Ngày Nước sạch Thế giới. 

Do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Nước (UN Water) điều phối, Ngày Nước Thế Giới được khởi xướng với một trong những mục tiêu chính là hỗ trợ quá trình hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 6: Đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người vào năm 2030. Vào ngày này hàng năm, song song với những sự kiện được tổ chức trên toàn thế giới, UN Water sẽ công bố Báo cáo Phát triển Nước Liên Hợp Quốc, trong đó đưa ra các đánh giá về chủ đề năm đó và các khuyến nghị đường lối chính sách cho các nhà chức trách.

Tài nguyên vô hình - tác động hữu hình  - Ảnh 1.
 

Ngày Nước Thế giới 2022

Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2022 là Nước ngầm, một yếu tố vốn nằm ngoài tầm mắt chúng ta nhưng lại có tác động hữu hình ở mọi nơi.

Nước ngầm là nước được tìm thấy trong những tầng chứa nước, tức những cấu tạo địa lý được cấu thành từ đá, cát và sỏi, giúp chúng có khả năng trữ được một lượng nước đáng kể. Đây chính là nguồn nước cấp cho những dòng sông, suối, các hồ và đầm lầy, và từ đó len lỏi ra biển. Kho tàng quý giá dưới lòng đất này được bổ sung chủ yếu qua mưa và tuyết thấm qua đất. Từ xa xưa, con người đã tìm ra cách khai thác nước ngầm để phục vụ cho nhu cầu sống của mình thông qua các hệ thống bơm hoặc giếng.

Theo Cẩm nang Ngày Nước Thế giới 2022 của Liên Hợp Quốc, hầu hết tất cả những dòng nước ngọt trên thế giới đều là nước ngầm. Sự sống sẽ không thể tồn tại được nếu không có nguồn nước quý giá này. Tại hầu hết các khu vực khô cằn trên thế giới, sự tồn tại của con người và các loài sinh vật khác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm.

Không những thế, nước ngầm còn cung cấp một tỷ lệ lớn nước mà con người sử dụng để uống, vệ sinh, sản xuất thực phẩm và dùng cho các quy trình công nghiệp. Tài nguyên này cũng rất quan trọng đối với hoạt động của các hệ sinh thái, chẳng hạn như các vùng đầm lầy và sông. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm có thể dẫn đến sự mất ổn định và sụt lún đất, cũng như hiện tượng xâm nhập mặn tại các vùng duyên hải.

Theo đánh giá của UN Water, nước ngầm đang được sử dụng quá mức ở nhiều nơi trên thế giới, khi nước bị rút ra khỏi các tầng chứa nước nhiều hơn lượng nước được bổ sung. Việc sử dụng quá mức liên tục sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên quan trọng này. Đồng thời, nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm do các hoạt động của con người. Quá trình xử lý ô nhiễm thường kéo dài và rất khó khăn, làm tăng chi phí xử lý nước hoặc thậm chí đôi khi khiến nước không thể sử dụng được.

Trong khi đó, tại nhiều nơi, người ta vẫn chưa thể đánh giá được có bao nhiêu mạch nước ngầm nằm trong lòng đất, dẫn tới việc không khai thác được nguồn nước quan trọng nhiều tiềm năng này. Do vậy, việc khám phá, bảo vệ và sử dụng một cách bền vững nguồn nước ngầm là điều kiện quan trọng để con người có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu sống của lượng dân số đang ngày càng tăng lên.

Nguyên liệu vô hình trong thức ăn

Sự gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế chỉ là một số yếu tố thúc đẩy nhu cầu về nước, năng lượng và lương thực tăng lên. Nông nghiệp là ngành tiêu thụ nhiều nước ngọt nhất trên thế giới, và hơn một phần tư năng lượng được sử dụng trên toàn cầu là để phục vụ sản xuất và cung cấp lương thực. Việc đảm bảo lương thực cho dân số toàn cầu dự kiến đạt 9 tỷ người vào năm 2050 dự kiến sẽ đòi hỏi sản lượng lương thực tăng 60%.

Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 40% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu được khai thác từ các tầng chứa nước. Đặc biệt, ở các quốc gia khan hiếm nước, việc cung cấp năng lượng rẻ tiền để bơm nước ngầm phục vụ nông nghiệp có thể dẫn đến cạn kiệt và suy giảm chất lượng nước, gây hậu quả nghiêm trọng cho những người hiện đang phụ thuộc vào hệ thống tưới tiêu bằng nước ngầm.

Cũng theo FAO, việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chất lượng nước trữ trong đất. Như vậy, giảm lãng phí thực phẩm cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tiêu thụ nước.

Nguồn tài nguyên không biên giới

Hầu hết các tầng chứa nước lớn trên thế giới đều nằm trải dài qua các biên giới quốc tế. Theo Trung tâm Đánh giá Nguồn nước ngầm Quốc tế (IGRAC), có 468 tầng chứa nước xuyên biên giới đã được xác định trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa phần lớn các quốc gia có chung nguồn nước ngầm.

Báo cáo của tổ chức nghiên cứu Earth Security chỉ ra rằng, trên toàn cầu, trong số tám tầng chứa nước lớn nhất đang chịu áp lực có sáu tầng xuyên biên giới. Một số tầng chứa nước này không thể tự tái tạo lại, chẳng hạn như Hệ thống tầng chứa nước Nubian và Tây Bắc Sahara.

Trong 20 năm qua, việc đánh giá cơ bản về các tầng chứa nước xuyên biên giới đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, những tấm gương về hợp tác chia sẻ tầng chứa nước giữa các quốc gia vẫn còn rất hạn chế.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA), trong số hơn 200 thỏa thuận quốc tế về chia sẻ nguồn nước sông, hồ được tổ chức này phân tích, chỉ có một số thỏa thuận có các điều khoản cụ thể về nước ngầm.

Còn Liên đoàn Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông tin, chỉ một số ít các tầng chứa nước xuyên biên giới được điều chỉnh bởi các hiệp định quốc tế. Với việc các nguồn nước ngầm trên toàn thế giới đang được khai thác, sử dụng ngày càng nhiều, nhu cầu hợp tác cụ thể một cách mạnh mẽ hơn về các nguồn nước ngầm xuyên biên giới ngày càng trở nên rõ ràng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tài nguyên vô hình - tác động hữu hình  - Ảnh 3.
 

Nguồn cung có hạn

Việc sử dụng nước ngầm có những hạn chế nhất định như chất lượng nước không đảm bảo và chi phí khai thác cao (từ các tầng chứa nước sâu). Hơn nữa, nước ngầm không phải lúc nào cũng có đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cao nhất của con người.

Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương nhận định, khu vực này có tỷ lệ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên đầu người thấp nhất thế giới. Trong khi đó, việc khai thác và sử dụng nước ngầm tại đây được dự đoán sẽ tăng 30% vào năm 2050.

Vấn đề chất lượng và ô nhiễm nước ngầm

Liên Hợp Quốc đánh giá những mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng nước ngầm bao gồm ô nhiễm tự nhiên (địa chất) và các nguồn gây ô nhiễm từ việc sử dụng đất và các hoạt động khác của con người (ô nhiễm do con người).

Hai trong số những chất gây ô nhiễm địa chất phổ biến nhất là asen và florua. Ô nhiễm asen tự nhiên trong nước ngầm ảnh hưởng đến hàng triệu người trên tất cả các lục địa. Vì vậy, chất lượng nước ngầm cần được đánh giá và giám sát thường xuyên.

Ô nhiễm do con người gây ra bao gồm các tác động của thâm canh nông nghiệp, đô thị hóa, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu. Ví dụ, trên khắp châu Phi, chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng từ cơ sở hạ tầng vệ sinh tồi tàn và các hoạt động nông nghiệp, dẫn đến mức độ ô nhiễm nitrat và vi sinh vật cao.

Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nitrat và thuốc trừ sâu là mối đe dọa lớn đối với chất lượng nước ngầm: 20% các nguồn nước ngầm của Liên minh Châu Âu (EU) vượt quá tiêu chuẩn của khối về chất lượng nước tốt do ô nhiễm nông nghiệp.

Nước ngầm và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)

Quản lý tốt nguồn nước ngầm là điều kiện cần để đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Chương trình Nghị sự 2030. Theo Học viện Nước, Môi trường và Y tế thuộc Đại học Liên Hợp Quốc, 53 trong số 169 mục tiêu SDG có mối liên hệ với nước ngầm.

Ví dụ, mục tiêu SDG 2.4 về hệ thống sản xuất lương thực bền vững và các hoạt động nông nghiệp linh hoạt phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của nguồn nước ngầm. Ngoài ra, việc thực hiện được mục tiêu SDG 6.6 về bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước và mục tiêu SDG 15.1 về bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt và các dịch vụ của chúng đều yêu cầu khả năng quản lý nước ngầm tốt.

Bảo vệ và gìn giữ

Nước ngầm luôn có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống nước và vệ sinh, trong nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và đặc biệt trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này lại chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn.

Với chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2022, Liên Hợp Quốc kêu gọi mỗi quốc gia, mỗi con người thay đổi tư duy và nhận thức về nước ngầm. Vai trò quan trọng của nó phải được phản ánh trong việc hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Con người không thể quản lý thứ mà ta không thể đong đếm. Chính vì vậy, công tác khám phá, phân tích và giám sát một cách chặt chẽ những nguồn nước ngầm cần được thực hiện và đầu tư một cách hiệu quả để đảm bảo nhu cầu sống của con người với nhu cầu của thiên nhiên luôn được duy trì một cách cân bằng.

 

Tác giả: Hải Nguyễn

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1