Thượng nguồn ô nhiễm, hạ nguồn lãnh đủ?

Một đoàn gồm các nhà khoa học, cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Bình Thuận hôm 7-2 đã đến Đồng Nai để dự cuộc hội nghị về giải quyết ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Đây không phải là lần đầu kẻ ở hạ nguồn đi "cầu cứu" người hàng xóm trên thượng nguồn về sự ô nhiễm con sông Giêng, nơi đang cung cấp nguồn nước sạch cho hàng trăm ngàn hộ dân địa phương mình.
 
Một nhánh sông Giêng đang cũng cấp nước sinh hoạt tười tiêu cho người dân. Ảnh: TL.

Thượng nguồn xả thải, hạ nguồn lãnh đủ

Câu chuyện nguồn nước sông Giêng bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải phát sinh lớn từ các nhà máy sản xuất cồn, nhà máy bột mì và nhiều trại nuôi heo và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gây ảnh hưởng cho nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng hạ nguồn Bình Thuận đã có từ nhiều năm qua. Đỉnh điểm của tình trạng ô nhiễm môi trường tại "điểm nóng" giáp ranh hai địa phương bắt đầu từ năm 2011 kéo dài cho đến nay với rất nhiều cuộc họp, kiểm tra, xử phạt, học hỏi kinh nghiệm diễn ra nhưng dường như đến nay vẫn chưa đến hồi kết!

Số liệu từ cơ quan chức năng quản lý môi trường của cả Bình Thuận và Đồng Nai cho thấy, liên tục trong các năm 2011 đến năm 2013 một số nhà máy sản xuất cồn, bột mì trên địa bàn Đồng Nai, khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận chưa thu gom và xử lý nước thải trong quá trình sản xuất. Đến năm 2015 còn xảy ra tình trạng cá chết trên sông Giêng.

Trong khi con sông Giêng đang kêu cứu thì báo cáo mới nhất hồi tháng 1-2018 từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp chưa ý thức trong thu gom và xử lý nước thải, còn hiện tượng lợi dụng thời gian ban đêm hoặc khi có mưa lớn để xả thải ra môi trường!

Có lẽ những chủ doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi heo ở thượng nguồn sông Giêng khi thực hiện hành vi xả thải có thể đã thừa biết con sông Giêng là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt và cả nước uống cho người dân vùng hạ nguồn như huyện Hàm Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Câu hỏi đặt ra là tại sao "điểm nóng" ô nhiễm vùng giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận chỉ với một vài doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi mà họp bàn tới lui, xử lý hoài vẫn không xong?

Vẫn là kênh Ba Bò

Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, hãy nhắc tới một câu chuyện khác tương tự xảy ra giữa TPHCM và Bình Dương trong suốt hơn 10 năm giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò.

Tuyến kênh Ba Bò bắt nguồn từ Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư và theo đó, lượng nước thải mà con kênh này tiếp nhận cũng không phải nhỏ. Riêng TPHCM nhiều năm qua đã tốn hàng ngàn tỉ đồng để xây hồ điều tiết, kiểm soát ngập, hạn chế ô nhiễm cho con kênh này nhưng dường như vẫn chưa thể giải quyết hết ô nhiễm. Mới đây, người ta còn thấy nước kênh có màu vàng đặc chảy từ phía Bình Dương len lỏi qua dòng kênh Ba Bò tiếp tục đổ ra sông Sài Gòn và theo đó là mùi hôi vẫn còn phát tán.

Trong khi chưa biết phía chính quyền tỉnh Bình Dương thực hiện các cam kết xây nhà máy nước thải Nam Bình Dương cho 6 khu dân cư, song song đó là lắp đặc hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp để kiểm soát nước thải đổ vào thượng nguồn kênh Ba Bò ra sao thì trả lời báo chí hôm nay, 8-2, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết tại kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 3 tới, thành phố sẽ tiếp tục có báo cáo đẩy đủ về tình hình xử lý, kiểm soát ô nhiễm con kênh Ba Bò. 

Lại một lần nữa, thực trạng ô nhiễm vùng giáp ranh "thượng nguồn xả thải - hạ nguồn lãnh đủ" không chỉ xảy ra giữa Đồng Nai - Bình Thuận, TPHCM - Bình Dương mà có thể còn xảy ra tại nhiều địa phương khác. Điều này giống như một người hàng xóm thẳng tay vứt túi rác ra khỏi nhà mình mà chẳng cần quan tâm có ảnh hưởng đến nhà hàng xóm hay không!

Rõ ràng một khi muốn giải quyết ô nhiễm vùng giáp ranh các địa phương thì không chỉ cần nỗ lực, tiền bạc của phía hạ nguồn đổ ra mà còn cần cả sự nhiệt tâm từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp của phía thượng nguồn. Đáng buồn là sự phối hợp giữa các địa phương cùng bắt tay giải quyết ô nhiễm lây nay còn chưa thực sự đồng bộ, chưa thống nhất nhau, khi quy hoạch phát triển kinh tế địa phương thượng nguồn đôi khi lại làm ngơ đến hậu quả về môi trường cho địa phương hạ nguồn. 

Nói về cơ sở pháp lý, đã có rất nhiều văn bản, quy hoạch nhắc đến sự phát triển kinh tế xã hội mang tính liên vùng từ ngành công nghiệp, bảo vệ môi trường sông cho các tỉnh thành phía Nam. Chẳng hạn như Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2035; quyết định của Chính phủ năm 2014 về Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) hay Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được thành lập hơn 10 năm trước ...

Hơn lúc nào hết, khái niệm "liên kết vùng" giờ đây cần được nhìn nhận bao quát hơn, không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế mà cả những ràng buộc về môi trường, trách nhiệm và lợi ích cũng cần được chia đều cho các địa phương trong vùng, đừng để sự vô tâm của con người tiếp tục đẩy cơ hội "sống sót" của các dòng sông vào thế "ngàn cân treo sợi tóc"! 

Theo Văn Nam (thesaigontimes.vn)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1