Mỹ đưa an ninh nguồn nước toàn cầu thành chính sách đối ngoại ưu tiên

Ngày 1/6, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố kế hoạch chưa từng có của Nhà Trắng nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước toàn cầu.

Bà Kamala Harris đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh an ninh nguồn nước toàn cầu và coi đây là ưu tiên trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh nguồn cung cấp nước toàn cầu ngày càng cạn kiệt.

Theo đó, Mỹ sẽ giúp tăng cường tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và nước an toàn trên toàn thế giới, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của Mỹ về nguồn nước nhằm giúp các nước quản lý và bảo tồn tài nguyên nước, đồng thời hỗ trợ đầu tư vào cơ sở vật chất.

Mỹ: Đưa an ninh nguồn nước toàn cầu thành chính sách đối ngoại ưu tiên - Ảnh 1.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã đưa ra kế hoạch nhằm đẩy mạnh an ninh nguồn nước toàn cầu.
Đây được coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh nguồn cung cấp nước toàn cầu ngày càng cạn kiệt. Nguồn: AFP

 

Kế hoạch của Mỹ cũng sẽ liên quan đến việc phát triển công nghệ mới thân thiện với khí hậu để khử muối trong nước, phục hồi tài nguyên nước và thực hiện các sáng kiến với Liên Hợp Quốc, các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Ngoài ra, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp để xoa dịu những tranh chấp có thể xảy ra liên quan đến tiếp cận nguồn nước.

Kế hoạch được Phó Tổng thống Harris đưa ra hôm thứ Tư thể hiện cam kết của Mỹ trong việc dẫn đầu các nỗ lực đảm bảo có đủ nước cho sản xuất lương thực và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Xung đột về nước đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới khi nguồn cung cấp chịu áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, đô thị hóa và gia tăng dân số, đồng thời hạn hán và lũ lụt cũng ngày càng nghiêm trọng.

Phát biểu tại Nhà Trắng, bà Harris cho rằng tình trạng mất an ninh nước khiến thế giới bất ổn hơn, do các cộng đồng gặp khó khăn trong việc sản xuất lương thực, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Nhiều lợi ích an ninh quốc gia cơ bản nhất của chúng ta phụ thuộc vào an ninh nguồn nước", bà Harris nói.

Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Mỹ: Đưa an ninh nguồn nước toàn cầu thành chính sách đối ngoại ưu tiên - Ảnh 2.
Trẻ em lấy nước sinh hoạt tại huyện Abs, tỉnh Hajjah (Yemen), ngày 21/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
 

Còn ở Mỹ, khoảng 90 triệu người đang sống trong điều kiện hạn hán, trong khi vài tuần nữa mùa hè mới bắt đầu. 

Vào năm 2030, gần một nửa dân số thế giới sẽ phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu nước của mình, bà Harris nêu trong bài phát biểu.

Nguồn cung cấp nước hạn chế cũng là một thách thức ngày càng lớn trên khắp miền Tây nước Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng kể từ năm 2000 cho đến nay, miền Tây đang chứng kiến 22 năm khô hạn nhất trong lịch sử 1.200 năm trở lại đây.

Kế hoạch mới nhất của Nhà Trắng dựa trên các khoản đầu tư khác của Đảng Dân chủ vào cơ sở hạ tầng cấp nước ở Mỹ, trong đó bao gồm một khoản 63 tỷ USD nhằm thay thế các ống dẫn nước bằng chì, cải thiện chất lượng nước uống và hỗ trợ khả năng chống chịu hạn hán.
 

Tác giả: Quỳnh Anh (dịch và tổng hợp)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1