Hơn cả một thương hiệu

Đó là “Nước Phần Lan”. Chắc chắn thương hiệu “Nước Phần Lan” từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam và đã như một khái niệm, được người dân Việt Nam định nghĩa là “Nước sạch, đảm bảo chất lượng do chính phủ Phần Lan tài trợ”.
 

“Nước Phần Lan” đã khẳng định được thương hiệu của mình trong lĩnh vực nước sạch của Việt Nam và nhất là trong lòng người dân Việt. Chính phủ, người dân cùng các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Phần Lan với những kết quả thiết thực mà các chương trình, dự án mang lại cho họ. Và còn hơn thế nữa, thành công của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực cấp thoát nước, VSMT đô thị qua hơn  45 năm là một trong những thành quả cao nhất của tình hợp tác hữa nghị Việt Nam - Phần Lan trong suốt hơn 4 thập kỷ qua. 

Ông Cao Lại Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam từng nhấn mạnh: “Đối với Việt Nam, sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan không chỉ là những đồng vốn, những hỗ trợ kỹ thuật khi Việt Nam còn khó khăn trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau. Chúng tôi thực sự xúc động khi những tình cảm đó không chỉ đến từ Chính phủ Phần Lan mà còn thể hiện thông qua những hình ảnh, những ấn tượng tốt đẹp về sự tận tụy, hết lòng vì công việc của các chuyên gia Phần Lan. Việt Nam trân trọng sự hỗ trợ của Phần Lan và bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Phần Lan về sự hỗ trợ hào hiệp, có hiệu quả cho ngành Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Việt Nam.”
 


Ông Cao Lại Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại Lễ ký kết dự án giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Diễn đàn ngành nước Phần Lan (FWWF)

Là một trong số ít các nhà tài trợ ODA sớm nhất cho Việt Nam, Cộng hòa Phần Lan đã đồng hành cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong suốt 45 năm qua với những đóng góp tích cực cho những thành tựu phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới. Ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị là lĩnh vực ưu tiên trong chính sách thu hút, quản lý và sử dụng ODA của Việt Nam và cũng là lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Phần Lan trong những năm qua để giúp cải thiện đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu giữa những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Phần Lan là nhà tài trợ đi tiên phong giúp Việt Nam cải thiện cấp nước ở các đô thị lớn thì đầu những năm 2000 của Thế kỷ này, Phần Lan lại là nhà tài trợ đầu tiên giúp cải thiện tình hình cấp nước và thoát nước ở các thị trấn của Việt Nam. Viện trợ phát triển của Phần Lan cho ngành Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của Việt Nam đặc biệt mang tính nhân văn sâu sắc, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính sách, phát triển thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng nhiều cơ sở cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trên cả ba miền Việt Nam, tại các tỉnh đồng bằng cũng như miền núi nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Sự hỗ trợ này đã gióp phần chuyển ngành cấp thoát nước và vệ sinh của Việt Nam từ một lĩnh vực công, hoạt động dựa trên bao cấp của ngân sách nhà nước trở thành một ngành sản xuất kinh doanh dựa trên nguyên tắc thị trường lấy thu bù chi để duy trì sự bền vững và có điều kiện đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

ODA của Phần Lan tác động đã làm thay đổi tư duy về quản lý, sản xuất và cung cấp dịch vụ cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị đối với các chủ thể có liên quan đến lĩnh vực này như: bộ Xây dựng được thụ hưởng hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chính sách, như: Chính sách giá nước quốc gia, Chương trình chống thất thoát nước quốc gia… phát triển thể chế để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành, điển hình là Nghị định 117 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Luật về Quy hoạch đô thị. Chính quyền các đô thị được hỗ trợ xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của địa phương mình. 
 

Các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, cung cấp dịch vụ thoát nước và vệ sinh môi trường của Việt Nam cũng được thụ hưởng sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án mà Phần Lan hỗ trợ triển khai để cải cách tổ chức và quản lý công ty đáp ứng những yêu cầu khi chuyển sang thị trường (Xây dựng kế hoạch phát triển của công ty; Tăng cường năng lực cán bộ; Cải thiện quản lý tài chính doanh nghiệp; Lập hóa đơn chi tiền… và đầu tư cải tạo xây dựng mới các nhà máy cấp nước sạch, các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cũng như các hệ thống quản lý doanh nghiệp hiện đại dựa trên công nghệ thông tin như: hệ thống MIS, hệ thống theo dõi lưu lượng và áp lực từ xa và hệ thống quản lý mạng lưới và khách hàng BARS…); Xây dựng một số mô hình thí điểm kinh doanh nước sạch theo hướng xã hội hóa mới như mô hình; Thiết kế - xây dựng - cho thuê (DBL) hoặc mô hình công tư hợp tác. 

Đối với người tiêu dùng cũng dần thay đổi nhận thức trong quá trình chuyển từ chế độ khoán sử dụng nước sang chế độ phải trả tiền theo đồng hồ về số lượng sử dụng nước sạch, góp phần tiết kiệm nguồn nước và nâng cao trách nhiệm của người dân đối với việc sử dụng nước.

Phần Lan còn hỗ trợ thí điểm các mô hình xã hội hóa cao các dịch vụ cấp thoát nước và vệ sinh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hoạt động của các mô hình thí điểm ở thị trấn An Lão (mô hình Công ty Cổ phần) và mô hình ở thị trấn Minh Đức (mô hình Thiết kế - Xây dựng – Thuê vận hành) đã đạt được các kết quả khả quan: Công ty kinh doanh có lãi, thực hiện được nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, hoàn trả được vốn vay ngân hàng, cung cấp liên tục nước với chất lượng cao cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Các mô hình thí điểm này phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và giới doanh nghiệp tư nhân, cần được đánh giá, tổng kết kinh nghiệm để phổ biến và áp dụng rộng rãi trong cả nước. 

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Bắc Cạn đã phát biểu trong một báo cáo về Chương trình nước và vệ sinh của tỉnh có sự hỗ trợ của Phần Lan: “Trong việc quản lý và thực hiện chương trình, Công ty Cấp thoát nước Bắc Cạn đã nâng cao được năng lực quản lý và học hỏi nhiều kinh nghiệm của các chuyên gia trong quá trình triển khai các dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường”.

Những kết quả chung nêu trên đã mang lại thành công cho sự hỗ trợ của Phần Lan đối với ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Việt Nam, đạt được những mục tiêu đề ra nhằm cải thiện cung cấp nước sạch chất lượng cao và dịch vụ vệ sinh cho nhân dân, nhất là người nghèo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh được thụ hưởng các dự án. 

Người dân của các thành phố, các thị trấn vùng dự án đánh giá cao chất lượng nước và giá nước chấp nhận được. Kết quả khảo sát của Tư vấn kỹ thuật cho thấy đa phần người dân vùng dự án hài lòng với những kết quả của dự án, dịch vụ nước do Phần Lan tài trợ. Các dự án cấp nước do Phần Lan tài trợ, đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân của Việt Nam.

Mơ ước đơn sơ của người dân Hải Phòng trước đây mong sao nước máy “bò” lên mặt đất nay đã thành hiện thực. Hơn thế nữa nước sạch đã “vươn tới” tận các khu dân nghèo, “leo” lên các tòa nhà cao tầng và trong thành phố không còn các họng nước công cộng với hàng dãy xô, chậu chờ hứng nước sinh hoạt hàng ngày.

Cụ Trương Đăng Hỏa, 85 tuổi, cán bộ hưu trí trú tại 274, Lý Bôn, TP. Thái Bình vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua thời kỳ khan hiếm nước, rất khó khăn, vất vả, nay nước đã đầy đủ, chất lượng tốt, cung cấp ổn định. Cảm ơn Chính Phủ và cảm ơn Phần Lan rất nhiều”.
 


Vị trí Đường nước Phần Lan tại Hà Nội trên bản đồ Google map

Để tri ân sự hỗ trợ quý báu của Phần Lan, người dân Hà Nội ngày trước vẫn quen gọi nước sạch là “Nước Phần Lan”, chính quyền thành phố còn đặt tên cho một đường phố ở Phường Tứ Liên, Quận Hồ Tây của Hà Nội là “Đường nước Phần Lan”. Dẫu biết rằng hiện nay ở Hà Nội có nhiều nhà tài trợ giúp xây dựng các nhà máy nước sạch như WB, ADB, Nhật Bản… song nước sạch với sự hỗ trợ của Phần Lan đã trở thành một “thương hiệu” trong lòng cư dân thành phố Hà Nội và nhiều vùng khác trong cả nước.

Tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Phần Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực Nước sạch và Vệ sinh môi trường, từ ngày 1/1/2017, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Diễn đàn ngành nước Phần Lan đã cùng nhau triển khai một Dự án hợp tác có tên Dự án “Phát triển Ngành nước và Vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới” do Bộ ngoại giao Phần Lan tài trợ. Dự án được thực hiện nhằm nâng cao năng lực của VWSA và các đơn vị doanh nghiệp thành viên. Dự án sẽ kéo dài trong 3 năm và kết thúc vào 31.12.2019. Phần lớn hoạt động của dự án diễn ra tại Việt Nam với tổng ngân sách  là 454,118.00 EURO. 
 

Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Phần Lan (1973-2018), Hội Cấp thoát nước Việt Nam xin gửi lời trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính Phủ Phần Lan, Bộ Ngoại giao Phần Lan, cảm ơn sự hợp tác có hiệu quả của Diễn đàn ngành nước Phần Lan. Chúc cho Dự án "Phát triển Ngành nước và Vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới" giữa VWSA và FWF sẽ thành công tốt đẹp.

Tác giả bài viết: Hà Thắm
Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1