Tham dự Hội thảo có các Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Thiền, Hạ Thanh Hằng và đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương; doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, nhà khoa học…
Nhiều quy định chồng chéo
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cấp nước và thoát nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu của cuộc sống con người. Ngoài ra, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đều có liên quan đến vấn đề sử dụng tài nguyên nước.
Nước thải là sản phẩm được thải từ các hộ thoát nước sau khi sử dụng. Trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh... nếu xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm.
Do đó, việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra cần phải có chế tài cụ thể để tổ chức thực hiện và xử lý các vi phạm; đảm bảo chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người.
Thứ trưởng cho biết, trong các nội dung của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam, liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan/đơn vị trong quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước, thoát nước.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đồng bộ, thống nhất để có đủ tính pháp lý, chế tài nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm việc cấp nước, thoát nước ổn định, bền vững.
Đứng trước thực trang cần thiết trong việc quản lý cấp nước, thoát nước nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Hồ sơ được Bộ Tư pháp thẩm định tại Văn bản số 215/BCTĐ-BTP ngày 20/10/2023, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra và đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025 trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Thứ trưởng đánh giá, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc nghiên cứu và lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Song, việc xây dựng văn bản pháp luật này cũng gặp nhiều khó khăn do lần đầu được soạn thảo.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn có được sự ủng hộ, tham gia ý kiến tích cực của các đại biểu trong việc tập trung góp ý xem dự thảo Luật đã thể hiện rõ, đó là: 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua hay chưa; đã giải quyết được các tồn tại, hạn chế, khó khăn của lĩnh vực cấp, thoát nước; sự đồng bộ, thống nhất với các pháp luật hiện hành, đã đảm bảo tính thực thi, tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật…
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Cấp Thoát nước
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh, dự thảo Luật Cấp Thoát nước bao gồm 8 Chương, 68 Điều trên cơ sở 3 chính sách: Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều nhận định thiết thực, nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước. Trong đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích, làm rõ hơn một số thuật ngữ chuyên ngành; cần thống nhất giữa Luật Cấp, thoát nước với Luật Bảo vệ môi trường về một số quy định liên quan đến quản lý bùn thải thoát nước; quy định rõ hơn về các điểm kết nối cung cấp nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy…
Ngoài ra, cần chú trọng đơn giản hóa thủ tục đấu thầu; cần quy định tiêu chí kinh nghiệm, chuyên môn chuyên ngành của lãnh đạo đơn vị quản lý vận hành doanh nghiệp cấp thoát nước; cần quy định thời gian tối thiểu việc đưa công trình vào sử dụng kể từ khi hoàn thành, vì việc bàn giao trên thực tế thường diễn ra trong thời gian dài; cần xây dựng hợp đồng mẫu PPP trong lĩnh vực cấp thoát nước; chú trọng cách tiếp cận nguồn nước theo lưu vực sông; quản lý bền vững tài nguyên nước, chú trọng tái sử dụng nước thải; quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước…
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn gửi lời cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp Ban soạn thảo từng bước hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để hoàn thành dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch…
Khiêm Anh