DỰ THẢO LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG

 

Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về Cấp Thoát nước(CTN) đã tồn tại gần hai thập kỷ, để lại nhiều khoảng trống so với thực tiễn. Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất Dự thảo Luật CTN với kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Nước và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững của xã hội.

 

Hội thảo Dự thảo Luật Cấp Thoát nước trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023

Hội thảo Dự thảo Luật Cấp Thoát nước trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến

Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2023, sáng 29/9/2023, Hội Cấp Thoát nước (CTN) Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Tham dự có Chủ tịch Hội CTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp; Bộ Trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Campuchia Ek Sonnchan; Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh; đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Kế hoạch đầu tư (KHĐT), Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), … và các tổ chức quốc tế cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội CTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội CTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật Cấp Thoát Nước. Bộ đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các tổ chức Quốc tế và Hội CTN Việt Nam để lấy ý kiến, đóng góp trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật.

Trên cơ sở đó, Hội CTN Việt nam với vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của các đơn vị hội viên là các Doanh nghiệp ngành Nước - một trong những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Luật CTN - đã tích cực, chủ động tham gia và tư vấn kỹ thuật trong quá trình xây dựng Luật.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ: "Hội đã triển khai những hoạt động cụ thể gắn với xây dựng Luật như tổ chức 02 Hội thảo về chủ đề Luật CTN Việt Nam với sự tham gia, phối hợp của Cục Hạ Tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cùng các tổ chức Quốc tế tại Quảng Ninh vào tháng 4/2023 và Hội Nước Quốc tế (IWA) vào tháng 7/2023 qua hình thức trực tuyến. Diễn giả tại các hội thảo là các chuyên gia về thể chế có kinh nghiệm trong việc xây dựng Luật trong nước và ngoài nước. Tiếp nối các hoạt động trước đó, Hội CTN Việt Nam dành phần lớn thời lượng tại sự kiện Vietnam Water Week 2023 để tổ chức hội thảo quốc tế lấy ý kiến, đóng góp xây dựng Luật.  

Ông Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh: "Hội thảo: Dự thảo Luật CTN tại Vietnam Water Week 2023 là buổi hội thảo quốc tế đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng đại diện đến từ các Bộ ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ KHĐT, Bộ TNMT, Bộ Y tế,… và đặc biệt là có sự đóng góp ý kiến của các nhà tài trợ lớn cho ngành Nước Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
 

XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu

Thông tin thêm về việc lấy ý kiến dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh cho biết, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CTN.

Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về các nội dung tại hồ sơ dự thảo đề nghị xây dựng Luật tại ba miền. "Hiện nay đã tổng hợp gần 200 ý kiến đóng góp trực tiếp và 170 phiếu tham vấn (đề xuất chính sách trong Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CTN) của đại biểu từ các Bộ, ngành, UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT địa phương, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn, các hội, chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các tổ chức quốc tế", ông Tạ Quang Vinh phát biểu.

Đồng thời, ông Tạ Quang Vinh bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo tại Vietnam Water Week 2023, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật có thể tiếp thu thêm nhiều ý kiến xác đáng.

"Hội thảo này có ý nghĩa rất lớn trong việc tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Quý vị đại biểu trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo hồ sơ; đề nghị xây dựng Luật CTN", ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Dự thảo Luật sẽ có nhiều điểm mới

Cũng theo ông Tạ Quang Vinh, hệ thống pháp luật ở nước ta đã được đồng bộ hóa trong những năm qua như Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai,… Toàn bộ các bộ Luật này đã được sửa đổi để phù hợp với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số tại Việt Nam. Song, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về CTN ban hành cách đây gần hai mươi năm.

"Chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng Luật chuyên ngành dành riêng cho CTN, để thể chế hóa song hành với hệ thống pháp luật hiện nay và tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp ngành Nước", ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Thông tin thêm, ông Tạ Quang Vinh chia sẻ: "Cơ bản dự thảo Luật có 4 chương, 79 điều, 4 chính sách, 2 thủ tục hành chính. Điểm mới trong dự thảo Luật là việc bất kỳ người dân Việt Nam nào sinh sống tại lãnh thổ Việt Nam đều phải trả tiền khi sử dụng và xả thải nước ra môi trường". 

XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng quản lý Cấp nước, Cục HTKT (Bộ Xây dựng) phát biểu

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng quản lý Cấp nước, Cục HTKT (Bộ Xây dựng) đã trình bày tham luận về những điểm mới trong dự thảo Luật CTN so với các văn bản QPPL trước đó. Đáng chú ý là việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác chuyên ngành, công tác đầu tư xây dựng quản lý vận hành, quản lý chất lượng dịch vụ và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động CTN.

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: "Liên quan tới vấn đề tổ chức quản lý CTN, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về điều tra cơ bản. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất 5 năm kiểm tra một lần để tạo cơ sở cho công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển đặc biệt là lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải".

XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG - Ảnh 4.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KHĐT phát biểu

Bên cạnh đại diện Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì soạn thảo luật, các Bộ ban ngành liên quan cũng có những đóng góp ý kiến thiết thực. Trong đó, đại diện Bộ KHĐT, Bà Vũ Quỳnh Lê chia sẻ: "Xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước không chỉ là nhiệm vụ được giao cho một bộ ngành cụ thể mà cần có sự phối hợp của nhiều bộ ban ngành liên quan như Bộ KHĐT, Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế,…".

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 9 tỷ USD. Trong đó, 1,3 tỷ USD dành cho cấp nước đô thị và nông thôn; 6,6 tỷ USD dành cho xử lý nước thải và 0,8 tỷ USD dành cho thiết bị vệ sinh hộ gia đình. Do đó, sự tham gia của khu vực tư nhân (PSP) sẽ là đòn bẩy giải quyết trình trạng khan hiếm nước, tăng nguồn thu bổ sung cho ngành nước và thu hẹp khoảng trống tài trợ.

XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC: NGƯỜI DÂN SẼ PHẢI TRẢ PHÍ KHI SỬ DỤNG VÀ XẢ THẢI NƯỚC RA MÔI TRƯỜNG - Ảnh 5.

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc PwC, đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc PwC, đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh "Luật CTN cần xem xét hai khái niệm "chu trình nước" và "tính tuần hoàn của nước", cân nhắc quá trình cấp thoát nước như một chuỗi giá trị tuần hoàn, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực CTN, đảm bảo an ninh nguồn nước".

Đồng thuận với quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Việt Anh cho biết: "Nguồn lực dành cho thoát nước và xử lý nước thải đang bị xé nhỏ. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về chuỗi giá trị và chuỗi giá trị đó cần phải thể hiện rõ ràng qua luật. Nếu chúng ta coi nước thải là một nguồn tài nguyên thì nhiều lợi ích sẽ được sinh ra và mang tới lợi ích cho cộng đồng".

Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp

Khép lại hội thảo, gần 20 ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức Quốc tế đã góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề trong xây dựng dự thảo Luật CTN. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ.  

Chung Anh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1