Thoát nước ở Đà Nẵng trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn tới sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết ngày một cực đoan.
 

Năm năm trở lại, trừ đợt ngập khắp Đà Nẵng do mưa lớn đầu tháng 4/2022, các lần ngập lụt từ 2018 đến 2021 đều rơi vào những tháng cuối năm tại thành phố du lịch nhiều năm nằm trong danh sách các điểm đến có bãi biển đẹp nhất khu vực hay châu lục.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn tới sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết ngày một cực đoan. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.

Thoát nước ở Đà Nẵng trong ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, gần 3.000 đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp các tỉnh ven biển. Những vùng này hằng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. BĐKH làm trầm trọng hơn trình trạng nói trên, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. 

Tại Đà Nẵng nói riêng, tình trạng nước biển dâng ngày càng phức tạp, nhiệt độ không khí trung bình tăng đáng kể, biến đổi tốc độ gió cao và hàng năm có một đến hai cơn bão hoặc áp thấp có gió mạnh ảnh hưởng đến thành phố, báo Công An Nhân Dân Đà Nẵng đưa tin hồi tháng 11/2021.

Những trận mưa lớn kết hợp với triều cường do BĐKH đã khiến hệ thống thoát nước của Đà Nẵng quá tải, và đòi hỏi phải có các biện pháp chống ngập hiệu quả đã được xới lên từ nhiều năm trước song ít mang lại chuyển biến, theo một tổng hợp từ báo Đà Nẵng tháng 4 năm 2022 và báo Tài nguyên và Môi trường tháng 12/2018.

Trong khi đó, đường đi của những cơn bão gần đây rất khó dự đoán và trung bình mỗi năm Đà Nẵng có 3 trận lũ xảy ra trên các đoạn sông.

Những năm gần đây, bờ biển suốt chiều dài 40 km từ Đà Nẵng về Hội An thuộc Quảng Nam bị xâm thực nhiều hơn bởi nước biển dâng, đặt các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển vào tình thế rủi ro. Nhiều bãi biển đã phải chăng dây ngừng phục vụ du khách.

Mặt khác, do nằm ở hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn, Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất do tác động của ngập lụt.

Giải pháp thoát nước

Đà Nẵng cần tiếp cận quan điểm thoát nước bền vững - thoát nước chậm - bằng cách bám sát địa hình tự nhiên để chọn năng lực thoát nước phù hợp, không chọn giá trị cực đại, bài đăng báo Đà Nẵng tháng 4/2022 dẫn ý kiến của các chuyên gia ở Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Nhóm tác giả ở Hội Xây dựng thành phố đề xuất, trong công tác quy hoạch, cần mở rộng hành lang thoát lũ, thêm hồ điều tiết để tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảng xanh đô thị để tăng hệ số thấm nước, giảm lưu lượng dòng chảy và tạo cảnh quan đô thị; tính toán hệ thống thoát nước, lựa chọn cao độ nền xét đến yếu tố BĐKH và mực nước biển dâng.

Đề xuất còn bao gồm việc xây dựng quy trình vận hành hồ điều tiết, giải tỏa các khu vực dân cư có cao độ quá thấp. 

Thoát nước ở Đà Nẵng trong ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Các ý kiến là phần mở rộng và cập nhật bản “Kế hoạch hành động về ứng phó BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt ngày 28/7/2021. 

Theo nội dung đăng ngày 29/7/2021 tại trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, bản kế hoạch nêu ba nhóm giải pháp ứng phó với BĐKH: thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ ứng phó.   

Ở nhóm giải pháp thích ứng, trong lĩnh vực quy hoạch và đô thị, kế hoạch nhấn mạnh phải “Đề xuất cốt nền và mật độ xây dựng phù hợp; kết cấu và kiến trúc công trình phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu chống chịu được gió, bão, lũ có cường độ lớn đối với các dự án phát triển đô thị tại khu vực thấp, trũng, ven biển có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Các điểm khác liên quan đến việc thoát nước còn bao gồm “tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế thay đổi địa hình, nghiêm cấm việc tự ý đào núi, ngăn, lấp hoặc thay đổi các dòng chảy tự nhiên của sông, suối; Điều chỉnh hệ thống thoát nước trong các khu dân cư, khu đô thị để đảm bảo ứng phó với thoát nước khi có mưa lũ lớn xảy ra”.

Các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật: Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét các vùng sông, hồ, đầm; hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống thoát nước thải, kênh tiêu thoát nước.

Ngoài ra, cần hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị: Hình thành các hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị; xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại, quy mô lớn.

Thoát nước ở Đà Nẵng trong ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Tháng 7 năm 2022 Tạp chí Travel + Leisure Southeast Asia công bố giải thưởng Asia&;s Best Award 2022, đặt Đà Nẵng là 1 trong 10 thành phố điểm đến tuyệt vời nhất ở Đông Nam Á, bên cạnh hai điểm nữa của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.  

Để giữ vững danh hiệu này, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch đồng thời đảm bảo cuộc sống và an toàn cho người dân địa phương khi hiện tượng thời tiết cực đoan xảy đến ngày càng nhiều, sự phối hợp giữa các lực lượng theo kịch bản hành động và ứng phó sẽ quyết định thành công hay thất bại của con người trước thiên nhiên.

Tác giả: Nam Phương

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1