Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Hệ thống công nghệ của mỗi đô thị thông minh cần đáp ứng ba tiêu chí: Giảm tài nguyên đầu vào; Cải thiện cuộc sống cư dân và tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
 
Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cụm từ “đô thị thông minh” bắt đầu xâm chiếm trí tưởng tượng của thế giới từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi xe ô tô bay hay điện thoại thông minh mới chỉ xuất hiện trong phim ảnh.

Từ đó, nhiều quốc gia đã đưa ý tưởng táo bạo này vào hiện thực, điển hình là Barcelona (Tây Ban Nha) và Seoul (Hàn Quốc). Trong bối cảnh gia tăng dân số và nóng lên toàn cầu, khái niệm đô thị thông minh đã trở thành kim chỉ nam cho một Trái Đất xanh và thực sự bền vững. 

Tại Việt Nam, đô thị thông minh đầu tiên được nhà nước thí điểm quy hoạch tại thành phố Hà Nội. Nhận định này do nhóm chuyên gia nước ngoài làm việc cùng Bộ Xây dựng Việt Nam chia sẻ trong tạp chí L&;Espace Géographique hồi năm 2018.

Để làm rõ nhận định trên, nhóm chuyên gia đã liệt kê một số quyết định và chính sách quan trọng giúp định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Trong đó, có Quyết định số 1259/QĐ-TTg về Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng chính phủ ký duyệt năm 2011.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, bao gồm khu vực nội đô và 5 đô thị vệ tinh. 

Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một hoặc nhiều chức năng đặc thù để chia sẻ, hỗ trợ trung tâm về nhà ở, đào tạo nhân lực, công nghiệp, dịch vụ...Trong đó Hòa Lạc là đô thị khoa học, tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam. 

Còn tại khu vực đô thị trung tâm, bao gồm địa phận thủ đô lịch sử, Hà Nội sẽ mở rộng phát triển các quận huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên. Đặc biệt, khu đô thị thông minh Đông Anh, nằm trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài, sẽ phát triển thương mại giao dịch quốc tế và công nghiệp kỹ thuật cao. 

Khi đã có những mục tiêu xây dựng đô thị thông minh cụ thể, việc xác định khái niệm, tiêu chí xây dựng và đánh giá chúng cũng dần được hoàn thiện. Năm 2019, 8 năm sau khi Quyết định số 1259/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rõ định nghĩa về đô thị thông minh bền vững trong Quy định 829/QĐ-BTTTT về khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh:

Đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hà Nội và những dự án “thông minh” còn dang dở 

 

Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 định hướng xây dựng hai khu đô thị thông minh. Khu công nghệ cao Hòa Lạc khởi công xây dựng năm 2017 với quy mô 1.568 ha và vốn đầu tư giai đoạn đầu ở mức 300 triệu đô la Mỹ. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bao gồm khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Mua sắm cấp vùng, Đô thị vệ tinh Hòa Lạc. 

Đến năm 2020, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị đã hoàn thành, cổng thông tin Hoa Lac Hi-Tech Park thông báo. Tháng 5 năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo chuyển trụ sở làm việc về Hoà Lạc.   

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác phát triển Thành phố Thông Minh Đông Anh với hai tập đoàn lớn BRG và Sumitomo vào năm 2017. Dự án có tổng vốn đầu tư vào khoảng 4,2 tỷ đô la Mỹ trên diện tích đất 272 ha.

Trái ngược với khu đô thị Hòa Lạc, dự án thành phố thông minh Đông Anh hiện vẫn chưa có kế hoạch xây dựng, đại diện tập đoàn Sumitomo chia sẻ với Tạp chí Cấp Thoát nước hồi tháng 7 vừa rồi. 

Một hướng tiếp cận khác 

 

Nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện các dự án cũ và đầu tư xây dựng các dự án đô thị thông minh mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 950/QĐ-ttg phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030 hồi tháng 8 năm 2018. Đề án bao gồm kế hoạch hành động chi tiết, các nhóm nhiệm vụ chính và những khung chính sách, tiêu chuẩn cần được hoàn thiện. 

Tìm hiểu kỹ hơn về một trong những dự án đô thị thông minh đang được thực hiện gần thủ đô Hà Nội, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã trao đổi với ông Mads Werner, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghệ Ecotek, đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm triển khai giải pháp đô thị thông minh, về góc nhìn, quan điểm và kiến thức chuyên môn của ông về đô thị thông minh tại Việt Nam. 

Ông Werner cho rằng, hệ thống công nghệ của mỗi đô thị thông minh cần được cải tiến liên tục để đáp ứng ba tiêu chí cốt lõi: Giảm thiểu tài nguyên đầu vào; Cải thiện chất lượng cuộc sống cư dân, và tăng cường tính cạnh tranh cho nền kinh tế khu vực.

Những tiêu chí trên làm nên nền tảng chiến lược vận hành đô thị thông minh City OS và là nòng cốt cho những công nghệ Ecotek phát triển và áp dụng tại Khu đô thị Ecopark, thành phố Hưng Yên. 

Hệ điều hành đô thị City OS được kiến tạo dựa trên một nhận thức rõ ràng về những điểm yếu của các đô thị thông minh trước đây. Trong quá khứ, các giải pháp công nghệ thông tin từ bên thứ ba thiếu khả năng tích hợp và kết nối với cơ sở hạ tầng ICT sẵn có của đô thị. Do đó, nhà quản lý và cư dân đô thị thường không thể tiếp cận được hết những tiện ích mà thành phố công nghệ của họ mang lại. 

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam - Ảnh 3.

Nhằm khắc phục điều này, Hệ điều hành Đô thị City OS sẽ tập hợp các hệ thống cốt lõi thiết yếu được kết nối với nhau để kiểm soát và quản lý các luồng dữ liệu từ các ứng dụng Ecotek cung cấp và tích hợp với bên thứ ba. Đây chính là bộ xương sống của thành phố thông minh Ecopark. 

Ngày 30/01/2019, Bộ Xây dựng có công văn đồng thuận đề xuất chọn Ecopark với Ecotek là là đơn vị triển khai thí điểm Khu đô thị thông minh tại Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh lý tưởng dành cho cư dân tại nơi đây, các bên liên quan đang làm việc để đề xuất bộ khung tiêu chuẩn đánh giá đô thị thông minh bền vững, từ đó bổ sung và hoàn thiện chiến lược phát triển đô thị thông minh.

“Chúng tôi tin rằng việc xây dựng đô thị thông minh không phải do chỉ riêng một tổ chức đảm nhiệm. Về lâu về dài, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của các đối tác từ khắp nơi trên thế giới, chia sẻ bí quyết, chuyên môn của họ, kết hợp với hiểu biết và kiến thức của chúng tôi về địa phương”, ông Werner chia sẻ. 

Sắp tới, Ecotek sẽ hợp tác cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ thống quản lý tài nguyên nước ở Ecopark, phát huy tiềm năng ao và hồ sẵn có tại đây.

Tác giả: Ngọc Anh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1