Ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Việt Nam hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người, một quan chức Chính phủ nói.
 
Ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh 1.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao, và khi không tuân thủ nguyên tắc về chủng loại, thời gian, liều lượng thuốc và cách làm sẽ còn ảnh hưởng đến cả chất lượng nông sản, bản tin trên trang web của Quốc hội dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nói ngày 7/6/2022.

Nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ, theo số liệu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam năm 2020.

Khả năng hấp thụ cho cây trồng không cao, nên lượng phân bón tồn dư trong đất rất lớn. Chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu cây trồng làm tăng nguy cơ dịch bệnh, từ đó phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. 

Chi phí phân bón chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất, nên hàng năm lãng phí khoảng 130 triệu USD do thải ra môi trường (đất, nước, không khí) từ 865.000 tấn tồn dư của phân bón hóa học mà cây trồng không hấp thu được. 

Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính tác động xấu đến môi trường. 

Nguồn nước bị ảnh hưởng

Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đa số các hệ thống sông cấp nước cho trồng trọt và trên hệ thống lưu vực đều có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ, vi sinh vật cao. 

Một số thành phần hóa học có tính linh động trong phân bón dễ bị rửa trôi từ đất vào nước, làm ô nhiễm các thủy vực, mạch nước ngầm. Cụ thể, các chất nitơ, lưu huỳnh, kali, thường có nhiều trong phân bón vô cơ, sẽ khiến lưu vực đó bị phì dưỡng, nước ngầm bị ô nhiễm và chứa các kim loại nặng

Ngoài ra, phân bón còn có các loại hóa chất cải tạo đất như vôi, thạch cao, hợp chất lưu huỳnh,.. làm tăng độ mặn, độ cứng nguồn nước.

Không chỉ vậy, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sau sử dụng còn khá phổ biến; thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định cũng góp phần gây ô nhiễm nước, không khí và hệ sinh thái.

Các giải pháp an toàn

Nguồn nước sạch không phải là tài nguyên vô hạn. Điều này đã được chính con người thừa nhận từ lâu. Tình trạng xâm nhập mặn, sa mạc hóa và tàn phá rừng khiến nước sạch trong tương lai sẽ trở nên khan hiếm. Nhu cầu nước vẫn đang tăng cùng dân số thế giới sẽ khiến ngành nông nghiệp phải chuyển đổi phương thức thủy lợi. 

Con số thực tế về lượng nước sạch sử dụng trong nông nghiệp năm 2017 đã vượt mức 70% tổng tiêu thụ toàn cầu, đòi hỏi ta phải có một giải pháp tiết kiệm nước phù hợp trong mọi hoàn cảnh sản xuất nông nghiệp.

Ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh 2.

Hệ thống tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước tưới trực tiếp cho rễ cây trồng, giảm thiểu khả năng nước bị bốc hơi một phần. Đây là vấn đề thường gặp của hệ thống tưới phun mưa khi mà lượng nước thất thoát do bốc hơi có thể lên tới 30%. 

Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hợp lý cho nông trang có thể tiết kiệm lên tới 80% lượng nước tưới tiêu khi so với các phương pháp khác. Ngoài ra, hệ thống tưới nhỏ giọt đã được chứng minh là có khả năng tăng năng suất cho cây trồng nhờ việc kích thích bộ rễ của cây lan tỏa đều trong lòng đất và lấy được nhiều dinh dưỡng hơn. 

Hệ thống tưới nhỏ giọt hiện nay đã được nhiều hộ nông dân ở Việt Nam áp dụng triển khai đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sử dụng phân hữu cơ

Các loại phân hữu cơ như chất thải động vật đã ủ, hỗn hợp vỏ hạt, mùn cưa, lá cây và cành cây khô đã được chứng minh khả năng cải thiện dinh dưỡng trong đất và tăng khả năng giữ nước. 

Vỏ hạt khi bao phủ lên bề mặt đất trồng sẽ duy trì độ ẩm trong khoảng thời gian lâu hơn. Mùn cưa khi kết hợp với đất có tỉ lệ cát cao sẽ giảm mức độ thẩm thấu của nước xuống tầng đất sâu hơn. Phân và các hỗn hợp hữu cơ thường không hay bán như phân vô cơ, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị. 

Lên kế hoạch tưới tiêu

Kiểm soát nước tưới cho cây trồng bước đầu có thể hiểu là kiểm soát lượng nước tưới. Thế nhưng trong nông nghiệp hiện đại, kiểm soát nước tưới còn mang tính quyết định thời gian tưới, khi nào, bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu. 

Để tránh việc tưới nước quá nhiều, nông dân phải nhờ sự trợ giúp của các trạm dự báo thời tiết, thu thập dữ liệu liên quan đến độ mặn, phèn, độ ẩm đất và không khí. Các trạm quan trắc hiện đại ngày nay cũng có thể kết nối với các thiết bị điện tử cầm tay qua bộ thu phát không dây hỗ trợ nông dân kịp thời điều chỉnh tưới tiêu cho thích hợp.

Ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh 3.

Nuôi trồng thủy sản sạch

Thực hiện hướng dẫn quy trình nuôi trồng thủy sản nghiêm túc, đặc biệt là quy trình chuẩn bị ao nuôi. Xét nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Thời điểm độ mặn của nước xuống thấp không nên cấp nước trực tiếp vào ao nuôi và không nên thả nuôi mới. Đồng thời tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, hóa chất, thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. 

Mô hình chăn nuôi an toàn

Thường xuyên phối hợp với địa phương để đánh giá hiện trạng, tác động ô nhiễm môi trường nhằm đưa ra các biện pháp xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm. 

Người dân nên đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas nhằm giảm mùi hôi, diệt khuẩn có hại, xử lý chất thải chăn nuôi. Đặc biệt tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tác giả: Đông Phương

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1