Hà Nội xử lý chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường

Nhiều phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi đã được áp dụng tại Hà Nội nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tiến tới phát triển bền vững, báo Hà Nội Mới đưa tin.

Ngành chăn nuôi của Hà Nội, với khoảng 38 triệu gia cầm, gần 1,5 triệu con lợn, hơn 163.000 con trâu, bò, trung bình mỗi năm thải ra môi trường hơn 3 triệu tấn chất thải rắn, chỉ riêng chăn nuôi lợn thải ra khoảng 422 triệu lít nước thải; hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn chất thải, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, báo Hà Nội Mới dẫn số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay.

“Không những thế, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của Hà Nội vẫn cao (chiếm 60%) nên việc xử lý ô nhiễm môi trường của trang trại chưa đúng quy trình; trên 50% chất thải chăn nuôi tại các hộ nuôi nhỏ lẻ không qua xử lý đang xả thải thẳng ra môi trường”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn nói với báo Hà Nội Mới.

Giảm phát thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường - Ảnh 1.
Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh. (Nguồn: Đỗ Tâm)
 

Nhiều trang trại gần đây đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho biết, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt lợn hữu cơ.

Ngoài ra, các trang trại đã tận dụng chất thải để nuôi giun quế. Loài côn trùng này có thể làm thức ăn cho lợn, gia cầm... vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 41.000 hệ thống biogas theo chương trình sử dụng khí sinh học với công nghệ khác nhau như xây gạch và composite, 4 công trình xử lý công nghệ CDM sử dụng hệ thống bạt HDPE.

Hơn 70% cơ sở chăn nuôi đã sử dụng khí biogas phục vụ sinh hoạt, nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng cho tưới tiêu.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp tiếp với các địa phương triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Cùng với đó, sẽ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, như xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ dùng cho cây trồng.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1