Hà Nội thảo luận dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên

Sông Tô Lịch, một trong những con sông ô nhiễm nhất Hà Nội, có thể được cải tạo thành công viên và hệ thống hầm ngầm chống ngập, báo Hà Nội Mới đưa tin.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE Group), một công ty tư nhân của Việt Nam, đã trình bày dự án “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch” của công ty tại một hội thảo hôm 7/7.

Hội thảo do JVE Group phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ tổ chức.

Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch - Ảnh 1.
Hình ảnh tại hội nghị (Nguồn: báo Hà Nội Mới)

Các sông nội đô của Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét có vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước của thành phố, song hiện đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, và Hà Nội chưa có giải pháp khắc phục toàn diện, báo Hà Nội Mới dẫn lời phát biểu của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tại hội thảo.

Ngoài ra, vấn đề ngập lụt sau mưa lớn tại Hà Nội đã nổi lên trong những năm gần đây như là một trong những vấn đề khó giải quyết của Thủ đô do phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch được JVE Group đề xuất lần đầu vào trung tuần tháng 9/2020. Tới tháng 10/2021 đề xuất này đã đoạt Giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" của Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Dự án có tổng chiều dài 12,6 km dự kiến sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước nhằm cải tạo sông Tô Lịch thành một điểm đến có tính lịch sử, văn hóa, một công trình mang dấu ấn nghìn năm văn hiến Thăng Long gắn với lịch sử của Thủ đô và đất nước.

Dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (dưới sông), và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” (ở phía trên sông).

Kết thúc phần thảo luận của các đại biểu, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nói các ý kiến đóng góp sẽ giúp chỉnh sửa, xúc tiến đầu tư và hoàn thiện dự án trong tương lai gần.

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1