Nhiều mô hình sản xuất thích ứng với hạn, mặn

Tình tình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra khốc liệt. Nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống người dân gặp không ít khó khăn do bị thiếu nước sinh hoạt. Để thích ứng với tình trạng này, nông dân ở một số địa phương đã có những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều mô hình sản xuất thích ứng với hạn, mặn
Cấp nước sạch miễn phí cho người dân tại Sóc Trăng. Ảnh: XC
Hạn, mặn diễn ra khốc liệt

Bà Kim Thị Ánh Nguyệt (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) lo lắng vì năm nay hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt và sớm hơn những năm trước đây, khiến ao nuôi cá của gia đình bị thiếu nước nghiêm trọng. "Năm nay hạn đến sớm hơn so với mấy năm trước. Nhiều kênh ở khu vực chúng tôi ở cạn kiệt nước nên không sản xuất được lúa vụ 3. Nhà tôi có ao nuôi cá tra, cá trê, rô phi nhưng không có nước nên cá chết nhiều", bà Nguyệt nói.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến khoảng 2.160ha diện tích trồng lúa, tăng hơn 760ha so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Trong đó, khoảng 2.034ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 111ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70% và 15ha bị ảnh hưởng trên 70%. Tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và TP Sóc Trăng. Do diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, toàn tỉnh Sóc Trăng có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với hơn 26.500 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mùa khô năm nay, xâm nhập mặn được dự báo hết sức nghiêm trọng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp với từng vùng, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết. Những vùng có điều kiện sản xuất lúa khó khăn thì người dân cần chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt, khuyến cáo người dân mua dụng cụ chứa nước mưa để sử dụng vào mùa khô hạn.

Tại Trà Vinh, tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến gay gắt và phức tạp. Độ mặn trên 2 tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu đang ở mức cao. Số liệu quan trắc ngày 11/2 bên ngoài các cống chính, phía sông Cổ Chiên tại vàm Trà Vinh là 12,9‰, vàm Láng Thé 11,7‰, vàm Đức Mỹ 7‰. Phía sông Hậu, tại vàm Bông Bót là 6,9‰, vàm Tân Dinh là 6,6‰. Tại các trạm, độ mặn cả 2 sông đều tăng hơn so với ngày hôm trước. Đáng lo ngại, mực nước trong nội đồng một số nơi chưa đảm bảo phục vụ sản xuất, như tại cống Trà Cú mực nước chỉ đạt 0,31m, trong khi mức đảm bảo phải từ 0,5m trở lên.

Toàn tỉnh Trà Vinh có gần 6.000ha trên tổng số hơn 60.000ha diện tích lúa đã xuống giống ở vụ Đông Xuân bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại từ 30 - 70% là trên 1.730ha, thiệt hại trên 70% chiếm hơn 1.440ha. Địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Trà Cú, với trên 2.600ha; tiếp đến là huyện Cầu Ngang khoảng 1.670ha và huyện Châu Thành khoảng 800ha…

Thống kê mới nhất của ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, từ đầu năm đến ngày 19/2, đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại từ 30 - 70% là hơn 5.500ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500ha; phân theo trà lúa, lúa - tôm hơn 15.900ha, trà lúa Đông - Xuân hơn 2.100ha, lúa mùa hơn 100ha; rau màu bị thiệt hại khoảng 3,6ha. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng khiến hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, tỉnh có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Vì vậy, thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa nhưng lại thiếu nước vào mùa khô.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tình trạng xâm nhập mặn đã làm khoảng 96.000 hộ dân ở khu vực ĐBSCL gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Bến Tre khoảng 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ. Năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015 - 2016, nhưng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt thấp hơn 114.000 hộ (giảm 54%) so với năm 2015 - 2016.
Nông dân dùng ao chứa nước mưa để sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC
 Quyết liệt ứng phó với hạn, mặn

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến gay gắt, từ cuối năm 2019 và đầu năm nay, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã liên tục có những chỉ đạo, cũng như trực tiếp khảo sát tình hình hạn, mặn tại các địa phương ở ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…

Các tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng đã chủ động triển khai kế hoạch để ứng phó với tình trạng hạn, mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành nhiều công trình ngăn mặn quan trọng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, công trình cống ngăn mặn Vũng Liêm đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 6 tháng, kịp thời ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ trực tiếp cho 11.000ha và gián tiếp cho gần 70.000ha lúa. Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao việc tỉnh đã sớm hoàn thành công trình cống ngăn mặn Vũng Liêm. Theo Phó Thủ tướng, "công trình này là cơ sở hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng giữa Vĩnh Long và Trà Vinh. Cần đẩy mạnh các giải pháp thích ứng và chung sống với biến đổi khí hậu. Địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện để kết nối phục vụ nông dân tưới tiêu”.

Để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn và trung tâm các thành phố, tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo thực hiện vận hành hệ thống cống trên địa bàn TP Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành có hiệu quả; đồng thời giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT triển khai thi công đắp đập ngăn mặn bằng cừ larsen tại kênh Nhánh (TP Rạch Giá) để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây trong suốt mùa khô.

Bên cạnh đó, vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương. Vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên (hồ nước ngọt 1 triệu m3 tại huyện Giang Thành). Chủ động tích nước an toàn vào hồ chứa Dương Đông (Phú Quốc), Bãi Nhà (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vào mùa khô. Khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng.

Trước tình hình này, các địa phương của tỉnh Kiên Giang cũng tập trung rà soát những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô; theo dõi tình hình diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước nội đồng để triển khai điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh; triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ…

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020; đồng thời tiếp tục thực hiện phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước nông thôn phục vụ cấp nước cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Giang Thành có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Tại Sóc Trăng, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã có kế hoạch cấp nước sạch cho người dân với các giải pháp như nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 21.600 hộ dân; đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung… Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện khoảng 160 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng cho biết: Hiện nay, trung tâm đang quản lý khai thác 146 công trình cấp nước tập trung, cấp nước cho 108.000 hộ dân. Tổng công suất giếng đang khai thác là 100.000m3/ngày đêm. Để đảm bảo cấp nước cho thêm 26.572 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cần nâng công suất khai thác thêm 22.000m3/ngày đêm. Kế hoạch khoan thêm 22 giếng tạo nguồn tại các trạm cấp nước, với mỗi giếng công suất 1.000m3/ngày đêm.


Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: XC
 Nhiều mô hình thích ứng hạn, mặn
Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, nông dân một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng đã có những mô hình sản xuất thích ứng mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới của gia đình anh Dương Văn Thừa (ấp Phố, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú) được thực hiện từ đầu năm 2020. Với diện tích 500m2, lắp đặt 7 giàn thủy canh, mỗi giàn 6 máng, trồng các loại rau như cải xanh, rau muống, cải xà lách tím, cải bó xôi, cải thìa và cải ngọt, trong đó ngành Nông nghiệp huyện Long Phú hỗ trợ 30% chi phí thực hiện mô hình.

Theo anh Thừa, mô hình này trước mắt thấy rau phát triển tốt và thích hợp với khí hậu ở địa phương, giá cả tương đối ổn định, nhẹ công chăm sóc. Ưu điểm nổi bật là từ khi trồng đến thu hoạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn, chất lượng, tiết kiệm nước và thích ứng với điều kiện hạn, mặn hiện nay.

Tại thị trấn Long Phú, mô hình trồng bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước của gia đình ông Lê Văn Cần cũng được đánh giá cao. Với diện tích vườn bưởi da xanh 5ha, được chuyển đổi từ cây mía sang được 2 năm và đang phát triển tốt, bắt đầu cho trái. Để giảm nhân công lao động cũng như tiết kiệm nước tưới trong các tháng mùa khô, ông Cần đã áp dụng quy trình tưới nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới phun sương, giúp vườn cây phát triển tốt, không phải lo thiếu hụt nước trong các tháng mùa khô. Với phương pháp này, khi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì vườn bưởi vẫn đủ lượng nước tưới.

Nhiều nông dân ở huyện Long Phú cũng tránh được hạn hán, xâm nhập mặn bằng cách chuyển sang trồng các loại rau màu thích hợp với mùa khô như xà lách, cải, hành lá… cho thu nhập khá cao, lợi nhuận đạt khoảng 5 - 6 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Cũng tại tỉnh Sóc Trăng, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ đã triển khai mô hình thí điểm lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vùng trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu. Hệ thống tưới phun sương có cấu tạo đơn giản và sử dụng vật liệu phổ biến, bao gồm những ống nhựa PE, 1 mô tơ điện để bơm nước qua đường ống chính được kết nối với ống nhựa cứng PE dựng đứng, trên đầu các ống này có gắn các béc tưới phun sương cho cánh đồng. Chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun sương này khoảng 2,5 triệu đồng và người dân có thể tự lắp đặt được.

Sau 6 tháng triển khai lắp đặt thí điểm, hệ thống tưới nước phun sương cho hành tím đã mang lại hiệu quả hơn nhiều so với cách tưới thủ công truyền thống trước đây, như giảm thiểu chi phí, tiết kiệm công tưới, tiết kiệm nước trong khi năng suất hành tím vẫn cao. Hệ thống này đang được triển khai rộng rãi, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên nước và giảm chi phí sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.

Còn tại huyện Cù Lao Dung, mô hình tưới nước nhỏ giọt đang được nhiều nông dân áp dụng bởi những lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Hệ thống mô hình tưới nhỏ giọt gồm 3 bộ phận là máy bơm, hệ thống ống chính và ống nhánh rẽ nhỏ giọt, sử dụng ống mềm được đặt rải trên mặt đất quấn quanh dưới từng gốc cây, đầu nhỏ giọt tự bù áp lực nước được gắn chìm trong ống nhựa theo khoảng cách cố định. Nếu như tưới theo cách truyền thống sẽ gây lãng phí nước, làm xói mòn đất thì công nghệ này giúp tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, giúp tiết kiệm nước.

Ông Đoàn Văn Hoàng (ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung) cho biết: "Gia đình tôi và nhiều hộ dân ở xã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nên chi phí tưới nước giảm đi nhiều. Tôi trồng 5 công (5.000m2) gồm dưa hấu, bí ngô, ớt. Tưới tiết kiệm mỗi giờ hết khoảng 4m3 nước, giảm lượng nước hơn một nửa so với tưới thủ công. Nhờ vậy mà 5 công hoa màu của tôi giờ vẫn xanh tốt, đang cho trái khá nhiều”.

Trong khi đó, nhiều nông dân ở TP Sóc Trăng đã chọn cây dưa hấu thay cho lúa vụ 3. Qua nhiều năm canh tác cho thấy, dưa hấu là cây trồng có khả năng chịu được hạn, mặn tốt, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Theo Báo Thanh tra

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1