Thu giữ nước mưa trên mái là giải pháp đơn giản, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, góp phần hạn chế úng ngập

Nắng lắm, mưa nhiều. Thời tiết càng nắng nóng sẽ diễn ra các trận mưa càng lớn. Trên quan điểm, nắng mưa đều là tài nguyên, là hiện tượng thời tiết diễn biến thất thường; chúng ta cần có giải pháp thích ứng để quản lý, sử dụng, hạn chế những tác động xấu của thời tiết.
Đối với các trận mưa nhỏ có lượng mưa khoảng 50 mm thì với diện tích mái 20 m2 (4m x 5m) sẽ thu được 1m3 nước mưa. Như vậy, chỉ cần thu nước từ mái tum cầu thang (cả lồng quạt thông gió) và đặt bồn Inox hay bể chứa ngay trên sân thượng là có thể thu, lưu giữ được lượng nước mưa như ý muốn.

Hình 1

Cách lắp đặt đường ống để thu nước mưa trên mái rất đơn giản: Trên ống đứng thoát nước mưa cho mái nhà (công trình) thường là ống nhựa có đường kính từ 60 đến 110mm, ta lắp thêm một cái tê có ống nhánh ra đường kính 32mm. Cao độ lắp tê sao cho có đủ độ cao để dẫn nước vào bồn hay bể chứa (xem hình 1). Cuối chân  ống đứng lắp cút để xả nước mưa, trên ống xả đặt thêm một côn chuyển và một van (khóa) đường kính cỡ 32mm để giữ và xả nước mưa khi cần (xem hình 2).
Cách vận hành thu, giữ nước mưa rất dễ dàng: Thông thường, khóa đặt trên ống xả luôn được mở để xả nước của các trận mưa đầu mùa và lượng nước mưa ban đầu của mỗi trận mưa (gọi là nước mưa đợt đầu) hay khi không cần thu nước. Nước mưa đợt đầu là nước rửa bề mặt, bị nhiễm bẩn nhiều, không nên thu để phục vụ cho mục đích sinh hoạt nhưng có thể thu để sử dụng cho các mục đích khác như rửa sàn, tưới cây…Nước mưa của các trận mưa lớn, giữa mùa mưa được thu bằng cách: Sau khi mưa 5, 10 phút, nước xả đã sạch, ta đóng khóa trên ống xả, nước mưa dâng lên trong ống đứng (đoạn ống đứng này xem như ống lắng) chảy qua tê, vào ống dẫn đến bồn hay bể chứa lưu giữ để sử dụng. Trận mưa càng to, diện tích mái càng lớn thì lượng nước thu được càng nhiều.

Hình 2

Nếu bồn, bể chứa nước đặt trên sân thượng thì ta đã tận dụng được cả năng lượng của trời cho, từ độ cao của sân thượng (không phải bơm) có thể dẫn nước xuống các tầng dưới để sử dụng. Nếu trữ nước mưa dùng cho ăn uống, ta chỉ cần tính toán để đủ lượng nước dùng trong mùa khô; như vậy, giảm được đầu tư cho bồn và bể, giảm tải trọng cho sàn sân thượng, tường và móng nhà.
Nếu bồn, bể chứa nước đặt dưới đất, thể tích bồn, bể chứa được xác định tùy thuộc vào điều kiện mặt bằng, khả năng đầu tư và mục đích sử dụng, tất nhiên càng lớn càng có lợi.
Với cách thu, giữ nước mưa như trên, chắc chắn nhiều nơi, nhiều nhà có thể thực hiện được vì đơn giản, dễ dàng và ít phải đầu tư (chỉ phải mua bồn chứa hoặc xây  bể chứa). Song lợi ích đem lại là không nhỏ, có thể kể ra như sau:
 *Tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên; đặc biệt với những vùng khan hiếm nước mặt, nước ngầm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm không thể dùng đươc;
 * Rất đơn giản trong lắp đặt, ngay cả khi muốn lắp đặt với công trình đã có, đang sử dụng. Trên ống đứng thoát nước mưa hiện có, chỉ cần cắt ống đứng ra một đoạn (ở độ cao xác định), sau đó lắp thêm tê và đoạn ống dẫn vào bồn hay bể chứa nước còn trên ống xả thì lắp thêm khóa;
 * Rất dễ dàng, thuận tiện trong vận hành thu, giữ nước mưa;
 * Hiệu quả là chi phí thấp nhưng thu lợi lớn, nước trời cho, không phải trả tiền, chất lượng nước tốt, tận dụng được kết cấu sắn có của ngôi nhà (công trình) như mái, ống thoát nước mưa, sân thượng… Đặc biệt, nước mưa dùng để pha trà sẽ ngon hơn nước máy;
 * Đối với các đô thị, tỷ lệ diện tích mái công trình (so với diện tích đất) là rất lớn. Vì vậy, việc thu, giữ nước mưa trên mái có tác dụng điều hòa nước mưa, hỗ trợ đắc lực cho hệ thống thoát nước mưa đô thị. Khi Nhà nước có chính sách phù hợp về quản lý mái công trình, xả thải nước bề mặt và khuyến khích việc sử dụng tài nguyên nước. Khi cộng đồng có nhận thức và cách cư sử đúng với nước mưa. Nếu tổ chức tốt việc thu, giữ nước mưa trên mái: Khi được dự báo thời tiết trước (dự báo chính thống), chỉ đạo đồng loạt xả các bồn, bể chứa nước mưa trước khi có mưa bão lớn sẽ tạo khả năng dự trữ để điều hòa một lượng nước mưa rất lớn hỗ trợ cho hệ thống thoát nước mưa đô thị góp phần quan trọng hạn chế ngập úng khi có mưa bão lớn cho đô thị.
 
Ứng Quốc Dũng - Trần Đình Cương

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1