Cấp nước sạch Vùng ĐBSCL dưới tác động của Biến đổi khí hậu - Những thách thức và giải pháp

Tóm tắt: Bài viết tập trung đánh giá tình hình thực trạng về cung cấp nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tác động của biến đổi khí hậu đến mảnh đất này trong đó tác động trực tiếp đến việc sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất của hàng triệu người dân. Hạn hán, xâm nhập mặn,  nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng  trong khi đó nhu cầu nước ngày càng gia tăng đang là những thách thức rất lớn. Thông việc đánh giá này một số giải pháp đã được đề xuất nhằm bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Đồng bằng sông Cửu long là phần hạ lưu của châu thổ sông Mê kong thuộc lãnh thổ Việt Nam, bao gồm 13 tỉnh, thành phố:  Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang , Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang , Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích toàn vùng khoảng  40.605 km² và tổng dân số gần 18 triệu người. Diện tích vùng chiếm 12% về diện tích cả nước và dân số vùng chiếm khoảng 20% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). 
 
Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm, gây thiệt hại hơn 160.000ha lúa, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực sử dụng nước mặt nhất là các vùng chưa có các công trình cấp nước tập trung và theo thống kê cũng đã có khoảng  250.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Do nguồn nước cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng  trong khi đó sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa cao … nhu cầu nước ngày càng gia tăng đang là những thách thức rất lớn đến việc bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
I. Thực trạng cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
1.1. Cấp nước đô thị và khu công nghiệp:
 
Tổng công suất các nhà máy nước (NMN) cấp cho các đô thị toàn vùng ĐBSCL hiện nay khoảng 985.017m3/ngày; Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị đạt khoảng 89%, trong đó thấp nhất là 50,4% (tỉnh Bến Tre), cao nhất là 95,5% (tỉnh Trà Vinh); Tiêu chuẩn cấp nước trung bình đạt 110 l/người.ngày,; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình khoảng 25%, trong đó thấp nhất là 15% ( Sóc Trăng) và cao nhất là 29,69% (Cà Mau).
 
Nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Tiền và sông Hậu tổng công suất khai thác khoảng 650.000 m3/ngày (tương ứng khoảng 66%) và nguồn nước ngầm được khai thác với tổng công suất khai thác khoảng 335.000 m3/ngày (tương ứng khoảng 34%). Các tỉnh chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm bao gồm: Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh.
 
Toàn vùng có 36 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động. Tổng nhu cầu sử dụng nước theo tính toán khoảng 82.000 m3/ngày khi các KCN lấp đầy. Phần lớn các KCN sử dụng nguồn nước riêng, tỷ lệ chiếm 85% tổng nhu cầu dùng nước của các KCN, 15% còn lại do HTCN đô thị cung cấp.
 
Các NMN đô thị có quy mô công suất từ vừa đến lớn. Các NMN ngầm thường có công suất vừa và nhỏ, đa số <10.000 m3/ngày, tuy nhiên cũng có những NMN có công suất lớn hơn như NMN Trà Vinh công suất thiết kế 18.000 m3/ngày, NMN TP Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp công suất 15.160 m3/ngày và một số NMN khác, nhưng số NMN có công suất >10.000 m3/ngày không nhiều, trong tổng số 126 NMN ngầm chỉ có 13 NMN có công suất từ 10.000 m3/ngày trở lên, còn lại đều nhỏ hơn. Các NMN mặt có công suất từ vừa đến lớn; những NMN mặt lớn như: NMN Cần Thơ 1 công suất 70.000 m3/ngày, NMN Cần Thơ 2 công suất 52.500 m3/ngày, NMN Rạch Giá công suất 50.000 m3/ngày…
Nhà máy cấp nước đô thị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công nghệ xử lý còn lạc hậu. Công suất khai thác chỉ đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế. Hệ thống cấp nước được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, nhiều đường ống cũ, hư hỏng, tỷ lệ thất thoát cao.
 
1.2. Cấp nước nông thôn:
 
Khu vực nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các hệ thống cấp nước tập trung và các công trình cấp nước riêng lẻ hộ gia đình. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 4.200 NMN tập trung trong đó chỉ có 270 NMN sử dụng nước mặt, còn lại là nước ngầm. Quy mô công suất từ vài chục m3/ngđ đến 500-1000 m3/ngđ.
 
Giếng khoan phổ biến tại khu vực nông thôn; Nước mưa cũng được sử dụng rộng rãi và chủ yếu là nguồn nước ăn  uống của phần lớn dân cư nông thôn sinh sống phân tán ở các khu vực ven biển …
 
Nhà máy nước và mạng lưới đường ống phần lớn được xây dựng từ những năm 1995 trở lại đây. Nhà máy có quy mô, chất lượng nước cấp chưa đạt tiêu chuẩn, mạng lưới ít được duy tu bảo dưỡng, xuống cấp nhanh chóng.
 
II. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn:
1. Khu vực đô thị:

Do tác động xâm nhập mặn, hệ thống cấp nước đô thị các tỉnh ven biển khai thác chủ yếu từ nguồn nước mặt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy phải cung cấp nước lợ với hàm lượng muối vượt quá quy định (0,6-1,2%;0) hoặc phải ngừng hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sông người dân; trong đó bao gồm các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang.
Hình 1: Bản đồ xâm nhập mặn 4/2016
 
Trong các tỉnh nêu trên, Bến tre là tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất. Hầu hết nguồn nước các nhà máy nước đô thị tỉnh Bến Tre đề bị nhiễm mặn không khai thác được; cụ thể: Nhà máy nước Sơn Đông công suất 31.900 m3/ngày độ mặn dao động từ 0,5-4,5‰; Nhà máy nước Hữu Định công suất 10.000 m3/ngày độ mặn dao động 0,2-1,0‰; Trạm cấp nước Lương Quới công suất 6.000 m3/ngày độ mặn dao động 1,2-2,0‰. Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Bén Tre thiếu nước ngọt; để cấp nước uống cho dân, phải mua nước bằng xe tec hoặc chở bằng ghe thuyền; giá nước lên đến 50-100 ngàn đồng/m3;
 
Đối với tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã ảnh hưởng một số nhà máy nước mặt tại thành phố Mỹ Tho và các thị trấn trên địa bàn nhưng không lớn, dao động từ 0,5-1‰; để giảm hàm lượng muối trong nước sạch, việc hòa trộn giữa nước mặt và nước ngầm cũng. 
Đối với tỉnh Sóc Trăng, NMN An Nghiệp công suất 10.000 m3/ngày đã phải ngừng hoạt động từ tháng 2/2016; các thị trấn chủ yếu khai thác nước ngầm nên hầu như chưa bị ảnh hưởng.
 
Tại tỉnh Hậu Giang, nhà máy nước Ngã Bảy có độ mặn đang dao động trong khoảng từ 0.3‰ – 0,5‰, một số ngày độ mặn tăng cao như ngày 29 tết đạt 2,6‰. Tại tỉnh Kiên Giang, do xâm nhập mặn, lưu trữ nước trong hồ giảm 50%, công ty phải phải giảm 25% công suất cấp nước và thời gian cấp nước của một số khu vực trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất.
 
2. Đối với cấp nước nông thôn: 
 
Ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Bến Tre, 155/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều bị xâm nhập mặn; Hầu hết các trạm cấp nước (42 NMN do Trung tâm nước sạch nông thôn quản lý phục vụ trên 54.000 hộ dân) và 20 trạm cấp nước nước tư nhân sử dụng nguồn nước mặt bị nhiễm măn, phải dừng cấp nước hoặc cấp nước nhiễm mặn; nước ngọt khan hiếm, cuộc sống người dân vô cùng cơ cực.  Các tỉnh khác (Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau...), nhiều trạm cấp nước nông thôn khai thác nguồn nước mặt phải ngừng hoạt động.
Tại Tiền Giang, khoảng 235.000 dân khu vực (huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công) sống ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê… đang thiếu nước sinh hoạt;
 
Tại tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và mặn xâm nhập làm khoảng 120.000 dân bị ảnh hưởng về xâm nhập mặn. Tại tỉnh Trà Vinh, gần 70.000 dân tại huyện Châu Thành, Càng Long thiếu nước ngọt. Tại tỉnh Vĩnh Long, số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn khoảng 71.000 hộ dân các xã thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình.
 
II. Giải pháp cấp nước đảm bảo cấp nước an toàn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Quan điểm 
 
- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long; Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan khác.
- Bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngập lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn; hạn chế sử dụng, khai thác nước ngầm quy mô lớn.
- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao điều kiện sống của người dân.
- Quản lý và phát triển cấp nước ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu các nguồn lực; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước.
- Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
 
2. Mục tiêu:
 
Đảm bảo an ninh về cấp nước, an sinh xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
 
3. Các giải pháp cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
 
3.1 Giải pháp cấp nước trước mắt: 
Đề khắc phục tình trạng xâm nhập mặn diễn ra đầu năm 2016, một số đơn vị cấp nước các tỉnh thực hiện các giải pháp cấp bách như:
 
- Tỉnh Kiên Giang đầu tư khẩn cấp 9 trạm khai thác nước ngầm với gần 20 giếng khoan; nghiên cứu giải pháp đầu tư nâng cấp hồ trữ nước tại thành phố Rạch Giá lên 1 triệu m3/ngđ, 
 
- Tại tỉnh Bến Tre: Huy động các phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân và các công trình công cộng trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thi công trạm bơm nước thô 47.000m3/ngày.
 
3.2. Giải pháp cấp nước dài hạn:
 
Nhằm ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng, Bộ Xây dựng tổ chức lập Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước: Đến năm 2020 khoảng 1.970.000m3/ngđ; đến năm 2025 khoảng 2.650.000m3/ngđ; đến năm 2030 khoảng 3.270.000m3/ngđ.
 
a) Giải pháp chung cấp nước: kết hợp đầu tư hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh với đầu tư công trình cấp nước quy mô đô thị, khu dân cư nông thôn thập trung.
 
+ Đầu tư nhà máy nước nước quy mô vùng liên tỉnh và mạng đường ống truyền tải nước sạch tới các tỉnh trong vùng. Dọc theo đường ống truyền tải nước sạch tới các đô thị sẽ cung cấp nước cho khu dân cư nông thôn vùng lân cận. 
 
+ Đầu tư hệ thống trạm bơm và mạng đường ống nước thô dẫn nước về các nhà nước nước hiện có và xây dựng mới tại các đô thị. Giải pháp này có chi phí đầu tư đường ống lớn hơn nhưng tận dụng được các nhà máy nước hiện có, giảm chi phí đầu tư ban đầu; khi nguồn nước không nhiễm mặn vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước tại chỗ, sẽ giảm chi phí điện năng truyền dẫn nước.
 
- Đối với các đô thị nhỏ, khu dân cư tập trung không được cấp nước từ công trình quy mô vùng sẽ ứng dựng công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ.
 
b) Giải pháp về nguồn nước: 
 
- Nguồn nước mặt: Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ứng dụng giải pháp khai thác, truyền dẫn nguồn nước thô bảo đảm hiệu quả kinh tế, đồng thời phải bảo đảm chất lượng nguồn nước theo quy định và đáp ứng yêu cầu bền vững.
 
- Nguồn nước ngầm: Rà soát, đánh giá thực trạng khai thác sử dụng nguồn nước ngầm; thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác nước ngầm theo từng tỉnh, từng khu vực cụ thể; xây dựng quy chế quản lý khai thác, sử dụng nước ngầm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh; duy trì sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước sinh hoạt đối với khu vực dân cư nhỏ lẻ đáp ứng yêu cầu khai thác bền vững hoặc cho đến khi tiếp cận được với nguồn nước thuận lợi khác. 
 
- Nguồn nước mưa: Rà soát, khai thác điều kiện quỹ đất của địa phương,  xây dựng hồ lưu trữ nước mưa, trước mắt tạo nguồn cấp nước cho nhà máy nước hiện hữu khắc phục nguồn nước xâm nhập mặn; về lâu dài, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
 
c) Giải pháp quy hoạch các nhà máy cấp nước quy mô vùng liên tỉnh:
 
- Giai đoạn đến năm 2020: NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất Q1=100.000 m3/ngày, Cụm NMN Sông Hậu 1 công suất Q1=200.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 2 công suất 100.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 3 công suất 50.000 m3/ngày.
 
- Giai đoạn đến năm 2025: NMN liên vùng sông Tiền 1 công suất 100.000m3/ngày; NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất 200.000 m3/ngày; Cụm NMN Sông Hậu 1 công suất 400.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 2 công suất 200.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 3 công suất 100.000 m3/ngày.
 
 
 
Hình 2: Các NMN giai đoạn 2025 Hình 3: Các NMN giai đoạn 2030
 
- Giai đoạn đến năm 2030: NMN Sông Tiền 1 công suất 300.000 m3/ngày; NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất 300.000; Cụm NMN Sông Hậu 1  công suất 600.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 2 công suất 300.000 m3/ngày; NMN Sông Hậu 3 công suất 150.000 m3/ngày.
 
d) Giải pháp về công nghệ
 
- Công nghệ xử lý nước sạch được áp dụng phải phù hợp với quy mô công suất nhà máy nước, thành phần và tính chất của nguồn nước thô; chất lượng nước sau xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt.
 
- Đối với các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, công suất lớn sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đối với các nhà máy nước quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ xử lý nước truyền thống, từng bước cải tiến phù hợp với năng lực quản lý vận hành của đơn vị cấp nước. 
 
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo, khu vực dân cư có nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc không có khả năng kết nối với nhà máy nước vùng liên tỉnh.
 
e) Giải pháp mạng lưới đường ống cấp nước
 
Mạng lưới đường ống cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư, mở rộng phù hợp với phạm vi vùng phục vụ cấp nước cho từng giai đoạn quy hoạch: 
 
+ Mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh dẫn nước sạch từ các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh đến các địa phương, đô thị, khu dân cư. Các tuyến ống truyền tải liên tỉnh có đường kính DN600-DN1800 mm được đầu tư phù hợp với quy mô nhà máy nước theo từng giai đoạn quy hoạch, được kết nối thành mạng vòng đến năm 2030 và bảo đảm cấp nước an toàn. 
 
+ Mạng lưới đường ống phân phối, dịch vụ cấp nước tại các đô thị, khu dân cư các tỉnh/thành phố được xây dựng mới hoặc được cải tạo, mở rộng phù hợp với nhu cầu phát triển cấp nước; được kết nối với nhà máy nước quy mô vùng tỉnh hoặc tuyến ống truyền tải nước sạch liên tỉnh.
 
g) Trạm bơm tăng áp
 
Bố trí các trạm bơm tăng áp trên các tuyến ống truyền tải liên tỉnh với khoảng cách trung bình 30 – 40 km, bảo đảm truyền dẫn nước đủ lưu lượng tới các điểm đấu nối với tuyến ống phân phối cấp nước cho đô thị, khu dân cư; vị trí, quy mô, công suất trạm bơm tăng áp sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
 
III. Dự án Cấp nước An toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vay vốn Ngân hàng Thế giới)
 
a) Lập dự án nghiên cứu khả thi:
 
Ngày 11/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án chuẩn bị dự án “Cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Việc đàm phán Hiệp định cho khoản vay này theo kế hoạch được tổ chức vào ngày 29/4/2016. 
 
Theo dự kiến hiện nay, dự án đầu tư giai đoạn 1 có tổng nguồn vốn đầu tư ước tính 440 triệu USD, trong đó: vốn vay WB 400 triệu USD, vốn đối ứng 40 triệu USD. Dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong tài khóa 2017 của WB, thời gian triển khai từ năm 2018 -2023. 
Sauk hi tổ chức đấu thầu, tháng 9/2017 Ban Quản lý dự án Phát triển Hạ tầng kỹ thuật – Cục hạ tầng kỹ thuật, BXD đã chính thức ký hợp đồng dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Có 3 phương án được đưa ra bao gồm : (1) Phương án cấp nước tập trung theo quy hoạch cấp nước vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (2) Phương án cấp nước phân tán kết hợp khai thác nước ngầm mạch sâu và (3) Phương án cấp nước phân tán kết hợp xử lý nước lợ…Mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế. Hiện nay Tư vấn đang trong quá trình rà soát và đánh giá lựa chọn phương án…
 
b) Đề xuất cơ chế phối hợp và thể chế triển khai dự án 
 
Việc thực hiện dự án đầu tư cấp nước theo vùng là rất mới ở Việt Nam, do đó trong quá trình chuẩn bị dự án rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng, các Bộ/Ngành và các tỉnh có liên quan. Các nghiên cứu và đề xuất về thể chế bao gồm cả cơ chế tài chính cho dự án sẽ được thực hiện trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Ngoài ra, do dự án có tính chất liên vùng, chi phí cho đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải nước đến các tỉnh sẽ rất lớn, do đó giá thành sản xuất nước cũng sẽ cao so với việc cấp nước tại các địa phương hiện nay. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế hỗ trợ mức vốn tối thiểu là 10% tổng vốn đầu tư như quy định tại điều 7 – Nguồn vốn thực hiện của Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. 
 
IV. Kết luận:
 
Biến đổi khí hậu là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả lĩnh vực của đời sống đặc biệt đến cung cấp nước sạch cho người dân. Theo đánh giá của các nhà khoa học vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi ảnh hường của biến đổi khí hậu. Việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cấp nước vùng trong đó xây dựng mới nhà máy nước, xây dựng mạng truyền tải, nâng cấp cải tạo nhà máy và mạng lưới cũ ... là cần thiết và cần mang tính khả thi sẽ góp phần giải quyết cấp nước vùng nhằm bảo đảm an toàn cấp nước góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững cho vùng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 8/11/2016 Phê duyệt ”Quy hoạch cấp nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”.
2.  Bộ Xây dựng (2016) : Dự án Cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long
3. Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (2016): Dự báo mặn xâm nhập tại các cửa sông vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp chống hạn..
4. Kỷ yếu Hội thảo các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long 7-2016.
5. Nguyễn Hồng Tiến (2015): Quy hoạch & Hạ tầng kỹ thuật **, Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
 
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam
 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1