Đó cũng chính là nội dung trọng điểm trong cuộc hội thảo về bình đẳng giới diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Water Week 2024 diễn ra vào sáng ngày 7/11
Toàn cảnh buổi hội thảo
Sáng ngày 7/11, hội thảo chuyên đề về "Xác định những cơ hội thúc đẩy Bình đẳng giới trong ngành Nước tại Việt Nam" do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức đã chính thức diễn ra, quy tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong ngành Nước.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA; ông Nguyễn Văn Thiền, Phó Chủ tịch VWSA đã tham dự Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham dự của bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường VWSA; bà Amanda Satterly, Chuyên gia cao cấp về giới của ADB; bà Nguyễn Thanh Giang, đại diện ADB; bà Vũ Thị Phương Lan , Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của bình đẳng giới trong ngành Nước và thảo luận các giải pháp thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực này thông qua việc trình bày sơ bộ kết quả khảo sát giới trong ngành Nước được VWSA và Ngân hàng ADB phối hợp thực hiện.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với ngành Nước
Trao quyền cho phụ nữ trong ngành Nước không chỉ là vấn đề về công bằng mà còn có ý nghĩa về mặt kinh doanh. Nữ giới mang đến những cái nhìn sâu sắc và ưu tiên độc đáo, làm phong phú thêm các cuộc thảo luận và thúc đẩy sự hợp tác giữa nhiều bên có liên quan. Tuy nhiên, mặc dù có những bằng chứng về lợi ích của việc tăng số lượng nữ giới giữ những vai trò quan trọng trong ngành Nước, những rào cản có tính hệ thống về văn hóa và cấu trúc vẫn còn tồn tại; cản trở vai trò , năng lực của nữ giới và hạn chế tiềm năng tối đa của họ. Chỉ khi khai thác tối đa tiềm năng đóng góp của nữ giới chúng ta mới có thể giải quyết một cách toàn diện những thách thức phức tạp mà ngành Nước tại Việt Nam đang phải đối mặt.
Trình bày tại cuộc hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường VWSA cho biết: “Nữ giới là lực lượng nhân tài chưa được tối ưu hóa trong ngành Nước. Theo báo cáo toàn cầu thực hiện tại 64 công ty đại diện cho 28 quốc gia thì tỷ lệ nữ giới làm trong ngành Nước chỉ chiếm 18% tổng lực lượng lao động. Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ giới giữ vai trò quản lý, lãnh đạo chỉ chiếm 23%; cấp lãnh đạo, quản lý trong Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc cũng chỉ chiếm 3% - 9% và tỷ lệ công ty ngành Nước không có kỹ sư là nữ chiếm 32%”
Thông qua kết quả báo cáo trên, vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các đơn vị. Ngành Nước là ngành kỹ thuật đặc thù, đây là ngành kỹ thuật về năng lượng, được coi là ngành công nghiệp nặng. Vậy nên, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Nước nói chung và trong ngành kỹ thuật nói riêng cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.
Sự tích cực tham gia của nữ giới còn đem lại nhiều lợi ích tài chính và phi tài chính cho doanh nghiệp ngành Nước và cho cộng đồng. Cụ thể, bình đẳng giới làm tăng cường sự hài lòng với khách hàng vì sự tham gia của nữ giới trong quá trình thiết kế, vận hành và bảo trì hệ thống cấp nước thường tạo ra những thiết kế thân thiện người dùng và thân thiện với nữ giới hơn.
Bởi vì nữ giới là những khách hàng của các công ty nước do vậy lực lao lao động có cân bằng giới trong các công ty nước sẽ giúp thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu khách hàng nữ tốt hơn.
Những thách thức cho bình đẳng giới trong ngành Nước Việt Nam
Nước và bình đẳng giới có mối liên hệ đặc biệt quan trọng. Bình đẳng giới không chỉ góp phần đảm bảo công bằng xã hội thông qua tiếp cận nước sạch công bằng mà còn để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trong các công ty nước nhờ sự tham gia đầy đủ, ý nghĩa của phụ nữ trong lực lượng lao động.
Tuy nhiên, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, ngành Nước vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn về bình đẳng giới. Ở Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành mới chỉ chiếm 1/3 tổng lực lượng lao động, đặc biệt là ở các vị trí quản lý và điều hành, khi nữ giới chỉ chiếm từ 7 đến 14%. Ngoài ra, nữ giới vẫn chưa được tham gia đầy đủ vào các trục hoạt động then chốt trong lĩnh vực sản xuất, quản lý cấp, thoát nước. Điều này đặt ra một thách thức về phát triển nguồn nhân lực và phát triển sản xuất nước khi mà chúng ta chưa tận dụng hết năng lực, kinh nghiệm và quan điểm đa dạng mà phụ nữ có thể mang lại cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhận thấy rõ những thách thức mà bình đẳng giới trong ngành Nước đang phải đối mặt, thời gian vừa qua, ADB đã phối hợp với VWSA thực hiện công tác khảo sát 45 công ty, đơn vị về công tác bình đẳng giới tại nơi làm việc. Thông qua quá trình khảo sát và đánh giá, cả hai phía VWSA và ADB đã có những phần trình bày trong buổi hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về vai trò cũng như tầm quan trọng của bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tại buổi hội thảo, đại diện các công ty, đơn vị cũng có phần báo cáo về công tác bình đẳng giới tại đơn vị.
Nghiên cứu trên được thực hiện có ba mục đích chính. Đầu tiên là chỉ ra những khoảng trống và tìm kiếm cơ hội trong tất cả mọi khía cạnh về bình đẳng giới tại nơi làm việc và sự lãnh đạo của nữ giới trong các thành viên nhằm tăng cường hiểu biết về tầm quan trọng của bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tiếp theo là đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn cho các công ty nhằm xây dựng các chính sách thân thiện về giới tại nơi làm việc và kế hoạch hành động về giới để phát huy tối đa tiềm năng của lực lượng lao động nữ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Cuối cùng là đưa ra những đề xuất có tính thực tiễn cho VWSA, vai trò vận động và thực thi chính sách, nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới trong ngành Cấp Thoát nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dự thảo Luật Cấp thoát nước đang được xây dựng.
Trình bày tại cuộc hội thảo, bà Châu Mỹ Linh, chuyên gia về giới của ADB đã chỉ rõ các vấn đề còn tồn đọng trong công tác bình đẳng giới sau khi thực hiện nghiên cứu như: Phân công lao động bị ảnh hưởng bởi vai trò và khuôn mẫu giới truyền thống. Sự phân công công việc có tính định giới là rào cản đáng kể đối với sự phát triển và nâng cao tiếng nói, vị thế của nữ giới. Tỷ lệ nữ giới trong Đảng bộ và các cấp uỷ Đảng tại các công ty vẫn còn thấp. Bình đẳng giới không được đề cập một cách rõ ràng trong các văn bản pháp lý quan trọng nhất liên quan đến cấp thoát nước. Chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc vẫn là chủ đề mới ở các công ty.
Giải pháp gắn liền với thực tiễn
Hiểu rõ những thách thức mà bình đẳng giới trong ngành nước đang gặp phải, bà Mỹ Linh đã có những đề xuất nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Bà cho biết thêm: “Để thúc đẩy bình đẳng giới thì trước hết cần có sự quan tâm từ các lãnh đạo của đơn vị, công ty; Hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của nữ giới bằng cách xây dựng các chương trình dạy nghề và các cơ hội luân chuyển để tạo điều kiện cho lao động nữ mở rộng hoặc phát triển khả năng chuyên môn trong các hoạt động của công ty. Xây dựng chương trình đào tạo bao gồm yếu tố giới và chiến lược phát triển nghề nghiệp bao gồm các chương trình đào tạo theo yêu cầu dựa trên nhu cầu của người lao động với trọng tâm là các nhóm lao động nữ trực tiếp, đặc điểm nhân khẩu học đa dạng. Sử dụng dữ liệu phân tách giới để giám sát và phân tích dữ liệu lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo trong công ty. Đưa các mục tiêu cân bằng giới vào tất cả các mức độ trách nhiệm và nhóm nghề nghiệp trong mỗi doanh nghiệp”
Đối với VWSA, bà Hạ Thúy Hạnh đã có những đề xuất thúc đẩy bình đẳng giới dành như sau: Tăng cường vai trò vận động chính sách của VWSA trong việc xây dựng, góp ý sửa đổi, bổ sung nội dung Bình đẳng giới vào dự thảo Luật Cấp thoát nước và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật gồm nghị định, thông tư hướng dẫn trong đó có lồng ghép nội dung giới vào các trục nội dung chính. Tăng cường vai trò lãnh đạo, điều phối của VWSA đối với các Chi hội nước 3 miền và các doanh nghiệp Hội viên về việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược bình đẳng giới; chính sách đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ nhân viên nữ, và các kế hoạch hàng năm hành động thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Phối hợp cùng các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp cấp thoát nước tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại doanh nghiệp.
Hội thảo còn có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về bình đẳng giới tại nơi làm việc của các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ NN&PTNT và các công ty nước. Các đại biểu đã cùng thảo luận các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, từ việc tăng cường cơ hội giáo dục và đào tạo, cải thiện chính sách về tuyển dụng, đến việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong ngành Nước. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các gợi mở chính sách nhằm nâng cao vai trò của VWSA trong việc vận động chính sách để đưa các nội dung bình đẳng giới vào khung pháp lý trong ngành, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, và doanh nghiệp tư nhân để nâng cao hơn nữa vai trò, tiếng nói và tiềm năng của lực lượng lao động nữ trong ngành Nước ở Việt Nam.
Hội thảo đã khép lại với cam kết từ các bên liên quan trong việc xây dựng một môi trường làm việc công bằng và bình đẳng giới trong ngành nước. Dự kiến, trong thời gian tới, các sáng kiến từ hội thảo sẽ được triển khai thành các hành động cụ thể nhằm đảm bảo phụ nữ có cơ hội phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Nước tại Việt Nam.
Tường Thư