Dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE); ông Võ Quốc Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam và đại diện các công ty cấp thoát nước đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương,...
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.NGUT. Nguyễn Việt Anh đánh giá cao những nỗ lực của giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học; đồng thời bày tỏ mong muốn hội thảo trao đổi chuyên môn lần này sẽ là cơ hội kết nối giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên và doanh nghiệp ngành Nước.
Chia sẻ về một trong số những đề tài khoa học do giảng viên và sinh viên Trường ĐH Xây dựng nghiên cứu thời gian qua, GS.TS.NGƯT. Nguyễn Việt Anh cho biết, để kiểm soát ô nhiễm kênh mương, sông hồ đô thị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có việc kiểm soát nguồn thải vào sông hồ và xử lý bùn lắng đọng trong trầm tích.
Tuy nhiên, sau mỗi lần nạo vét bùn, sông hồ sẽ xuất hiện hiện tượng phú dưỡng, thậm chí hệ sinh thái bị phá vỡ và kéo theo hệ lụy tảo phát triển. Do đó, giải quyết tình trạng tảo phú dưỡng là một trong những vấn đề khiến nhiều địa phương phải "đau đầu".
Thông qua quá trình nghiên cứu, các thầy cô và sinh viên trường ĐH Xây dựng, Bộ môn Cấp Thoát nước đã ghi nhận những kết quả tích cực về công nghệ tạo bọt khí mịn/siêu mịn trong việc giải quyết tình trạng tảo phú dưỡng và tăng cường hàm lượng oxi hòa tan trong nước hồ, thúc đẩy quá trình tự làm sạch.
Theo đó, khi bọt chuyển động có chức năng như các hạt tăng ma sát, dùng nước đã bão hòa bọt nano làm sạch bề mặt con chip khi sản xuất linh kiện điện tử. Đây là công nghệ cao hướng tới áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như vệ sinh nhà cửa, nuôi trồng thủy hải sản,...
Đánh giá về công nghệ này, đại diện Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết công ty đặc biệt quan tâm kết quả nghiên cứu. Bởi lẽ, Hải Phòng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tảo phú dưỡng, gây cản trở cho hoạt động cung ứng nước sạch. Vì vậy, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng sẵn sàng đầu tư áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh nếu công nghệ bọt khí khả thi.
Cũng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VIWASE cho biết, hiện nay công ty đang thực hiện nhiều dự án quy hoạch về hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải tại TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... Chỉ tính riêng Hà Nội, dự báo nhu cầu nước sạch đến năm 2050 là khoảng 3.390.000 m3/ngđ.
Để bảo đảm nhu cầu nước sạch cho người dân, công ty sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch nhà máy nước, giảm thiểu sử dụng nước ngầm và khai thác nguồn nước mặt. Theo đó, một số dự án trọng tâm đặc biệt được quan tâm như: Nâng công suất nhà máy nước Sông Đà lên 600.000 m3/ngđ; Duy trì nhà máy nước Bắc Thăng Long; bổ sung nhà máy nước Xuân Mai lấy nước từ sông Đà. Cùng với đó xây dựng hệ thống tuyến ống truyền tải chính, hỗ trợ các nhà máy nước khi xảy ra sự cố, đảm bảo cấp nước cho toàn thành phố Hà Nội.
Vì vậy các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực Cấp Thoát nước sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu thất thoát, nâng cao chất lượng và quản lý nước sạch hiệu quả.
Cũng tại hội thảo, các Giảng viên Bộ môn Cấp Thoát nước và Nghiên cứu sinh của Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Xây dựng đã trình bày và báo cáo kết quả nghiên cứu mới được thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, nhiều đề tài thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự như: Xử lý đồng thời hữu cơ, Mangan, Amoni trong nước với bể lọc U-BCF; Công nghệ xử lý nước cấp cho vùng ven biển; Ứng dụng phế thải xây dựng vào xử lý nước thải chăn nuôi bằng công nghệ tường thấm PRB,..
Chung Anh