Nước ảo giúp thay đổi quản lý nguồn nước trong sản xuất cà phê

Lượng nước ảo trong canh tác và chế biến cà phê Tây Nguyên đang làm rõ và có thể giúp thay đổi sự khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức trong nông nghiệp Việt Nam.
 

Chỉ cần 345 ml nước lọc để vừa đủ pha chế một ly cà phê bằng chiếc máy Moka cá nhân. Nhưng dù pha theo cách nào, ở nhà hay ngoài tiệm, 345 ml nước vẫn không đủ làm nên một cốc cà phê thực thụ. Trong quá trình canh tác cây cà phê và chế biến hạt, 7.400 - 18.000 m3 nước đã được sử dụng cho một tấn cà phê, Lương Hữu Dũng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định. So với con số tổng này, 345 ml là một phần rất nhỏ.

Vậy, lượng nước cần thiết để nuôi lớn cây cà phê là bao nhiêu?

Theo khuyến nghị cơ bản của Viện Khoa học Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI), lượng nước cần tưới cho một cây cà phê Robusta là 400 - 500 lít/cây/lượt đối với cây trưởng thành. Trong khi đó, nông dân vùng Tây Nguyên thường sử dụng đến 700 lít nước cho mỗi cây, mỗi lần tưới. Do việc sử dụng nước ngầm quá mức, nông dân liên tục phải đào thêm nhiều giếng và bơm nước sâu hơn.

Tây Nguyên, bao gồm năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, chiếm khoảng 80% diện tích trồng cà phê ở Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Thói quen tưới tiêu không hiệu quả đi kèm sự tăng trưởng diện tích cà phê hằng năm ở Tây Nguyên khiến nguồn nước ngầm tại đây dần bị suy giảm. Theo số liệu đánh giá sơ bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất toàn vùng Tây Nguyên rơi vào khoảng 11,8 triệu m3 mỗi ngày. Trữ lượng khai thác nước an toàn là khoảng 2,3 triệu m3/ngày, trong đó trữ lượng nước có thể khai thác bằng giếng khoan là khoảng 1,7 triệu m3/ngày để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp.

Trên thực tế, chưa có con số thống kê chính xác về lượng nước ngầm khai thác bằng giếng khoan. Nhiều hộ dân khai thác nước để sản xuất cà phê, hồ tiêu, nhưng không tìm đến tư vấn, hướng dẫn của các đơn vị, cơ quan chuyên môn, dẫn tới sự suy giảm mực nước ngầm trong mùa khô, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết.

Nước ảo giúp thay đổi quản lý nguồn nước trong sản xuất cà phê - Ảnh 2.

Cần sự cân bằng

Lượng nước ngầm tại Tây Nguyên đang sụt giảm, nhưng sản lượng canh tác cà phê vẫn có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Hiện nay diện tích trồng cà phê nước ta đạt khoảng 680.000 héc-ta, trong đó diện tích kinh doanh là hơn 630.000 héc-ta, với sản lượng cà phê nhân đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết.

Trong 10 năm qua, Tây Nguyên trung bình bị mất 46.267 héc-ta rừng tự nhiên mỗi năm. Hơn nữa, toàn vùng có hơn 344.000 héc-ta đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, theo số liệu Bộ NN&PTNT chia sẻ tại một hội nghị năm 2020.

Nhiều diện tích cà phê chưa được canh tác hiệu quả, hoặc canh tác trên cây cà phê già cỗi. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, khi có tới 84-89% diện tích là của nông hộ, trong đó phần lớn có quy mô dưới 1héc-ta/hộ, dẫn tới việc khó tiếp cận vốn và tiến bộ kỹ thuật. 

Trước lợi ích kinh tế mang lại của các loại cây công nghiệp dài ngày vốn phù hợp với thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng tăng diện tích các loại cây nhiều nước tưới như cà phê và hồ tiêu đến mức vượt quy hoạch.

Quản lý nước hiệu quả bằng 'nước ảo'

Nhiều nghiên cứu đã sử dụng hiệu quả khái niệm ‘nước ảo&; để thống kê chính xác lượng nước sản xuất các loại mặt hàng nông nghiệp khác nhau. Cà phê Tây Nguyên cũng đặc biệt được chú trọng, nhất là trong những năm gần đây khi rủi ro cạn kiệt nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Trong một báo cáo năm 2020 do Đại học Queensland (Australia) thực hiện về cà phê Việt Nam, các nhà khoa học đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa thói quen tưới tiêu cà phê tại bốn tỉnh Tây Nguyên. 

Tại Đắk Lắk và Gia Lai, nông dân trồng cà phê thường sử dụng nhiều nước hơn tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT đề xuất. Trong khi đó, nông dân tại tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng sử dụng ít hơn hoặc bằng với tiêu chuẩn sử dụng nước này.

Lượng mưa hằng năm tại Đắk Lắk và Gia Lai khá thấp, nên nông dân trồng tại đây cũng sử dụng nhiều nước tưới tiêu hơn. Ngoài ra, một bộ phận nhà nông vẫn giữ quan niệm rằng cây trồng được tưới càng nhiều sẽ càng cho ra nhiều quả.  

Nước ảo giúp thay đổi quản lý nguồn nước trong sản xuất cà phê - Ảnh 3.

Các nghiên cứu tương tự để đánh giá lượng nước ảo trong nông nghiệp là một phần giải pháp trong bài toán quản lý nguồn nước Tây Nguyên. Ngoài ra, cần có các dự án giúp thay đổi nhận thức và hành vi của các hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu kiến thức và khả năng truy cập công nghệ mới.  

Một trong những dự án được tạo ra với mục tiêu trên là V-SCOPE do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và công ty JDE tài trợ, Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam cùng các đối tác thực hiện. Dự án có sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu, ICRAF nêu trong một thông cáo hồi tháng 6/2022.

Một trong những mục tiêu của dự án là cải thiện hiệu quả sử dụng nước ở cây cà phê và hồ tiêu tại Tây Nguyên. Hiện nay, dự án đang tiến hành thử nghiệm hệ thống đo lưu lượng dòng chảy trong thây cây để cung cấp thông tin thực về lượng nước tiêu thụ thực tế.

Tác giả: Thảo Ly

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1