Một số nội dung cơ bản tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 về giá nước sạch

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 về giá nước sạch đang nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch. Tại Hội thảo chính sách “An ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn” do Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức ngày 27/11/2020, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã có bài tham luận về một số nội dung cơ bản tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75. Chúng tôi xin dẫn lại bài tham luận để bạn đọc tham khảo.

Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên Bộ Tài chính- Xây dựng- Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 75) được ban hành từ năm 2012; là một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật về giá. Sau 8 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng đồng thời cũng đã phát sinh một số vướng mắc cần phải sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp.
 
du-thao-thong-tu-thay-the-thong-tu 75

Trong vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, căn cứ quy định tại Luật Giá, Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và sau khi thống nhất với Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai các hoạt động theo quy trình để soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75. Hiện nay, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 đang được gửi lấy ý kiến rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức và đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch theo quy định. Trong khuôn khổ hội nghị này, xin được trình bày một số nội dung cơ bản như sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 75

Căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá thi hành, có thể khẳng định, Thông tư liên tịch số 75 được ban hành với những nội dung đổi mới tích cực, đã bám sát và cụ thể hoá một cách rõ ràng nguyên tắc quản lý giá nói chung, trong đó có nước sạch tại Pháp lệnh Giá trước đây, nay là Luật Giá; đồng thời, hướng dẫn thực hiện rõ các quy định về giá nước sạch tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Kết quả thực hiện đã đạt được như sau:

- Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thực hiện được nguyên tắc xây dựng mức giá bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất - theo đó giá nước bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý xoá dần bao cấp về giá nước cho các đối tượng tiêu dùng, chuyển hoạt động mang tính công ích sang kinh doanh để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với đặc điểm nguồn nước, điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực…Đối với từng địa phương, đã từng bước xác định rõ không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức cá nhân trong nước hay nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng nước, góp phần tiết kiệm sử dụng nước và có xét đến chính sách an sinh xã hội, thông qua cơ chế hỗ trợ người nghèo thuộc các vùng đồng bào dân tộc và miền núi…

- Tăng cường tính minh bạch trong công tác xây dựng giá nước sạch, thẩm định và ban hành giá nước sạch sinh hoạt.

- Thu hút đầu tư vào ngành nước, thúc đẩy các đơn vị cấp nước tiết giảm chi phí, đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống, ứng dụng khoa học, công nghệ cao tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Thông tư đã quy định cụ thể các nguyên tắc điều chỉnh giá, nguyên tắc và mức tính lợi nhuận trong giá, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cấp nước tính toán phương án giá, các cơ quan có thẩm quyền duyệt giá thực hiện nhất quán nguyên tắc giá nước sạch phải thực hiện tính đúng, tính đủ và có lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển. Tránh được tình trạng giữ cố định giá trong thời gian dài khi các yếu tố hình thành giá đã thay đổi gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Việc quy định khoán tỷ lệ hao hụt nước sạch trong quá trình sản xuất cung ứng nước để tính trong giá tiêu thụ nước sạch đã tạo ra tác động tích cực để các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước; cơ chế thưởng khuyến khích người lao động giảm tỷ lệ hao hụt nước. Chính vì vậy thực tế rất nhiều đơn vị đã phấn đấu giảm được tỷ lệ hao hụt góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội nói chung, sự phát triển của ngành nước nói riêng, hoạt động sản xuất- kinh doanh nước sạch đã có nhiều thay đổi cả về quy mô, điều kiện sản xuất kinh doanh, định hướng quản lý giá của Nhà nước cũng có những điểm mới. Trong bối cảnh như vậy, đã tác động đến một số quy định tại Thông tư liên tịch số 75 cần phải sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp như:

- Về nguyên tắc điều chỉnh giá, trên thực tiễn thời gian qua cho thấy, có trường hợp chi phí biến động làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng, giảm không đáng kể gây lúng túng cho các đơn vị liên quan trong việc phải xác định có cần phải xây dựng phương án giá và điều chỉnh giá? Trong khi đó, đối với các yếu tố cấu thành chi phí có yếu tố khách quan như: giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, hoặc yếu tố chủ quan như: chi phí quản lý, mức sử dụng nguyên, nhiên vật liệu...khi có biến động, nếu điều chỉnh tăng theo chủ quan của đơn vị cung cấp nước sạch có thể không công bằng với khách hàng sử dụng nước; ngược lại, nếu điều chỉnh giảm giá do quản lý điều hành tốt nên tiết giảm chi phí sẽ không khuyến khích các đơn vị nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Về cấp bù, tại Thông tư số 75 quy định khi phê duyệt giá thấp hơn giá nước sạch đã thẩm định thì phải cấp bù hoặc có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế khó áp dụng và ít tính khả thi. Trong khi đó, thời gian qua Chính phủ đã có những quy định điều chỉnh về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó chỉ còn Dịch vụ cung cấp nước sạch cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng, đấu thầu, dịch vụ cấp nước đô thị không còn thuộc sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. 

- Về phương pháp xác định giá, một số khoản chi phí liên quan đến định mức tiêu hao vật tư, nhân công; chi phí lãi vay; khấu hao hiện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành....cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Tỷ lệ nước hao hụt tối đa tính trong giá tiêu thụ nước sạch cần phải đánh giá điều chỉnh cho phù hợp với việc áp dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ nước sạch. Quy định về lợi nhuận định mức tối thiểu trong phương án giá hiện đã phát huy xong hiệu quả và cần có sửa đổi lại. 

- Về giá bán buôn nước sạch sinh hoạt, tại Thông tư liên tịch số 75 quy định do bên mua và bán tự thỏa thuận. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều vướng mắc liên quan đến giá bán buôn như giá thành của một số đơn vị bán buôn (các dự án mới) cao hơn giá bán lẻ hiện hành; các đơn vị không thỏa thuận được giá bán buôn. Theo đó, việc xem xét cơ chế quản lý giá bán buôn với nước sạch cho sinh hoạt phù hợp với giai đoạn này là cần thiết. 

- Về lộ trình giá nước, là một trong những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần phải có nghiên cứu, đánh giá để xem xét đưa vào quy định pháp luật.

2. Một số nội dung cơ bản tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75

2.1. Đưa khung giá tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC vào dự thảo Thông tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ của văn bản QPPL; về cơ bản không điều chỉnh về mức giá nên không có tác động đến đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

a. Dự thảo quy định khung giá nước cho 03 nhóm:
 
STT Loại Giá tối thiểu (đồng/m3) Giá tối đa (đồng/m3)
1 Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp 3.000 18.000
2 Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn 2.000 11.000
3 Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy. 500 7.000

Đối với công trình cấp nước tập trung đô thị vào nông thôn (sản xuất nước theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt) về cơ bản ngoài việc bỏ phân biệt loại đô thị thì mức giá không thay đổi so với hiện hành. Ngoài ra, bổ sung nhóm Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy. Các công trình cấp nước nhỏ lẻ, tự chảy...tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi, nhiều công trình hiện chưa thu được tiền nước, một số công trình nước chỉ thu được tiền vận hành cơ bản. Các công trình này có chất lượng nước chỉ đạt vệ sinh do nước được xử lý bằng lắng, lọc (cát, đá, sỏi...) không được xử lý bằng hóa chất. 

b. Đối với trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn (không thuộc khu vực thực hiện cung cấp nước sạch theo quy định của pháp luật hiện hành về  cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước), chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp. Dự thảo không khống chế tỷ lệ vượt mức giá so với giá tối đa của khung như hiện hành (hiện hành khống chế tỷ lệ vượt tối đa là 50%). Do thực tiễn thực hiện hơn 8 năm qua, không có địa phương quy định vượt khung. Trong khi đó, một số địa bàn nhiễm mặn, mức vượt khung 50% là không đáp ứng được chi phí để sản xuất nước sạch nên không triển khai được, người dân thiếu nước phải tự mua nước ở nơi khác với giá rất cao. Vì vậy, dự thảo không khống chế tỷ lệ vượt so với khung giá để các địa bàn đặc thù linh hoạt triển khai, áp dụng đảm bảo quyền lợi về sử dụng nước sạch của người dân.

2.2. Phương pháp xác định giá.

- Đối với khoản chi phí vật tư trực tiếp, Chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí sản xuất chung, Chi phí quản lý doanh nghiệp, Chi phí bán hàng. Tại Thông tư liên tịch số 75 quy định khối lượng vật tư, số ngày công tại từng yếu tố chi phí được xác định căn cứ định mức do cơ quan nhà nước ban hành. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thi hành Thông tư liên tịch số 75 cho thấy quy định này có cả ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, tại dự thảo Thông tư đang đưa ra 02 phương án để lấy ý kiến: PA1 là giữ như hiện hành, khối lượng vật tư, số ngày công áp dụng định mức. PA2 là áp dụng theo mức tiêu hao thực tế của năm trước liền kề và phù hợp định mức.

- Về quy định lại lợi nhuận định mức: tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 75 đã có sự điều chỉnh từ tỷ lệ lợi nhuận định mức tối thiểu thành lợi nhuận tối đa và quy định theo số tuyệt đối.

- Về điều chỉnh tỷ lệ hao hụt tối đa: Thông tư 75 quy định tỷ lệ hao hụt tối đa tính trong giá tiêu thụ nước sạch được phân biệt theo tuổi đời mạng cấp nước với mức tối đa cho từng mạng từ 23- 32%. Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75quy định: Tỷ lệ hao hụt nước sạch đưa vào tính toán giá tiêu thụ nước sạch khu vực đô thị và khu công nghiệp tối đa là 15%. Tỷ lệ hao hụt nước sạch đưa vào tính toán giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn tối đa là 20%. 

- Về khống chế tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối, Thông tư 75 không quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu; dự thảo Thông tư thay thế hiện quy định khống chế tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 40%.

2.3. Quy định về cấp bù: Thông tư số 75 quy định khi phê duyệt giá thấp hơn giá nước sạch đã thẩm định thì phải cấp bù hoặc có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Dự thảo Thông tư thay thế điều chỉnh thu hẹp phạm vi theo hướng chỉ cấp bù cho khu vực nông thôn (không cấp bù khu vực đô thị, khu công nghiệp); đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng, đấu thầu thì thực hiện theo quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

2.4. Sửa đổi quy định về giá theo mục đích sử dụng: 

Thông tư số 75 quy định nước cho mục đích sinh hoạt chỉ có nước dùng cho sinh hoạt của dân cư; đối với nước dùng cho các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp; cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là nước cho mục đích khác ngoài sinh hoạt và nhà nước định giá nước cho sinh hoạt hộ dân cư, khống chế giá nước cho mục đích khác qua hệ số tính giá tối đa.

Dự thảo Thông tư quy định: nước dùng cho ăn uống, vệ sinh của con người là nước sinh hoạt. Theo đó, trong nước cho mục đích sinh hoạt sẽ phân biệt theo các đối tượng: Hộ dân cư; Đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động; Đối tượng khác sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt. 

2.5. Định giá bán buôn nước sạch sinh hoạt: Quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch số 75 thì giá bán buôn nước sạch do bên mua và bán tự thỏa thuận. Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 quy định: Giá bán buôn nước sạch sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định theo hình thức giá tối đa áp dụng chung cho các đơn vị bán buôn nước sạch trên địa bàn. Trên cơ sở giá bán buôn nước sạch sinh hoạt tối đa do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, đơn vị bán buôn nước sạch sinh hoạt tự quyết định giá bán nước sạch sinh hoạt cụ thể cho các khách hàng. 

2.6. Bổ sung quy định về lộ trình: Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 có bổ sung quy định về lộ trình: "Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ và thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn, lựa chọn ban hành quyết định về lộ trình điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt tối đa 05 năm”.

2.7. Về điều chỉnh giá, để khắc phục các hạn chế thời gian qua, tại dự thảo Thông tư đã sửa đổi theo hướng điều chỉnh khi các yếu tố chi phí doanh nghiệp không có khả năng kiểm soát biến động. Theo đó, trường hợp chi phí biến động giảm thì thực hiện giảm ngay; trường hợp chi phí biến động tăng thì doanh nghiệp chủ động quyết định lập phương án trình điều chỉnh tăng giá.

3. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75, tính đến thời điểm hiện nay, đã nhận được ý kiến tham gia của 03 cơ quan Bộ, ngành; 03 đơn vị cấp nước và 43 Sở Tài chính. Tổng hợp sơ bộ cho thây các ý kiến đều đồng thuận với dự thảo Thông tư. Bên cạnh đó, có một số nội dung cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu như quy định về lợi nhuận, lựa chọn phương án xác định chi phí, tỷ lệ hao hụt…. Ví dụ như, một số đơn vị có ý kiến đề nghị quy định lợi nhuận tối thiểu và theo tỷ lệ phần trăm để tránh phải sửa Thông tư nhiều lần; có đơn vị thống nhất việc quy định theo số tuyệt đối để hạn chế bất cập khi xác định lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm trên giá thành là đơn vị hoạt động hiệu quả, tiết giảm chi phí có giá thành thấp thì lợi nhuận tuyệt đối thấp. Ngoài ra, các phương án xác định chi phí theo định mức hay theo thực tế cũng đều có ưu, nhược điểm riêng và nhận được nhiều ý kiến tham gia. 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Nguồn: Bài tham luận của Cục Quản lý giá
tại Hội thảo chính sách "An ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn”
- Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1