Sức bật của một doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) trong năm 2020 duy trì ổn định, đạt doanh thu khá ấn tượng với hơn 3.700 tỷ đồng, nộp ngân sách vượt chỉ tiêu được giao hơn 50 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Thanh Trúc (giữa, hàng đứng), Phó Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lễ ký kết hợp đồng vay vốn trị giá 16 triệu USD giữa Biwase, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và JICA

 Niềm tin của nhà đầu tư

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase cho biết, với những nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2020 Biwase đã có những kết quả khá ấn tượng. Tổng công suất nước cung cấp 710.000m3/ngày đêm, tăng 250.000m3 so với năm 2019; sản lượng tiêu thụ đạt hơn 165 triệu m3, tăng 6,6%; phát triển được 27.685 khách hàng. Tổng doanh thu 3.735 tỷ đồng, trong đó doanh thu nội bộ đạt 579 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận sau thuế đạt 526 tỷ đồng, tăng 13%; nộp ngân sách 201 tỷ đồng, tăng 114%, tăng hơn 50 tỷ đồng so với kế hoạch được giao. Năm 2021, Biwase phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ 176 triệu m3, đấu nối cấp nước cho 28.000 khách hàng, tổng doanh thu 3.560 tỷ đồng và doanh thu nội bộ khoảng 300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 600 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 tỷ đồng.

Trước diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh Covid-19, với nhiệm vụ kép vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) vừa bảo đảm lợi nhuận trong kinh doanh, kết quả hoạt động trong năm 2020 của Biwase đã đem lại sự hài lòng, tin tưởng cho các nhà đầu tư. Có thể nói sau cổ phần hóa đã giúp nhiều DN trên địa bàn, trong đó có Biwase chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc chủ động kêu gọi nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực cấp thoát nước, môi trường. Biwase đem lại niềm tin cho nhà đầu tư cũng như các nhà tài trợ cho các dự án từ uy tín, kinh nghiệm, sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đó cũng chính là cơ sở để các nhà đầu tư, các cổ đông, nhất là các nhà tài trợ chấp thuận các hợp đồng vay vốn hỗ trợ thường đòi hỏi những điều kiện mà không phải DN trong nước nào cũng có thể đáp ứng. Trung tuần tháng 11-2020, việc thông qua ký kết hợp đồng vay ODA trị giá 16 triệu USD từ ADB bank và JICA tài trợ đã đánh dấu Biwase trở thành DN sau cổ phần hóa nhận được nhận nguồn vốn vay mà không thông qua bảo lãnh của Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đồng tình và đánh giá cao kết quả đạt được giữa các bên trong việc ký kết hợp đồng tài trợ vốn vay để Biwase nâng công suất nhà máy nước Tân Hiệp thêm 100.000m3/ngày đêm. Dự án sẽ góp phần mở rộng phạm vi cấp nước và gia tăng tỷ lệ người dùng nước sạch trên địa bàn tỉnh, vừa góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời đáp ứng mục đích về vay vốn hỗ trợ phát triển của ADB và JICA đã đề ra.

Lấy con người làm trung tâm

Ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ thêm, chính niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư và các cổ đông vào HĐQT trong vận hành “guồng máy” trong thời gian qua là sự động viên to lớn để HĐQT, Ban Giám đốc Biwase và từng đơn vị trực thuộc, các cá nhân luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm được giao. Trong đó việc hoạch định chiến lược mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm ra hướng đi đúng đắn trong quá trình hoạt động. Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh khiến nhiều DN có khuynh hướng “Sản xuất, kinh doanh an toàn”, Biwase lại chọn hướng đi khác, tiếp tục đầu tư, mở rộng công suất cấp nước cho hàng loạt nhà máy nước để đón đầu cơ hội, đón đầu làn sóng đầu tư vào Bình Dương cũng như từ cơ sở tính toán về tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ dân cư trên địa bàn. Đây là nguyên nhân giúp cho DN bảo đảm hoàn thành tốt cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa bảo đảm nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn để phục vụ trong sinh hoạt trong sản xuất cho người dân và DN, vừa gia tăng được sản lượng nước tiêu thụ đem lại hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh việc cấp nước sạch, việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải cũng được Biwase mở rộng, tăng cường công suất xử lý tại các nhà máy góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, vừa đem lại không ít những lợi nhuận từ việc xử lý chất thải, rác thải làm phân bón, làm điện, giảm tỷ lệ thất thoát nước.

Theo tính toán, lượng rác thải sinh hoạt hàng năm trên địa bàn tăng khoảng 10%. Trung bình mỗi ngày Biwase tiếp nhận và xử lý khoảng 2.200 tấn rác thải các loại. Với quy trình công nghệ xử lý hiện đại, khép kín, trên 70% rác thải đã được xứ lý, thu gom khí để sản xuất điện năng giúp tiết kiệm cho hoạt động chế biến phân bón hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, chất thải còn được tái chế vật liệu xây dựng, sản phẩm khác đem lại nguồn thu đáng kể trong hoạt động. Ý nghĩa hơn nữa là công nghệ phát điện từ rác thải đã góp phần rất quan trọng trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiết kiệm tài nguyên vì sự nghiệp phát triển bền vững.

Sự chuyển mình từ một đơn vị dịch vụ công ích sang Công ty TNHH MTV và trở thành một trong những DN đầu tiên thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ là cơ hội để DN tự khẳng định mình bằng chính kết quả tăng trưởng ổn định, bền vững. Tại một buổi hội thảo tiếp xúc với các nhà đầu tư, các cổ đông chiến lược của Biwase, ông Nguyễn Văn Thiền khẳng định: “Thành công hay thất bại vẫn từ con người. Do vậy con người là “Giá trị cốt lõi” để đem đến những thành công cho DN. Đây là lý do mà HĐQT Biwase dành 5% trên lợi nhuận hàng năm để chi trả thưởng cho các cá nhân, tập thể đóng góp cho kết quả hoạt động của DN”. Ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ rằng, dù nhiều lần bị các nhà đầu tư “soi” về khoản chi này, nhưng cá nhân ông và nhiều cổ đông chiến lược đồng quan điểm phải thật sự trân quý đối với những cống hiến, đóng góp của người lao động. Việc các cá nhân nhận được mức thưởng là hoàn toàn xứng đáng với những gì họ đã mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, các cổ đông. Lấy con người là nhân tố trung tâm, kế đến mạnh dạn ứng dụng, đổi mới công nghệ, lựa chọn thiết bị, vật tư phù hợp… đó là một trong những bí quyết để giúp Biwase kiến tạo nên các giá trị bền vững trên con đường phát triển của mình, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Mới đây, khi đến thăm nhà máy xử lý rác thải làm phân compost công suất 840 tấn/ngày tại Chi nhánh Xử lý Chất thải Bình Dương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng phát biểu: “Khi còn làm lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, tôi rất quan tâm lo lắng vấn đề thu gom, xử lý rác thải và môi trường. Đến nay cả nước vẫn còn một số nơi còn khó khăn lúng túng trong việc xử lý rác thải đô thị, trong khi tỉnh nhà đã hoàn thiện quy trình xử lý rác thải khép kín, thân thiện môi trường, tôi thật sự vui mừng”.

Hiện Biwase đang vận hành 4 nhà máy thu gom, xử lý nước thải, tổng công suất 70.000 m3/ngày đêm tại 4 đô thị lớn của tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên với công nghệ hiện đại nhất, hoạt động hiệu quả. Niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư thể hiện qua lần chào bán đấu giá 37,5 triệu cổ phiếu ra công chúng thông qua hình thức đấu giá công khai trên HoSe với giá khởi điểm 25.500 đồng/cổ phiếu. Kết quả, có 17 nhà đầu tư đăng ký mua gần 34 triệu cổ phiếu BWE, trong đó có 3 tổ chức nước ngoài, 3 tổ chức và 11 cá nhân trong nước thu về gần 1.000 tỷ đồng, đưa Biwase vào danh sách DN có số vốn hơn 5.000 tỷ đồng.
 
 MINH DUY (biwase.com.vn)

Bài viết cùng chuyên mục