Tích cực chủ động tham gia tư vấn phản biện cơ chế chính sách, góp phần phát triển ngành nước Việt Nam

Qua 30 năm hoạt động, Hội Cấp Thoát nước Việt nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Ngành theo từng thời kỳ với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 
 
Hội thảo khoa học Đối thoại về Quản lý chất lượng nước và nước thải các đô thị Việt Nam do Đối tác nước của Việt Nam, Ban Chính sách - Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường tổ chức ngày 01/12/2017 tại Hà Nội.

Cùng với sự đóng góp tích cực của các đơn vị Hội viên, các chi Hội, Ban thường vụ của Hội đã tích cực tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: (1) Tư vấn, phẩn biện chính sách; (2) Đào tạo, nâng cao năng lực phát triển nguồn nhân lực ngành nước; (3) Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dựng chuyển giao công nghệ; (4) Thông tin, truyền thông; và (5) Hợp tác quốc tế.

- Về hoạt động tư vấn phản biện chính sách: thông qua nhiều hoạt động nhất là qua hội nghị, hội thảo, Hội luôn lắng nghe, nắm bắt những khó khăn bất cập cũng như nguyện vọng của các đơn vị hội viên, trên cơ sở đó Hội đã chủ động và tích cực tham gia góp ý kiến, tư vấn, phản biện các văn bản quy phạm pháp luật, các Chiến lược, kế hoạch quy hoạch, các tiêu chuẩn quy chuẩn của ngành; đại diện cho đơn vị hội viên kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn bất cập trong thực thi các cơ chế chính ngành nước như việc xây dựng các Luật, Nghị định, Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, các tiêu chuẩn quy chuẩn cũng như các văn bản Quy phạm pháp luật của ngành;

- Ngoài ra Hội luôn quan tâm đến những vấn đề nóng của ngành như nâng cao chất lượng nước, vấn đề úng ngập, hạn hán; vấn đề an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL do tác động của BĐKH; vấn đề điều chỉnh các quy chuẩn tiêu chuẩn như quy chuẩn quốc gia; vấn đề thực hiện Cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành nước theo quyết định của Chính phủ…luôn được Hội quan tâm trăn trở bằng nhiều hình thức như tranh thủ sự hỗ trợ tham vấn của các tổ chức chuyên gia Quốc tế, khảo sát đánh giá sơ bộ thực trạng tình hình, tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhằm tìm ra những bất cập khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ để kiến nghị với các Bộ ngành và Chính phủ xử lý kịp thời trong quá trình thực thi Cơ chế chính sách của ngành.

Để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của các đơn vị hội viên cũng như góp phần giải quyết những khó khăn thách thức của ngành do thực tiễn đặt ra, Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động về hoàn thiện các cơ chế chính sách ngành nước trong thời gian tới đó là:

1. Cùng các đơn vị hội viên tiếp tục đề xuất tham mưu để thúc đẩy việc thực hiện Cổ phần hóa theo Quyết định của Chính phủ yêu cầu có lộ trình thích hợp và hiệu qu.

2. Tiếp tục chủ động trong việc tư vấn phản biện cơ chế chính sách cũng như tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng Luật Nước sạch; nghiên cứu sửa đổi NĐ 117 cho phù hợp với Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường cũng như nâng cao tính pháp lý giữa UBND các cấp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

3. Phối hợp và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước tổng kết đánh giá NĐ 80 về thoát nước và xử lý nước thải như NĐ 117 nhiều nội dung cần phải sửa đổi đặc biệt liên quan đến chủ sở hữu các công trình thoát nước, giá dịch vụ thoát nước và tổ chức quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong quá trình CPH.

4. Tham gia nghiên cứu, đề xuất giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền về đảm bảo cấp nước trong điều kiện của biến đổi khí hậu cho các vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên và Dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long (hạn hán, nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước…). Đưa nội dung tác động của biến đổi khí hậu vào các quy hoạch cấp nước và thoát nước.

5. Tham gia ý kiến trong việc xây dựng các Quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật mà trước mắt là QC kỹ thuật về Quy hoạch xây dựng; Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các tiêu chuẩn có liên quan đến Vật tư thiết bị ngành nước;

6. Tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh bổ sung hoặc ban hành mới các định mức kinh tế, kỹ thuật: Định mức dự toán công tác sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng lưới cấp nước; Định mức dự toán duy trì hệ thống thoát nước đô thị.

Việc hoàn hiện các cơ chế chính sách của Ngành trong thời gian tới để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 đã được Chính phủ phê chuẩn là một yêu cầu cấp bách, trọng tâm của Ngành rất cần sự đóng góp trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đặc biệt là vai trò của Hội tham gia tích cực cùng với các Bộ ngành chức năng để hoàn thiện chính sách đảm bảo tính khả thi cao. Đây là một nhiệm vụ lớn với nhiều khó khăn thách thức cần có lộ trình phù hợp bên cạnh đó hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về việc thực thi chính sách cũng cần được ưu tiên cao trong thời gian tới.

Hạ Thanh Hằng
Trưởng Ban Chính sách phát triển - Hội CTN VN

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1