Công ty Cổ phần Cấp Nước Hải Phòng


Địa chỉ: Số 54 Đinh Tiên Hoàng, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng
Điện thoại: 0225.3745377
Fax: 0225.3823748
Email: congtycophancapnuochaiphong@gmail.com
Website: https://capnuochaiphong.com.vn

Ngành nghề Hoạt động:
1.   Khai thác sản xuất, kinh doanh nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất và các nhu cầu khác. Sản xuất nước tinh lọc (Nước uống đóng chai)­.
2.   Khảo sát, thiết kế, giám sát và thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, công trình dân dụng, công nghiệp, điện, cơ khí, giao thông.
3.    Hoạt động tư vấn quản lý chất lượng nước, dịch vụ lập quy hoạch, dự án đầu tư, thẩm định dự án cấp nước, kiểm nghiệm chất lượng nước, kiểm định đồng hồ đo nước lạnh, bán buôn thiết bị, vật tư ngành nước.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY

Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã tiến hành tìm nguồn nước cấp cho Hải Phòng, đến năm 1905 sau gần 10 năm khảo sát xây dựng, nhà máy nước đầu tiên đã được khánh thành tại Lán Tháp Uông Bí, CS thiết kế 5000 m3/ ngày (khai thác nước suối Vàng Danh - Quảng Ninh). Hệ thống cấp nước bao gồm đập nước tại Lán Tháp, dẫn nước vào khối bể lọc chậm gồm 40 bể để đưa về Hải Phòng bằng hệ thống ống gang DN 600 dài trên 33 km, vượt qua 10 con sông lớn nhỏ (trong đó có 3 con sông lớn là Đá Bạc, sông Giá và sông Cấm) bằng các ống thép xi phông. Năm 1932, trạm bơm tăng áp Đinh Tiên Hoàng được xây dựng gồm l đài nước cao 25m, dung tích 500 m3, 6 đài nước cao 8m, tổng dung tích l.800 m3 và l trạm bơm tăng áp.

Sau ngày tiếp quản Hải Phòng (13/5/1955), thực dân Pháp để lại một Nhà máy nước Uông Bí và Trung tâm cấp nước Đinh Tiên Hoàng, không đủ đáp ứng nhu cầu dùng nước hàng ngày trên địa bàn nội thành. Được sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền thành phố, trên cơ sở thắng lợi của cuộc đấu tranh gìn giữ máy móc, thiết bị, Hải Phòng tiến hành đầu tư xây dựng một số công trình cấp nước như: Nhà máy nước An Dương, giai đoạn I (1959 - 1961) CS 20.000 m3/ ngày sau đó được nâng CS lên  60.000 m3/ ngày hoàn thành vào năm 1971; Nhà máy nước Đồ Sơn công suất l.000 m3/ngày. Riêng thị xã Kiến An dùng nước qua 2 trạm bơm nước giếng Khúc Trì và Tràng Minh với CS 2.420 m3/ ngày; Cũng trong thời gian này, Nhà máy nước Đồ Sơn bị bom Mỹ đánh phá hỏng nặng nề, đến năm 1970 mới khôi phục hoạt động trở lại. Nhìn chung, mạng lưới cấp nước của Thành phố trong 10 năm sau giải phóng (1955 - 1965) mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của thành phố, mức độ dịch vụ còn thấp.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975), Hải Phòng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt, hệ thống cấp nước thành phố bị tàn phá nặng nề. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, đội ngũ tự vệ, CBCNV Nhà máy xác định rõ vai trò, trách nhiệm trước cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, tất cả đều nêu cao tinh thần: Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, đã bám máy, bám công trình ngày đêm đảm bảo cấp nước liên tục phục vụ cho thành phố. Trong cuộc chiến tranh ác liệt ấy, một số công nhân đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ, hàng trăm công nhân khác tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong số họ nhiều người đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường. Đó là những tấm gương sáng góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, của những người thợ cấp nước Hải Phòng.

Sau ngày thống nhất đất nước, Hải Phòng với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đô thị không ngừng được mở rộng. Thành phố đã tập trung chỉ đạo Nhà máy khẩn trương cải tạo nâng cấp và xây dựng hệ thống cấp nước. Kết quả là: Nhà máy nước Cầu Nguyệt ra đời, giai đoạn I CS 20.000 m3/ngày (1976 - 1977), giai đoạn II nâng CS thêm 40.000 m3/ ngày (1979 - 1980). Nhà máy nước Vật Cách khánh thành (năm 1987) với CS 11.000 m3/ ngày. Nhà máy nước Đồ Sơn được cải tạo nâng CS lên 5.000 m3/ ngày (năm 1987). Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về kinh tế, việc đầu tư cho các công trình cấp nước thời kỳ này vẫn mang tính tạm thời, chắp vá, thiếu đồng bộ, công tác quản lý cấp nước gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thất thoát nước, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trước năm 1990, mặc dù sản lượng nước sản xuất bình quân khoảng 200 lít/người/ ngày, nhưng vẫn còn rất nhiều khu dân cư thiếu nước sinh hoạt, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ thiếu nước sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân do nước thất thu thất thoát lên tới 70%, công ty lâm vào cảnh thua lỗ, Nhà nước phải bao cấp.

Sau năm 1990, Được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố, các tổ chức trong và ngoài nước cùng với sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Công ty Cấp nước Hải Phòng đã mạnh dạn đổi mới đồng bộ công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, triển khai các dự án cấp nước, mở rộng địa bàn phục vụ đảm bảo nâng cao năng lực cấp nước cho nhân dân thành phố. Doanh thu từ dịch vụ cấp nước năm sau cao hơn năm trước, đời sống CBCNV được cải thiện. Hàng năm công ty luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, đưa công ty từ một đơn vị cung ứng dịch vụ cấp nước yếu kém, thua lỗ thành một công ty cấp nước trong tốp đầu toàn quốc về cung ứng dịch vụ, có tỷ lệ nước thất thoát thấp và kinh doanh có lãi.

Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống cấp nước Hải Phòng bao gồm: 8 nhà máy với tổng CS  213.500 m3/ngày, hơn 300 km đường ống truyền dẫn chính và hàng nghìn km đường ống phân phối, phục vụ cho 265.000 khách hàng với dịch vụ cấp nước ổn định đảm bảo bảo chất lượng. Số dân được dùng nước sạch từ hệ thống cấp nước của thành phố hiện nay khoảng 1,2 triệu người. Nước thất thoát dưới 15% toàn thành phố.

Một số dự án chính Công ty Cấp nước Hải Phòng đã thực hiện đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố:

- Dự án lA, với tổng kinh phí đầu tư 29,5 triệu USD, cải tạo hệ thống cấp nước 3 quận nội thành Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, nâng công suất NMN An Dương từ 60.000m3/ngày lên 100.000 m3/ngày, bằng nguồn vốn vay WB.

- Dự án cấp nước cho các khu công nghiệp Đình Vũ (quận Hải An), KCN Quán Toan, KCN Bến Kiền KCN Tràng Duệ (huyện An Dương).

- Dự án xây dựng NMN Minh Đức (huyện Thủy Nguyên), công suất 2.000 m3/ngày cung cấp cho trên 3.000 khách hàng, bằng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Phần Lan thông qua WB.

- Dự án Cấp nước 2A, với tổng mức đầu tư 14 triệu USD, cải tạo NMN Cầu Nguyệt CS 40.000 m3/ngày, mở rộng hệ thống cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp và các khu đô thị mới thuộc quận Kiến An và các vùng lân cận thuộc huyện An Lão, Kiến Thụy,… phục vụ cấp nước cho khoảng 32.000 khách hàng, bằng nguồn vốn vay WB.

- Dự án cải tạo nâng cấp NMN Vật Cách từ 11.000 m3/ngày lên 30.000 m3/ngày, xây dựng 7 km đường ống DN 400 kết nối nhà máy với mạng lưới cấp nước thành phố,  tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng.

- Dự án xây dựng khoảng 4km tuyến ống gang DN 1000 cấp nước thô thứ 2 từ Trạm bơm Quán Vĩnh đến NMN An Dương, tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng.

- Dự án cải tạo các công trình trong nhà máy nâng CS NMN Vĩnh Bảo từ 2.500 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm, xây dựng các tuyến truyền dẫn D300-D200, phát triển mạng lưới cấp nước ra các xã Nhân Hòa, Tân Hưng, Tân Liên, Trung Lập, Việt Tiến, Tam Đa… nâng số khách hàng dùng nước từ 1.300 lên 6.500 khách hàng

- Dự án nâng cao năng lực vận hành và cải thiện chất lượng nước NMN Cái Giá, huyện đảo Cát Hải với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp chủ động cấp nước an toàn ổn định kể cả ngày cao điểm, đáp ứng cho khu du lịch Cát Bà không còn thiếu và bị động như trước khi được bàn giao cho công ty quản lý.

- Dự án mở rộng mạng lưới cấp nước ra các xã thuộc huyện An Lão, Kiến Thụy, An Dương, Cát Hải.

- Dự án nâng cấp mạng lưới cấp nước quận Đồ Sơn giúp cải thiện chất lượng phục vụ và chất lượng nước cho khu du lịch.

- Dự án án xây dựng khối bể lọc sinh học (U-BCF) công nghệ Nhật Bản CS 5.000 m3/ng tại NMN Vĩnh Bảo, lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam để khử chất hữu cơ trong nước kịp thời ứng phó với ô nhiễm nguồn nước, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục nước Kitakyushu, Nhật Bản.

Kế hoạch phát triển: Theo Quyết định số 1448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (từ 1/4/2015), Công ty Cấp nước Hải Phòng đó xây dựng kế hoạch phát triển Hệ thống cấp nước thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 – 2050, bao gồm:

- Dự án Cấp nước Hải Phòng giai đoạn 2 vay vốn ADB khoảng 1.600 tỷ đồng với các hạng mục chính: Nâng công suất NMN An Dương lên 200.000 m3/ngày; Xây dựng 3 Nhà máy nước tại Hưng Đạo (quận Dương Kinh), Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên) và Kim Sơn (huyện An Dương) với tổng công suất 75.000m3/ngày; Cải tạo cấp nước cho các quận Đồ Sơn, Dương Kinh, Bắc sông Cấm và Tây An Dương, với gần 80km ống chuyên tải và khoảng 20.000 máy nước.

- Dự án đầu tư xây dựng bể lọc UBCF CS 100.000 m3/ngày (giai đoạn đầu) tại NMN An Dương, tổng mức đầu tư khoảng 315 tỷ đồng USD, bằng nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản.

- Hiện đại hóa quản lý mạng lưới đường ống bằng công nghệ thông tin, tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

- Các dự án sử dụng nguồn vốn của công ty, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng với khoảng 40.000 máy nước và các NMN nhỏ, hệ thống đường ống truyền dẫn, đến năm 2030.

Ghi nhận các kết quả đạt được, tập thể CBCNV công ty đó được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (2001), Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (2005), Huân chương Độc Lập hạng Nhì (2010), nhiều năm liên tục được Chính phủ và thành phố tặng Cờ thi xuất sắc; đặc biệt năm 2015 cũng là năm công ty kỷ niệm 110 năm Ngành cấp nước Hải Phũng vinh dự lớn lao cho tập thể CBCNV công ty được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ và Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Riêng cá nhân đồng chí Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2014). Đây là hành trang rất đáng tự hào để đội ngũ CBCNV công ty tiếp bước với niềm hy vọng lập thêm nhiều thành công mới.Trải qua hành trình 110 năm (1905 – 2015), xây dựng và trưởng thành Công ty Cấp nước Hải Phòng, giai đoạn 2005 – 2015 được đánh giá là có những bước phát triển nhảy vọt rất đáng tự hào. Với tinh thần năng động, sáng tạo, tìm tòi hướng đi đúng đắn, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường, Công ty Cấp nước Hải Phòng không những phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân thành phố mà còn hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và người lao động, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, được đánh giá là đơn vị nằm trong tốp đầu trong việc chống thất thu, thất thoát nước; được Ngân hàng Thế giới đánh giá là doanh nghiệp có các chỉ tiêu hoạt động tốt, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và trả được lãi vay đủ, đúng kỳ hạn.
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1