Ra mắt Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng ngành Nước Việt Nam

Sáng 25/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ra mắt Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam (VWTC)

Tham dự có ông Cao Lại Quang, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đã được khẳng định trong Chiến lược Phát triển Hội Cấp thoát nước Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong những năm vừa qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Hội và sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ các dự án quốc tế, đặc biệt từ khi thành lập Ban Đào tạo tháng 10/2013 trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ đào tạo ra khỏi Ban Khoa học Công nghệ và Đào tạo và kiện toàn nhân sự Ban Đào tạo tháng 9/2015, công tác đào tạo bồi dưỡng của Hội đã được đẩy mạnh.
 


Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam tặng hoa chúc mừng ông Phạm Xuân Điều - Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam. Ảnh: Hà Thắm

1. Những kết quả đã thể hiện vai trò của Hội Cấp thoát nước Việt Nam trong công tác đào tạo:

Kể từ khi được thành lập Ban Đào tạo tới nay (10/2013 – 10/2017), Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức được 110 lớp tập huấn với sự tham dự của trên 5.000 học viên.

Hàng năm Ban Đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam đều xây dựng kế hoạch đào tạo cho năm tiếp theo, gửi tới tất cả các đơn vị hội viên để khảo sát nhu cầu đào tạo và nắm bắt những chương trình đào tạo các Hội viên mong muốn Hội đứng ra triển khai.Vì vậy, hầu hết các khóa học được các học viên đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng, rất bổ ích cho các học viên.

Số lượng các lớp đào tạo bồi dưỡng tăng dần theo từng năm, nội dung đào tạo bồi dưỡng ngày càng đa dạng, thiết thực, gắn với yêu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp. Trong 110 khóa học có:

- 20 lớp tập huấn cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (một số khóa học tiêu biểu như tập huấn Nghị định 82/2017/NĐ – CP cấp quyền khai thác tài nguyên nước; các nghị đinh, thông tư mới liên quan đến hoạt Luật Xây dựng 2014; các quy định liên quan đến Luật kế toán 2015; các chính sách mới về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội 2016, 2017, 2018; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới các công trình cấp thoát nước; các quy định mới nhất về Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp….);

- 06 lớp bồi dưỡng giảng viên nguồn dành cho các doanh nghiệp thoát nước và 01 lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho các giảng viên làm công tác đào tạo tại các doanh nghiệp cấp nước;

- 49 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (tiêu biểu như lớp bồi dưỡng thị trường chứng khoán và quản trị công ty sau cổ phần hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đấu thầu qua mạng; quản lý tài chính và cung cấp dịch vụ hiệu quả; quản lý tài sản; an toàn, vệ sinh lao động; quản trị nhân sự và chính sách lao động, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp; kiểm soát viên doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp….)

- 34 chuyên đề quản lý kỹ thuật cấp thoát nước (cấp nước an toàn, quản lý chất lượng nước các chuyên đề chuyên sâu dành cho các công ty thoát nước và xử lý nước thải, các khóa đào tạo dành cho kỹ thuật viên thoát nước và XLNT, ứng dụng phần mềm vào tính thoát, thiết kế mạng lưới thoát nước, quản lý tài sản, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành nước…).
 


Ra mắt nhân sự Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam. Ảnh: Hà Thắm

Ý nghĩa đem lại cho các đơn vị hội viên trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

- Hoạt động đào tạo bồi dưỡng của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các đơn vị hội viên về tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực; nhiều đơn vị đã coi đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Các chương trình đào tạo giúp các cán bộ công nhân viên nắm rõ hơn các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật trong ngành, giúp đơn vị giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng các văn bản pháp luật tác động trực tiếp đến đơn vị, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đội ngũ giảng viên nguồn của Hội Cấp thoát nước Việt Nam được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức với sự hỗ trợ của các dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng được lực lượng cán bộ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nền tảng và các kỹ năng thiết yếu để làm việc trong ngành thoát nước và xử lý nước thải.

Từ năm 2015, Hội đã phối hơp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị và Trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng triển khai và duy trì 04 lớp đại học hệ vừa làm vừa học với trên 300 học viên đến từ các doanh nghiệp hội viên cho khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác đào tạo phát triển nguồn nguồn nhân lực của Hội đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất tích cực của các dự án quốc tế; đặc biệt là 3 dự án của CHLB Đức, bao gồm Dự án Hợp tác Hiệp hội Đức - Việt nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam (DEVIWAS), Chương trình Quản lý nước thải (GIZ – WMP) và Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam (TVET) Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ – WMP), Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Phát triển ngành nước và vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ Hợp tác mới (DEWASP).

Với mục tiêu xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và bồi dưỡng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành cấp thoát nước Việt Nam một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp Hội viên, ngày 27/6/2017, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng ngành nước Việt Nam (VWTC) với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên các Hội viên Hội Cấp thoát nước Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
 
  

Đại diện Ngân hàng thế giới và GIZ, những đối tác quan trọng trong công tác đào tạo của Hội Cấp thoát  nước Việt Nam. Ảnh: Hà Thắm

  

Ông Trương Công Nam - Giám đốc Công ty Cấp nước Thừa thiên Huế và ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Thoát nước Hải Phòng. Ảnh: Hà Thắm

2. Trọng tâm công tác đào tạo của VWTC

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trong thời gian tới, VWTC tập trung vào:

2.1. Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, cập nhật các văn bản chính sách pháp luật tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giảng viên được mời là lãnh đạo các Cục, Vụ của các Bộ chuyên ngành, các chuyên gia trực tiếp soạn thảo, thẩm định các văn bản pháp luật.

2.2. Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các chương trình đào tạo gắn với vị trí công việc mà học viên thực hiện ở đơn vị;cập nhật thường xuyên theo nhu cầu, đề xuất của các doanh nghiệp. Giảng viên được lựa chọn là các chuyên gia uy tín và nhiều kinh nghiệm, đến từ các đơn vị chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực chuyên ngành.

2.3. Đẩy mạnh các lớp bồi dưỡng các chuyên đề kỹ thuật chuyên ngành cấp thoát nước

- Trong lĩnh vực cấp nước: cấp nước an toàn, quản lý chất lượng nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước….
-Trong lĩnh vực thoát nước:

• Các chuyên đề đào tạo chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải: mặc dù dự án GIZ – WMP sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, nhưng trong năm 2018, Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tiếp tục lựa chọn các chuyên đề phù hợp để triển khai đào tạo cho các đơn vị có nhu cầu.
• Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn thoát nước và xử lý nước thải dành cho kỹ thuật viên; tổ chức các kỳ thi đào tạo nghề thoát nước và XLNT theo chương trình TVET – GIZ
• Các chuyên đề khác theo yêu cầu, đề xuất của các đơn vị hội viên như thi công đấu nối hệ thống thoát nước thải, ứng dụng phần mềm trong tính toán, thiết kế và quản lý mạng lưới thoát nước…

2.4. Tổ chức các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị trên toàn quốc: chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực cấp thoát nước; chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ an toàn lao động….

2.5. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng đào tạo tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ công nhân viên hội viên theo đề xuất của doanh nghiệp.

2.6. Thực hiện các chương trình tư vấn đào tạo, chuyển giao tri thức cho các dự án trong nước và quốc tế hỗ trợ cho Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
 


Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hà Thắm

Có được kết quả trong công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong thời gian vừa qua ngoài sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Hội, còn có sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cấp thoát nước trên toàn quốc./.

Tùng Anh

 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1