PAC Việt Nam đảm bảo an toàn sức khỏe người dân

Đó là một trong những nội dung được đề cập tới tại Hội thảo khoa học do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì đã phối hợp tổ chức ngày 14/9/2017, tại khách sạn Daewoo, Hà Nội. 

Hội thảo đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự sản phẩm PAC bằng các luận cứ khoa học, làm rõ tính ưu việt của sản phẩm PAC sử dụng trong sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Đồng thời xác định nhu cầu để tiếp tục quy hoạch mở rộng quy mô sản xuất PAC tiến tới thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 
 

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Đại Quang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam; ông Văn Đình Hoan - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì; đại diện cơ quan quả lý nhà nước thuộc các bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực hóa học và xử lý nước; các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và sử dụng PAC. 

Sản phẩm PAC (Poly Aluminium Chloride) được giới thiệu là loại phèn nhôm tồn tại ở dạng cao phân tử (polyme), được sản xuất lượng lớn và sử dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến để thay thế cho những chất keo tụ thế hệ cũ trong xử lý nước sinh hoạt và nước thải. PAC đang tạo ra một bước đột phá mới trong công nghệ xử lý nước hiện nay bởi PAC có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phèn nhôm sunfat và các loại phèn vô cơ khác. Trước đây, toàn bộ nhu cầu về PAC của Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm PAC để cung cấp và đã đáp ứng hầu hết nhu cầu thị trường trong nước. 
 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đưa ra những khó khăn, thách thức và nhiều hạn chế bất cập mà ngành nước đang gặp phải và hy vọng qua buổi Hội thảo này sẽ “chia sẻ được nhiều thông tin bổ ích, cũng như trao đổi đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển ngành vật tư trong nước ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu ngành nước, thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách lớn của Đảng Nhà nước, góp phần xây dựng ngành nước phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Theo ông Văn Đình Hoan, hiện nay có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm chất keo tụ PAC với quy mô công nghiệp ở Việt Nam đó là: Nhà máy sản xuất PAC lỏng 10% Al2O3 công suất 25 nghìn tấn/năm, thuộc Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; hai là Nhà máy sản xuất PAC công suất 45 nghìn tấn/năm sản xuất hai loại PAC lỏng 17% Al2O3 và PAC bột 30% Al2O3 thuộc Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì. Các nhà máy này đều được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại và sử dụng nguyên liệu sạch trong nước để sản xuất sản phẩm PAC có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng tốt cho việc sản xuất nước sạch và xử lý nước thải tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng được lắng nghe báo cáo của Tập đoàn Mitani Sangyo Nhật Bản và một số đơn vị sản xuất nước sạch của Việt Nam đã sử dụng PAC và kết quả cho thấy PAC có nhiều ưu điểm trong xử lý nước sinh hoạt như: tiêu hao hóa chất giảm 4-5 lần so với lượng sulfat nhôm; Không làm thay đổi độ pH của nước được làm sạch, cho phép chánh sử dụng các chất kiềm để trung hòa; Phạm vi hoạt động pH rộng hơn; hiệu quả lọc tách chất rắn lơ lửng, tạp chất hữu cơ và kim loại cao hơn; Giảm hoạt động ăn mòn của nước; Sử dụng tốt vào mùa đông có nhiệt độ nước thấp; Giảm ăn mòn thiết bị; vệ sinh công nghiệp tốt hơn và giảm mặt bằng kho chứa, giảm chi phí vận chuyển…
 

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho việc sản xuất PAC sau một thời gian nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Trong đó, các ý kiến đều cơ bản thống nhất, sản phẩm PAC của Việt Nam có chất lượng hoàn toàn đảm bảo và tốt hơn so với nhiều sản phẩm PAC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ hiện đang được bán trôi nổi trên thị trường; các công ty sản xuất PAC cần tiếp tục nghiên cứu để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm PAC nội địa, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. 

Vì vậy các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có cơ chế thúc đẩy phát triển PAC trong nước bằng các biện pháp như: nâng mức thuế với hàng nhập khẩu, tuyên truyền phổ biến, khuyến khích sử dụng hàng trong nước, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn đầu vào, nhất là PAC sử dụng trong hoạt động sản xuất nước sạch.

PGS, TS. Ngô Đại Quang khẳng định: “Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cam kết sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực như: Khoa học công nghệ, tài chính để tiếp tục nghên cứu phát triển sản xuất PAC của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của đất nước và đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.

Hà Thắm - Khánh An

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1