VWSA và GIZ phối hợp tổ chức Lớp bồi dưỡng Vận hành và bảo dưỡng các Nhà máy/ Trạm xử lý nước thải phi tập trung tại Đà Nẵng

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực thoát nước tại Khu vực miền Trung , từ ngày 13 đến ngày 15/9/2016, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Chương trình Quản lý nước thải GIZ đã phối hợp tổ chức Lớp bồi dưỡng Vận hành và bảo dưỡng các Nhà máy/ Trạm xử lý nước thải phi tập trung tại TP. Đà Nẵng. Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng được lựa chọn là địa điểm để tổ chức hoạt động đào tạo lần này.
 
 

Ông Nguyễn Văn Tươi - Phó Ban Đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Bà Phạm Thị Vân Lan - Cán bộ Phụ trách đào tạo thuộc Chương trình Quản lý nước thải GIZ đã trực tiếp tham gia theo dõi lớp học.

Lớp bồi dưỡng thu hút sự tham gia của 27 học viên là các giám đốc, chuyên viên, trưởng/ phó phòng, cán bộ quản lý phụ trách kỹ thuật… đến từ 11 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thoát nước và các lĩnh vực có liên quan tại khu vực miền Trung - Tây nguyên:

- Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Khu Công Nghiệp Nhơn Hòa,

- Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Nhật Thành Vinh,

- Trung tâm quản lý, khai thác hạ tầng - BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế,

- Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên,

- Ban Quản lý phát triển đô thị Dung Quất,

- Phòng Quản lý đô thị - UBND TP Buôn Ma Thuật,

- Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng,

- Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng,

- Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng,

- Ban Quản lý dự án Hạ tầng Bình Định, Công ty CP Công trình Công cộng Hội An

- Công ty CP Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Quảng nam Đà Nẵng.

3 Giảng viên của lớp học là Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Quang Khải. Đó cũng chính là các Giảng viên đã tốt nghiệp Khóa đào tạo giảng viên nguồn về Quản lý nước thải do Chương trình Quản lý nước thải GIZ và VWSA phối hợp tổ chức.

Theo cách tiếp cận của chương trình đào tạo, ban tổ chức đã tiến hành khảo sát online nhu cầu đào tạo của từng học viên trước khi khóa học được tiến hành.

Các giảng viên đã bàn bạc với chuyên gia của Chương trình quản lý nước thải GIZ là bà Phạm Thị Vân Lan cùng nhau lên chương trình cụ thể, lên kịch bản chi tiết cho lớp học. Từ đó chủ động đưa chương trình đào tạo sát với thực tế và đúng loại hình công nghệ mà các công ty đang vận hành. Chính vì vậy nội dung khóa học này mang đậm tính thực tiễn. Các học viên được học, thực hành và thảo luận về các vấn đề họ đang vướng mắc, những vấn đề vận hành bảo dưỡng của loại công nghệ mà họ đang từng ngày thực hiện.

Với phương pháp truyền đạt mới, lấy người học làm trung tâm, các giảng viên và học viên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến vận hành và bảo dưỡng các Nhà máy/ Trạm xử lý nước thải phi tập trung:

- Khái niệm về XLNT chi phí thấp

- Các đặc điểm của hệ thống XLNT chi phí thấp (bao gồm cả hệ thống thoát nước và trạm xử lý)

- Các công nghệ XLNT thường được áp dụng

- Các thông số sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của trạm XLNT.

- Các thiết bị, công cụ sử dụng để thu thập các thông số nêu trên.

- Học viên chia sẻ hiện trạng tại các nhà máy XLNT

- Định nghĩa SOP, thành phần nội dung của một SOP, Một số kinh nghiệm khi làm SOP

- Quản lý hồ sơ, tài sản và lịch sử vận hành bảo dưỡng trạm XLNT

- Công tác an toàn lao động trong trạm XLNT

Để củng cố cho phần lý thuyết trên lớp, chiều ngày 14/9, với sự hướng dẫn của các giảng viên và các cán bộ quản lý lớp học, các học viên đã được chia làm 3 nhóm tham gia thực hành trên hiện trường tại Phòng Thí nghiệm Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng, Trạm XLNT Phú Lộc và Trạm XLNT Thọ Quang.

Sau 2,5 ngày tham gia học tập với các hoạt động sôi nổi và bổ ích, các học viên đã được tìm hiểu sâu hơn và có khả năng triển khai các công tác phục vụ cho hoạt động thực tế tại đơn vị mình:

- Các công nghệ xử lý nước thải phi tập trung

- Đặc điểm, nguyên tắc hoạt động của một số loại công trình xử lý nước thải phi tập trung phổ biến

- Các thông số vận hành, kiểm soát trong trạm XLNT

- Danh mục công cụ, dụng cụ vận hành trong trạm XLNT và hiểu được cách sử dụng chúng

- Hiểu thêm về các trạm XLNT khác trong khu vực

- Có thể lập kế hoạch cho nhà máy mà mình đang quản lý

- Các vấn đề an toàn trong trạm XLNT

- Đưa ra được SOP cho từng nhà máy XLNT khác nhau.

Lớp bồi dưỡng được bế giảng vào cuối buổi sáng ngày 15/9/2016. Tổng kết lớp học, các học viên đã được trao chứng chỉ công nhận đã tham gia Lớp bồi dưỡng lần này.

Lớp học đã diễn ra rất thành công. Học viên tham gia với tinh thần sôi nổi từ đầu đến giây phút cuối cùng. Tổng số 24/25 phiếu đánh giá cuối khóa học do các học viên đánh giá ẩn danh cho tất cả các mặt của khóa đào tạo là rất tốt và đáp ứng được các mong đợi của họ, giúp họ nâng cao năng lực và kỹ năng vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát nước phi tập trung tại đơn vị mình. 

Nhiều học viên chia sẻ: Bản thân chưa bao giờ học một lớp học mà không khí học tập hấp dẫn, thoải mái và thiết thực như vậy. Kết thúc khóa học, đa số các học viên đều bày tỏ nguyện vọng mong muốn được tiếp tục tham gia các khóa đào tạo tương tự.

XEM LẠI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA LỚP BỒI DƯỠNG TẠI LINK DƯỚI ĐÂY:

https://www.youtube.com/watch?v=-320o41Re2s&feature=youtu.be

 

Hà Thắm

Bài viết cùng chuyên mục