Hạn, mặn ĐBCSL: Nguyên nhân và hướng khắc phục

Nhận thấy tình hình xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vấn đề cấp thiết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân, trong đó có vấn đề nguồn nước và hoạt động sản xuất nước sạch của các đơn vị hội viên khu vực phía Nam, ngày 26/5, Trung ương Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức đoàn công tác thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực này.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã triệu tập một hội nghị tại TP. Sóc Trăng - một trong những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn để tìm nguyên nhân và bàn bạc các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đối phó và khắc phục đối với tình trạng trên.


Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam chủ trì cuộc họp. Tham dự hội nghị này còn có đại diện Cục Hạ Tầng Kỹ thuật - Bộ Xây Dựng, lãnh đạo của các Chi hội Cấp nước khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam và một số lãnh đạo các công ty cấp nước thuộc khu vực ĐBSCL.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy hạn mặn kỷ lục trong năm 2016 vtại ĐBSCL vừa qua đã làm cho khoảng 138.000 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại và hơn nửa triệu người lâm vào cảnh thiếu nước ngọt. Các nguyên nhân có thể kế đến đó là hạn hán, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nước biển dâng và xiệc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong làm cho vùng hạ lưu thiếu nước.

Với độ cao từ 1 đến 2 m so với mặt nước biển cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của xâm nhập mặn, đặc biệt vào mùa khô, khi nước ngọt từ sông Mekong đổ về không đủ để thau chua, rửa mặn.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên môi trường năm 2012, mực nước biển tại khu vực ĐBSCL có thể dâng cao thêm 100 cm vào năm 2100. Khi đó 40% diện tích khu vưc này sẽ bị nước mặn xâm nhập. Quá trình này đang âm thầm diễn ra khiến ĐBSCL trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bên cạnh đó các hình thái cực đoan của thời tiết như nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít xảy ra không chỉ ở khu vực ĐBSCL mà còn ở các nước thượng lưu sông Mekong, khiến cho tình hình trở nên càng nghiêm trọng.

Các đại biểu trong hội nghị đã cùng nhau bàn bạc và đưa ra các giải pháp đối với nguồn nước tại ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng cần chủ động nguồn nước cấp bằng cách khai thác tất cả các nguồn nước hiện có, từ nước mặt đến nước ngầm và đặc biệt là tận dụng nguồn nước mưa.

Thứ hai: Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ lọc nước nặm, điển hình như công nghệ lọc nano. Đồng thời có thể sử dụng các trạm cấp nước di động để kịp thời phục vụ bà con khu vực thiếu nước ngọt.

Thứ ba: Bên cạnh quy hoạch cấp nước, cần chú trọng đẩy mạnh xem xét tính khả thi của Dự án cấp nước liên vùng cho ĐBSCL. Đây có thể coi là quyết tâm mang tính chính trị cao của Chính phủ đối với an ninh nguồn nước tại ĐBSCL. Phía Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước, các nhà khoa học cũng như các đơn vị hội viên đang hoạt động tại khu vực ĐBSCL để tổng hợp ý kiến, phản biện với cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền xem xét.

Cũng nhân dịp này, TW Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã gửi tặng 50 triệu đồng, Chi hội Cấp nước miền Bắc gửi tặng 50 triệu đồng đến Công ty Cấp nước Sóc Trăng như một món quà tinh thần động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển sản xuất, phục vụ nhân dân trong tỉnh. Chi hội Cấp nước miền Bắc cũng thông qua Mặt trận tổ quốc tỉnh Sóc Trăng gửi tặng 50 triệu đồng đến bà con vùng đang chịu ảnh hưởng nặng về nguồn nước sinh hoạt do xâm nhập mặn.

Bài: Trần Hà 
Ảnh: CNST

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1