VWSA: Họp Ban Thường vụ mở rộng vì hạn, mặn Đồng Bằng Sông Cửu Long

Sáng 22/3/2016, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã chủ trì cuộc Họp Ban Thường vụ mở rộng để bàn về tình hình xâm nhập mặn tại Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và hạn hán tại Khu vực Miền Trung Tây Nguyên.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch (Khu vực phía Bắc), Viện Ngiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, các Ban và một số thành viên của các Ban ở các Bộ ngành.

Thay mặt Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường, PGS.TS Trần Đức Hạ đã trình bày các thách thức đối với tài nguyên nước và phát triển nguồn nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời đề xuất 3 phương án ứng phó với tình trạng trên.

Phương án thứ nhất là: Triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng theo các quy hoạch cấp nước sinh hoạt và quy hoạch thủy lợi.

Phương án thứ hai là: Phát triển nguồn cấp nước quy mô nhỏ các cụm dân cư, cụm công nghiệp và gia đình.

Phương án thứ 3 là: Nâng cấp và hoàn thiện công nghệ xử lý của các trạm cấp nước để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cụ thể Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường đề xuất áp dụng công nghệ màng lọc nano.


Sau khi nghe Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Ban KHCN, Ban Chính sách Phát triển báo cáo về tình hình xâm nhập mặn, khô hạn ở Khu vực ĐBSCL và Miền Trung Tây Nguyên, những ảnh hưởng và đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài, ý kiến của các đồng chí tham dự. Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã chỉ đạo các nội dung chính như sau:

Thiên tại do xâm nhập mặn và khô hạn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và Miền Trung Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, đời sống của người dân, đến các Hội viên trong đó việc cung cấp nước sạch đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Thường trực Hội đề nghị các đơn vị, các Chi hội, các Hội viên tích cực, chủ động và với trách nhiệm cao nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai do xâm nhập mặn và khô hạn gây ra, cố gắng đảm bảo đủ nguồn nước cho sinh hoạt của người dân.

Thường trực Hội cũng xin chia sẻ với các khó khăn của Hội viên và kêu gọi các đơn vị, cá nhân, các Hội viên với tinh thần tương thân tương ái, chung tay hỗ trợ bằng nhiều hình thức (nhân lực, phương tiện, kinh phí, các giải pháp kinh nghiệm) với các Hội viên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai.

Giao Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường phối hợp với Ban KHCN tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sâu hơn đánh giá những tác động của thiên tai đến việc cung cấp nước sạch cho người dân, đề xuất các giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn và khô hạn đang xảy ra tại Khu vực ĐBSCL và Miền Trung Tây Nguyên. Sớm hoàn thiện các giải pháp trước mắt mà Viện và các Ban đã đề xuất để trao đổi với các đơn vị đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và khô hạn.

Giao các Chi hội, mà trước mắt là Chi hội Cấp nước Miền Nam, Chi hội Cấp nước Miền Trung thường xuyên nắm tình hình có báo cáo kịp thời về Văn phòng Trung ương Hội, đặc biệt là báo cáo các khó khăn, đề xuất kiến nghị của các đơn vị đang bị ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai. Kịp thời hỗ trợ, động viên các Hội viên đang sinh hoạt tại Chi hội.

Giao Ban Chính sách chủ trì phối hợp các Ban và Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường tổng hợp nghiên cứu các đề xuất kiến nghị của các Chi hội, các Hội viên đề xuất các chính sách, giải pháp để kịp thời kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai do xâm nhập mặn và khô hạn gây ra. Sớm tổ chức Hội thảo hoặc tọa đàm tại Khu vực ĐBSCL để trao đổi, đưa ra các giải pháp giúp các đơn vị gặp thiên tai.

Đó một số nội dung được thống nhất tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đề nghị các đơn vị, các Chi hội, các Hội viên với tinh thần trách nhiệm cao nhất khẩn trương triển khai thực hiện.

VWSA

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1