Diễn đàn ngành nước Đức - Việt

Ngày 25/11/2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức, Chương trình Quản lý Nước thải - WMP của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Dự án Hợp tác Hiệp hội Đức - Việt Nâng cao Năng lực cho Ngành Nước Việt Nam (DEVIWAS) của Hiệp hội Hợp tác Ngành Nước Đức (GWP) đã phối hợp với Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam (VWSA) tổ chức “Diễn đàn ngành nước Đức - Việt Nam”.


Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác của các đối tác Đức và Việt Nam nhằm hướng tới một ngành nước Việt Nam phát triển lâu dài và bền vững.  Đến dự có ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng - Bộ Xây dựng, Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, TS. Horst Sommer - Giám đốc chương trình Quản lý chất thải của GIZ, ông Nguyễn Đắc Hoàn - Quản lý dự án DEVIWAS và các vị khách quí đến từ Đức, Việt Nam cùng nhiều đại diện của các doanh nghiệp trong ngành cấp thoát nước, vệ sinh môi trường của Việt Nam.


Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận một số các vấn đề quan trọng như: Hiện trạng phát triển của ngành nước Việt Nam hiện nay; Trọng tâm giai đoạn 4 của Chương trình quản lý chất thải của GIZ/ Bộ xây dựng với trọng tâm là quản lý tri thức và nâng cao khung pháp lý; Ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác phát triển Đức - Việt, đặc biệt đối với ngành nước; Công tác đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề; Những khó khăn và đề xuất tháo gỡ trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước; Kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình cấp nước an toàn; Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung…

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Việt Nam hiện nay đã có 30 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang vận hành với tổng công suất xử lý đạt khoảng 809.000m3/ngđ và có khoảng 40 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 1.600.000m3/ngđ đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị hoàn thành. Tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đạt khoảng 12%. Nhiều đô thị đang triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong đó tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới thoát nước… Trong tình hình đó, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 ra đời với những điểm đổi mới và tiến bộ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu.
 

 
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng nêu rõ, để các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững cần chú trọng nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng thời cơ học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài…

Đặc biệt, theo ông Đinh Chí Đức - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu – một trong những doanh nghiệp thực hiện thành công và có bước phát triển hơn hẳn sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp cần tập trung giải quyết tốt 3 vấn đề: Thay đổi quản trị doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý; Thay đổi về công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về năng lực chuyên môn và những kỹ năng mềm nhằm thay đổi thái độ với công vệc và cuộc sống; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trở thành bản sắc kinh doanh, tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp mình.


Đa số các đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng hiện nay hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể vận dụng hiệu quả các pháp quy này, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương để có thể nhận được từ họ sự hỗ trợ và cảm thông. Và quan trọng nhất là cần phải thay đổi tư duy quản lý, thay đổi nếp làm việc cũ nếu muốn kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.

Hà Thắm - Nguyễn Vinh - Lệ Diễm

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1