Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần sát với thực tế

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần đưa ra những quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý, bám sát thực tế, TTXVN dẫn lời các đại biểu tại một hội thảo.
 

Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM tổ chức cuối tuần qua thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, bản tin TTXVN cho hay.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, một số quy định của Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu thực tế và với pháp luật có liên quan.

Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn tồn tại sự chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện nên cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần sát với thực tế - Ảnh 1.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Hồng Giang/TTXVN)

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp ngành Nước và các cơ quan ban, ngành liên quan đã cùng nhau thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho rằng, những quy định tại các điều 46,47 và 48 của Dự thảo Luật quy định một số trường hợp khẩn cấp cho phép việc khai thác nước mà không cần phải cấp phép chưa thỏa đáng vì chưa xét đến trường hợp sự cố xảy ra trong chính các nhà máy thoát nước.

Việc đóng phí theo công suất như quy định đối với các doanh nghiệp cấp nước cũng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và gây lãng phí.

Ngoài ra, đại diện các cơ quan, ban, ngành cũng đề xuất cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý của các cá nhân, tổ chức, địa phương trong công tác khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Điều này sẽ giúp việc quản lý, giám sát các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 5 điều.

Tác giả: Hoàng Long
Nguồn: TTXVN

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1