Quỹ khí hậu Mỹ có thể làm ô nhiễm nước nghiêm trọng hơn

Luật Giảm Lạm phát ở Mỹ được hoan nghênh do đã giúp cấp quỹ cho vấn đề khí hậu, song cũng có lo ngại nó sẽ làm xấu đi thảm họa môi trường, The Guardian đưa tin.
 

Luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act hay IRA), thông qua hồi tháng 8/2022 và trị giá 369 tỷ đô la Mỹ được đông đảo các tổ chức và nhà hoạt động khí hậu Hoa Kỳ hoan nghênh vì có nguồn đầu tư dồi dào cho các dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu (BĐKH) và cải thiện sức khỏe môi trường, bài đăng The Guardian ngày 8/2/2023 cho hay.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và hoạt động khí hậu đang bày tỏ lo ngại bởi một vài điều khoản có thể làm xấu đi một thảm họa môi trường đang gia tăng tại miền Trung nước Mỹ bởi chúng cho phép tăng luồng xả các chất ô nhiễm từ nông trại vào đường thủy và nước ngầm.

Quy chế mới bao gồm các lợi ích trị giá hơn 140 tỷ Đô la Mỹ nhằm tăng cường năng lượng tái tạo và sản xuất điện sạch sẽ giúp giảm 40% lượng khí nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005 vào cuối thập kỷ. Nhưng bên cạnh việc khuyến khích một nền nông nghiệp thân thiện với khí hậu, quy chế này cũng cổ vũ cho việc xây dựng các cơ sở tinh lọc ethanol từ ngô và sản xuất năng lượng từ phân có tiềm năng tăng mạnh ô nhiễm.

“Những chất ấy sẽ bị thải ra nguồn nước”, Rebecca Ohrtman, chuyên gia về chất lượng nước bang Iowa, nói với The Guardian khi nhận định về các chất nhiễm bẩn có từ canh tác và chăn nuôi khép kín. Phần lớn sự nghiệp của mình, Ohrtman dành cho vai trò điều phối viên bảo vệ chất lượng nước tại bang Iowa. “Tôi không thể tin được rằng họ sẽ cấp vô điều kiện một khoản tiền lớn tới vậy!”

Quỹ khí hậu Mỹ có thể làm ô nhiễm nước nghiêm trọng hơn - Ảnh 1.

Các Đại hồ và miền Trung Tây nước Mỹ đang đối mặt với tình hình khẩn cấp về chất lượng nước, theo các chuyên gia môi trường. Các chất ô nhiễm từ nông nghiệp đã làm bẩn hàng nghìn giếng từ bang Minnesota tới Missouri, và gần như toàn bộ nguồn nước mặt tại Iowa bị thoái hoá, trong khi có rất ít quy định để kiểm soát các chất ô nhiễm.

“Vấn đề này đã trở thành tình trạng khẩn cấp và là bê bối quốc gia”, Emma Schmit, một nhà quản lý tại dự án Food and Water Watch vùng Trung tây, cho biết.

“Khi phân tích mẫu nước, chúng tôi thấy các chất ô nhiễm chính là E coli, nitrat và lưu huỳnh xuất phát từ nông nghiệp. Mầm bệnh và chất ô nhiễm này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho người dân. Ta lại sắp sửa đưa một tấm séc trắng cho các nông trại để làm mọi việc xấu đi”, bà nói.

Nước sạch bị đe dọa

IRA đưa ra hai điều khoản về nông nghiệp có ảnh hưởng đến chất lượng nước tại miền Trung Tây. Một điều khoản khuyến khích sản xuất ethanol, một nhiên liệu tái tạo từ ngô. Điều khoản kia giới hạn việc phát thải khí metan bằng cách xử lý phân gia súc, gia cầm. Chất thải từ hai hoạt động trên cuối cùng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.

Việc khuyến khích trồng ngô đặc biệt đáng lo ngại, vì nông dân dùng rất nhiều phân nitơ cho mùa vụ này, Chris Jones, kỹ sư nghiên cứu và chuyên gia về chất lượng nước tại Đại học Iowa, cho biết.

“Bất cứ khi nào chúng ta khuyến khích việc trồng một loại cây cần nhiều dinh dưỡng thì môi trường cũng bị ô nhiễm”, Jones nói. “Ngô thải ra nhiều chất dinh dưỡng ra môi trường. Ta biết chắc điều này mà ta lại đang khuyến khích việc trồng thêm, thì môi trường bị ô nhiễm hơn không phải là điều khó nghĩ tới”.

Ngô là loài cây được bón phân nhiều nhất tại Mỹ, đóng góp gần 5 triệu tấn phân nitơ thương mại cho đất nông nghiệp hằng năm, với 4 trong số 5 triệu tấn này thuộc về miền Trung Tây, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nghiên cứu cấp tiểu bang và quốc gia cho thấy 70% lượng ni-tơ trong phân bón thoát từ đất xuống sông, suối và mạch nước ngầm. 

Ô nhiễm chất dinh dưỡng nông nghiệp là lý do chủ đạo vì sao Dự luật Nước Sạch (1972) không đạt mục tiêu “dễ bắt dễ bơi” mà nó đặt ra đối với các nguồn nước mặt Hoa Kỳ. Các điều khoản miễn trừ trách nghiệm có trong dự luật này đã khiến lượng chất dinh dưỡng gây ô nhiễm từ các khu trồng trọt và nông hộ nhỏ hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát. (Trong khi đó, các cơ sở gia súc lớn hơn được chính quyền các bang cho thoải mái quản lý và xả phân).

Quỹ khí hậu Mỹ có thể làm ô nhiễm nước nghiêm trọng hơn - Ảnh 2.

Mở rộng diện tích trồng ngô để tạo ra ethanol là một trong những mục tiêu của chính phủ do ông Joe Biden đứng đầu. Việc tăng cường sản xuất ethanol lên 21 tỷ gallon (79,5 tỷ lít) năm nay và 23 tỷ gallon năm 2025 từ 15 tỷ gallon năm 2022 nhằm đạt mục tiêu chiến lược quốc gia về một nguồn năng lượng “bền vững” cho ngành hàng không. 

Dù khấu trừ thuế $1,01/gallon (3,8 lít) trong IRA là một lợi thế cho nhà sản xuất ngô và ethanol, kế hoạch ethanol của chính phủ là mối đe dọa lớn đối với nước sạch. Nông dân trồng ngô đã dùng 1,8 triệu tấn phân bón để sản xuất lượng ethanol trên toàn quốc hiện nay. Dựa trên tỷ lệ này, để có thêm 5 tỷ gallon ethanol sẽ cần dùng thêm 0,7 triệu tấn phân bón tại các bang trồng ngô. 

Điều này sẽ trầm trọng thêm vấn đề về chất lượng nước hiện nay.

Sản xuất nhiên liệu tạo áp lực lên ngành nông nghiệp phải tăng năng suất ngô hay gia súc, và cũng tăng ô nhiễm môi trường. Những ngành gây ô nhiễm khác đều bị kiểm soát nghiêm ngặt, song Nghị viện Mỹ không có quy định cụ thể nào để bảo vệ nguồn nước trong IRA.

Gia súc 

Ảnh hưởng của dự luật lên hoạt động chăn nuôi gia súc cũng đáng lo ngại.

Chăn nuôi gia súc lớn, chủ yếu ở miền Trung Tây, tạo ra hàng tỷ gallon phân lỏng chưa qua xử lý và hàng chục triệu tấn phân rắn nằm khắp các khu vực mà không có sự quản lý nào. Phân gia súc chứa nitơ, lưu huỳnh và các mầm bệnh có thể thoát ra môi trường và làm ô nhiễm các nguồn nước trong khu vực.

Năm 2016, tổ chức Bảo Vệ Môi trường EPA đã xác định lưu huỳnh và nitơ nông nghiệp là “thách thức lớn nhất đối với chất lượng nước quốc gia”.

Đối với hàng triệu người Mỹ ở miền Trung đang hằng ngày đối mặt với nước bẩn, dự luật mới có thể khiến tình hình khu vực bị ô nhiễm nước ngầm và nước mặt tồi tệ nhất quốc gia này ngày càng xấu đi, các chuyên gia về chất lượng nước cho biết. 

Nguy cơ này xuất phát từ một loạt ưu đãi thuế trong IRA để sản xuất năng lượng tái tạo từ các bể tiêu hoá sinh học, các bể lớn nơi vi khuẩn và nhiệt độ biến rác thải hữu cơ thành khí metan. 

Quỹ khí hậu Mỹ có thể làm ô nhiễm nước nghiêm trọng hơn - Ảnh 3.

Hội đồng Khí sinh học Mỹ đã đếm được 2,300 bể tiêu hóa sinh học đang hoạt động trong nước. Khấu trừ thuế trong dự luật khí hậu sẽ nâng ước tính này lên 15.000 bể tiêu hóa sinh học mới. Lượng khí metan từ đó sẽ được đưa tới các nhà máy điện ở nông thôn.

Tuy nhiên, bể tiêu hóa sinh học sẽ không hề giúp giảm rác thải. Các loại phân rắn và lỏng, sau khi qua xử lý sẽ có hàm lượng lưu huỳnh và nitơ cao hơn, được dùng làm phân bón tại các trang trại lân cận, nơi chúng sẽ trôi xuống nguồn nước miền Trung Tây. 

Mặc dù bể tiêu hoá sinh học tạo ra một nguồn doanh thu mới cho nông dân, Hội đồng Khí sinh học Mỹ nhận định rằng số tiền thu được từ đây sẽ không dẫn tới việc mở rộng hoạt động chăn nuôi gia súc và tạo thêm phân bón. 

Nhưng thực tế cho thấy, bể tiêu hoá sinh học là một động lực lớn để gia tăng số lượng gia súc, gia cầm - cũng như lượng phân của chúng - tại các đơn vị chăn nuôi công nghiệp.

Năm ngoái, sau khi bang Iowa phê chuẩn một điều luật mới khuyến khích các khu chăn nuôi lắp đặt bể tiêu hóa sinh học, năm trong số chín cơ sở sản xuất sữa được khảo sát cho biết họ sẽ tăng quy mô đàn gia súc. 

USDA không trả lời các câu hỏi về ảnh hưởng của quy định mới lên nguồn nước.

Các lãnh đạo trong ngành sản xuất ngô và chăn nuôi đã không đáp lại yêu cầu trả lời phỏng vấn của The Guardian.

Tác giả:
Ngọc Anh (dịch)

Bài viết cùng chuyên mục