Nghiên cứu: Các đồng bằng bên sông có nguy cơ bị chìm

Các đồng bằng ven biển có thể mất nhiều đất hơn so với hiểu biết trước đây do các con sông thay đổi dòng chảy theo thời gian, Smart Water Magazine đưa tin.
 

Bề mặt các đồng bằng thường chỉ là nhất thời, bởi phù sa mới trong dòng sông bù đắp cho sự sụt lún và giúp duy trì bề mặt đồng bằng cao hơn mực nước biển.

Đất ở các đồng bằng đang bị lún do hiện tượng nước biển dâng, sụt lún đất và nguồn cấp phù sa bị giảm, bản tin ngày 21/10 của Smart Water Magazine dẫn tin Tạp chí Hakai chuyên đăng tin về vùng ven biển cho hay.

Khai thác nước ngầm cho nông nghiệp và các thành phố đang phát triển là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún. Mặt khác, biến đổi khí hậu được cho là sẽ khiến dòng chảy phù sa tăng lên đôi chút khi lượng mưa gia tăng rửa trôi nhiều đất hơn vào các con sông, nhưng nó sẽ được bù đắp nhiều hơn nhờ các con đập, nơi giữ lại trầm tích.

Các đồng bằng bên sông trên khắp thế giới là nơi sinh sống của hàng tră triệu người, chẳng hạn như ở thành phố Kolkata ở đồng bằng sông Hằng, Bangkok ở đồng bằng Chao Phraya, hoặc Thượng Hải, một trong hàng chục thành phố lớn ở đồng bằng sông Dương Tử.

Các mô hình trước đây khi dự báo sự phát triển của đồng bằng đã so sánh tốc độ dâng của nước biển với sự lắng đọng trầm tích, giả định rằng trầm tích được trải đều trên đồng bằng.

Các đồng bằng sông có nguy cơ bị chìm - Ảnh 1.

Đất đai màu mỡ khiến vùng đồng bằng trở thành những điểm nóng để sản xuất lương thực. (Ảnh: Phuong D. Nguyen/Shutterstock)

Nhưng một nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ California (Mỹ) do Austin Chadwick dẫn đầu đã phân tích sự lắng đọng trầm tích, có tính đến việc các con sông thay đổi dòng chảy định kỳ, chuyển hướng phù sa đến các khu vực khác nhau của đồng bằng được gọi là các thùy. 

Kết quả nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, trong khi đất mới được xây dựng trên các thùy đang hoạt động, các thùy không hoạt động không còn nhận được bất kỳ trầm tích nào và bắt đầu bị xói mòn, dần dần dẫn đến mất đất ở vùng đồng bằng. 

Những dự báo của họ là tin tiêu cực đối với một số vùng đồng bằng được nghiên cứu. Sông Mississippi sẽ cần lượng phù sa nhiều gấp ba lần để duy trì vùng đất khô đồng bằng hiện nay.

Đồng bằng sông Danube sẽ cần lượng phù sa gấp 10 lần để duy trì.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đồng bằng đều đối mặt với trường hợp đó. 

Sông Hoàng Hà mang theo nhiều phù sa đến mức cứ 10 năm lại hình thành một thùy mới và các kỹ sư đã có thể chuyển hướng dòng sông, dù với chi phí cao, để gia tăng sự lắng đọng phù sa ở những khu vực được chọn, tối đa hóa việc xây dựng đất đai.

Tuy nhiên, những giải pháp này có thể không khả thi trong tương lai khi nước biển tiếp tục dâng.

Các đồng bằng sông có nguy cơ bị chìm - Ảnh 2.

Phù sa đóng vai trò quan trọng trong khả năng chống chịu khí hậu đối với các vùng đồng bằng trên thế giới. (Ảnh: Zita Sebesvari)

Các kế hoạch xây dựng bất kỳ con đập mới nào đều phải đánh giá rủi ro và hậu quả đối với các vùng hạ lưu do việc vận chuyển phù sa bị thay đổi, trong khi hợp tác quốc tế rất quan trọng ở các vùng đồng bằng nơi trầm tích được chuyển đến bởi các con sông chảy qua nhiều quốc gia, chẳng hạn như sông Hằng hoặc sông Mê Kông.

Tác giả: Quang Hưng (dịch)
Nguồn: Smart Water Magazine

Bài viết cùng chuyên mục