Biến khủng hoảng nước vô hình thành hữu hình

Các nhà nghiên cứu Hà Lan cho biết các vấn đề chất lượng nước vẫn sẽ tồn tại bất chấp Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, Smart Water Magazine đưa tin.
 

Mặc dù việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đầy tham vọng của Liên Hợp Quốc về xử lý nước thải sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước toàn cầu, các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng nước vẫn sẽ tiếp tục tồn tại ở một số khu vực trên thế giới, bản tin ngày 07/10 của tạp chí Smart Water Magazine dẫn kết luận của một nghiên cứu cho hay.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht (Hà Lan) đã phát triển một mô hình chất lượng nước mới để làm rõ hơn tình trạng ô nhiễm hiện tại và tương lai của các sông suối trên toàn cầu. 

Nghiên cứu này đã được xuất bản ngày 6/10 trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment.

Các vấn đề về chất lượng nước được Ngân hàng Thế giới coi là một "cuộc khủng hoảng vô hình", đang thiếu giám sát, khó phát hiện và không thể nhận thấy qua mắt thường. 

Nước sạch rất quan trọng đối với các nhu cầu xã hội của con người. Chất lượng nguồn nước toàn cầu đang ngày càng chịu nhiều áp lực do sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. 

Để minh họa, ước tính có 829.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm do tiêu chảy từ việc sử dụng nước bị ô nhiễm cho mục đích uống hoặc vệ sinh, bài đăng Smart Water Magazine thông tin.

Biến khủng hoảng nước vô hình thành hữu hình - Ảnh 1.
Dù mục tiêu SDG sẽ cải thiện chất lượng nước, không phải lúc nào cũng là đủ. (Ảnh: Izzet Cakalli)

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phát triển một mô hình chất lượng nước toàn cầu có độ chính xác cao để "giúp lấp đầy những lỗ hổng trong kiến thức về chất lượng nước, đặc biệt ở các khu vực trên thế giới mà chúng ta thiếu quan sát", theo tác giả nghiên cứu Edward Jones.

Ngoài việc xác định các điểm nóng về vấn đề chất lượng nước, mô hình có thể giúp xác định nguồn gây ô nhiễm cho các lĩnh vực cụ thể. 

Ông Jones nói: "Ví dụ, các hệ thống thủy lợi quy mô lớn cho nông nghiệp dẫn đến vấn đề nhiễm mặn ở miền Bắc Ấn Độ, trong khi các quy trình công nghiệp chịu trách nhiệm nhiều hơn ở phía Đông Trung Quốc. Ngược lại, ngành sản xuất nội địa và chăn nuôi gây ô nhiễm chất hữu cơ và mầm bệnh trên toàn thế giới".

Các tác giả đã mở rộng nghiên cứu chứ không chỉ chú ý đến chất lượng nước trước đây và hiện tại. Họ đã áp dụng mô hình để điều tra xem việc đạt được mục tiêu SDG - giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vào năm 2030 - mang lại lợi ích gì cho chất lượng nước sông toàn cầu.

Các mô phỏng cho thấy phần lớn trong năm, chất lượng nước ở một số khu vực vẫn sẽ vượt quá ngưỡng giới hạn để sử dụng cho người và sức khỏe hệ sinh thái, đặc biệt xảy ra ở các nước đang phát triển, tại châu Phi cận Sahara và Nam Á, ông Jones giải thích.

Tác giả: Quang Hưng (dịch)
Nguồn: Smart Water Magazine

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1