Huân chương cho Thoát nước Hà Nội và hạ tầng đô thị Việt Nam

Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba, suy cho cùng, là sự tri ân xứng đáng đối với người lao động.

Tháng 8/2022, nhiều cơ quan báo chí trên cả nước đăng thông tin thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về đề nghị xét tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị thành lập từ tháng 3/1973.

Vào thời điểm Thủ đô đang trải qua mùa mưa bão tương đối dồn dập, nhiều trận mưa lớn gây ngập úng đường phố, câu “hễ mưa là ngập” xuất hiện liên tục trên mặt báo. Ý tưởng về việc khen thưởng công ty thoát nước, do vậy, có thể khiến nhiều người thấy khó hiểu.

Tuy nhiên, đối với những người quen thuộc với ngành Nước và thấu hiểu vấn đề hạ tầng đô thị tại Việt Nam, để xuất này lại hoàn toàn có cơ sở.

Cái khó ít người biết tới

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam rằng công việc của những người công nhân thoát nước có rất nhiều góc khuất. Từng đảm nhiệm nhiều vị trí các cấp tại Công ty, ông Sơn thấu hiểu sự vất vả, khó khăn khi làm việc trong môi trường độc hại, vô số hiểm nguy rình rập.

“Trước kia, khi điều kiện vật chất còn thiếu thốn, những người công nhân cống ngầm mắc ung thư rất nhiều”, ông Sơn hồi tưởng. Bản thân ông đã từng chia tay nhiều đàn anh, đàn chị ra đi vì những căn bệnh nan y do nghề đem tới. “Có những người còn chưa kịp lấy lương hưu…”, ông ngậm ngùi.

Tấm huân chương cho Thoát nước Hà Nội và hạ tầng đô thị Việt Nam - Ảnh 1.

Thời còn khó khăn là vậy, nhưng cả khi Công ty có điều kiện đầu tư các thiết bị bảo hộ hay trang bị thêm một số dây chuyền máy móc tự động cũng chỉ giúp công việc của những người công nhân bớt khó khăn đi chút ít.

Theo ông Sơn, ban lãnh đạo công ty đã nhiều lần nhận được ý kiến góp ý, thậm chí chất vấn về sự cần thiết của việc cử công nhân ra đường làm nhiệm vụ giữa trời mưa bão. “Trời mưa to, người dân còn bảo nhau nên ở nhà cho an toàn, tránh gió to, cây đổ, nhưng anh chị em công ty chúng tôi lại phải ra đường”, ông Sơn chia sẻ.

Nhiệm vụ của người công nhân thoát nước lúc đó rất đa dạng, từ việc chuyên môn như xử lý những điểm tắc nghẽn trong hệ thống thoát nước do rác thải gây ra, đến vai trò bất đắc dĩ như làm cọc tiêu, hướng dẫn xe cộ đi qua các điểm úng ngập.

“Đôi khỉ, chỉ cần một cái túi nilon, một cái hộp nhựa bị vứt ra đường cũng có thể khiến đường ống bị tắc nghẽn, gây ngập úng cục bộ”, ông Sơn giải thích. “Những điểm như vậy không có máy móc nào có thể xác định và xử lý thay cho con người được”.

Khó khăn về quy hoạch

Tất cả những khó khăn mà người công nhân thoát nước phải đối mặt, thực chất, đều xoay quanh việc vận hành hệ thống thoát nước đã có sẵn của thành phố. Tuy nhiên hệ thống đó đang tồn tại nhiều vấn đề bắt nguồn từ cách quy hoạch hạ tầng thoát nước nói riêng và hạ tầng đô thị nói chung tại Hà Nội.

“Ai cũng nghĩ cống là để thoát nước, nhưng cống ở Hà Nội thì không phải như thế. Đó là một cái túi chứa rác khổng lồ và khủng khiếp”, báo Nhân Dân ngày 6/9/2022 dẫn lời ông Đỗ Văn Công, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội, người đã có hơn 30 năm làm công việc dọn dẹp “túi chứa rác” của Thủ đô để đảm bảo hệ thống cống hoạt động đúng công suất mỗi khi mưa xuống.

Tấm huân chương cho Thoát nước Hà Nội và hạ tầng đô thị Việt Nam - Ảnh 2.

Phần lớn hệ thống công trình thoát nước của Hà Nội như cống, trạm bơm, kênh, mương, hồ điều hòa đều đã cũ, không còn phù hợp với tình hình đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay, Công ty Thoát nước Hà Nội nêu trong một báo cáo.

Nhà cửa, hàng quán, các trung tâm thương mại và cả các khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều, tăng thêm áp lực cho hệ thống thoát nước đã cũ, lại phải sử dụng kết hợp cho cả nước thải sinh hoạt, nước mưa và rác thải đường phố.

Trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, những trận mưa lớn diễn ra ngày một nhiều và dồn dập, trong khi những công trình thoát nước mới với công suất phù hợp chưa được đầu tư xây dựng, sẽ càng khiến hệ thống quá tải nhiều hơn.

Việc xây dựng ồ ạt, khiến nền đất sụt lún cũng tạo ra các vùng trũng mới trong thành phố, ông Sơn ở Công ty Thoát nước Hà Nội nhận xét. Nước mưa đọng lại tại các điểm này cũng không thể thấm xuống đất do xu thế bê tông hóa tại đô thị, khiến việc thoát nước càng trở nên khó khăn.

Nhiều người có thể nhìn ra những vấn đề của hệ thống hạ tầng thoát nước, và những con người ngày đêm làm việc tại Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thấu hiểu những điều này. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ có thể giải quyết những bất cập trên.

Ông Sơn nói rằng Công ty Thoát nước Hà Nội, tuy là doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cũng như bao công ty khác tham gia đấu thầu, rồi trúng thầu và được giao vận hành hệ thống thoát nước đã có sẵn của thành phố.

“Công ty cũng liên tục đề xuất thành phố nâng cấp, cải thiện hệ thống cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi chỉ biết nỗ lực điều tiết, nạo vét, xử lý, vận hành để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, hết công suất”, ông Sơn nói.

Tấm huân chương cho Thoát nước Hà Nội và hạ tầng đô thị Việt Nam - Ảnh 3.

Nhắc tới một trong những giải pháp thoát nước đô thị nổi bật, nhiều người hẳn sẽ nghĩ tới công trình G-Cans, hệ thống thoát nước ngầm đô thị nổi tiếng tại Nhật Bản, với những hầm chứa, bể ngầm đồ sộ và đường hầm dài hàng chục cây số, có khả năng trữ và tiêu thoát hàng trăm tấn nước.

Tuy nhiên, điều ít ai chú ý là việc hệ thống trên đã mất tới 14 năm xây dựng và tiêu tốn của Chính phủ Nhật Bản 3 tỷ USD. ‘Một công trình thế kỷ&; là cách ông Sơn gọi những hệ thống thoát nước như vậy.

Hà Nội cần một công trình như thế, nhưng đó không phải chuyện có thể làm một sớm một chiều.

Những nỗ lực tạm thời

Cuối tháng 10 năm 2008, khi mưa lớn kỷ lục trút xuống các tỉnh miền Bắc, Hà Nội khi đó ngập trong biển nước khổng lồ. Đến ngày 3 tháng 11, tức 4, 5 ngày sau, vẫn còn 63 điểm úng ngập lớn, gây khó khăn cho sinh hoạt và đi lại của người dân.

Sau hơn 10 năm, tháng 4 năm 2021, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Kế hoạch 52/KH-SXD, trong đó xác định thành phố còn 11 điểm úng ngập. Thời gian nước đọng cũng đã được rút xuống chỉ còn vài giờ.

Đó là những con số thực chất, chứng minh những nỗ lực của ngành Thoát nước Thủ đô thời gian qua. Trong đó, công lao của những người công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội là không thể phủ nhận.

Với những đóng góp như vậy, một danh hiệu cấp Nhà nước dành cho cả tập thể Công ty trước thềm đợt kỷ niệm 50 năm thành lập (28/3/1973 - 28/3/2023), có lẽ cũng là một sự tri ân xứng đáng đối với những lớp người lao động đã cống hiến cho ngành thoát nước Hà Nội nửa thế kỷ qua - những người chọn đứng giữa trời mưa tầm tã, giữa cống rãnh hôi thối để đem lại sự thoải mái cho đời sống nhân dân.

Tấm huân chương cho Thoát nước Hà Nội và hạ tầng đô thị Việt Nam - Ảnh 4.

Trước đó, Công ty đã hai lần nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào các năm 1978, 1983, cũng như nhiều Huân chương hạng Nhất, Huân chương Độc lập và nhiều bằng khen của Chính phủ cũng như từ Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, Công ty cũng rất mong những cơ quan, ban ngành và cả người dân cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn của lĩnh vực thoát nước. Đó sẽ là những hoạt động thực tiễn và hiệu quả, giúp Hà Nội ngày một phát triển văn minh, bền vững hơn, xứng đáng là một đô thị “đáng sống”.

Tác giả: Hải Nguyễn

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1